Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Ký ức về một Liên bang Xô viết


Cách nay hơn một phần tư thế kỷ, tôi rất may mắn vì được sống và học tập ở Liên Xô. Tôi đã rất tự hào về một Liên bang Xô viết thịnh vượng, là thành trì của hòa bình thế giới.

Những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội… để lại làm nền tảng vững chắc cho những bước phát triển mạnh mẽ của nước Nga hiện nay và cả mai sau.


Tôi luôn cảm nhận rằng đất nước Liên Xô rất vĩ đại, đất nước Nga ngày nay cũng vậy. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, nước Nga vẫn đứng vững và phát triển.

Tôi rất khâm phục tinh thần yêu nước của nhân dân Nga, ý chí và lòng tự tôn dân tộc, kiên cường vượt mọi khó khăn, thử thách.

Bà mẹ Nga cũng giống như mẹ Việt Nam, hiền lành, đôn hậu, nhân ái, sẵn sàng sẻ chia mẩu bánh cuối cùng của mình cho bạn bè trong lúc khó khăn.

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn đau đáu về nước Nga, về Bà mẹ Nga - Đó là vì ở trên đất Liên Xô khi ấy tôi đã được sống, được bao bọc trong tấm lòng nhân hậu của người Nga, được nhận tình cảm nồng ấm từ bạn bè, và trong sự dạy dỗ của thầy cô giáo.

Rồi bỗng một ngày, ngày 25-12-1991, tôi bàng hoàng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, khi xem TiVi, thấy Mikhail Sergeyevich Gorbachev đọc diễn văn từ chức. Giọng Ông hơi lạc đi vì xúc động:

“ Kính thưa toàn thể nhân dân ”

“ Số phận đã quyết định rằng, khi tôi trở nên lãnh đạo đất nước, hiển nhiên đã có những sai trái trầm trọng trong quốc gia này.

Chúng ta có đầy đủ mọi thứ, đất đai, dầu khí, tài nguyên thiên nhiên và Tạo Hóa đã ban cho chúng ta trí tuệ và tài năng – Tuy nhiên, mức sống của chúng ta tệ hại hơn nhiều so với các quốc gia kỹ nghệ khác và khoảng cách mỗi ngày rộng thêm”.


Khi bình tâm lại, tôi nhận ra rằng: Đúng rồi, chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến

Một quốc gia đi ngược dòng phát triển văn minh nhân loại và quyền con người như xác nhận trong diễn văn từ chức của Mikhail Sergeyevich Gorbachev “ hệ thống toàn trị đã ngăn chận một quốc gia để trở nên giàu có và thịnh vượng, hệ thống đó phải bị giải thể. ”

Ông nêu nguyên nhân: “Lý do rõ ràng vì xã hội bị bóp ngặt trong tay của một hệ thống quan quyền được tạo ra để phục vụ một ý thức hệ, và phải chịu gánh nặng chạy đua vũ trang, căng thẳng tột cùng.

Tất cả cố gắng để thực hiện các cải cách nửa vời đều lần lượt dẫn đến thất bại. Đất nước không còn hy vọng gì nữa .”

Hẳn nhiên, có nhiều lý do thuộc về cơ chế – kinh tế, chính trị, xã hội – cho biết tại sao Liên Xô phải sụp đổ như nó đã sụp đổ; tuy nhiên, những lý do này không thể giải thích đầy đủ biến cố này diễn ra như thế nào và diễn ra khi nào.

Gorbachev đã nói như thế trước Ủy ban Trung ương Đảng trong phiên họp tháng Giêng 1987, “chúng ta không thể tiếp tục như thế thêm nữa, và chúng ta phải triệt để thay đổi lối sống, dứt khoát với những sai trái trong quá khứ”

Còn theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikolai Ryzhkov, “tình trạng đạo lý của xã hội Liên Xô là nét đặc trưng “hãi hùng nhất”

“Chúng ta ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”

Nhiều năm về sau, Mikhail Sergeyevich Gorbachev trả lời phỏng vấn như sau: Mô hình Xô-viết không những bị đánh bại trên bình diện kinh tế và xã hội; nó bị đánh bại ngay trên bình diện văn hóa.

Ông khẳng định “Xã hội chúng ta, nhân dân chúng ta, những người có học vấn nhất, những người có trí thức nhất, đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt tinh thần lẫn chính trị.”

Gorbachev nói về các cải cách ông thực thi từ 1985, dù sao, đã là những viên gạch cần thiết lót lên con đường dẫn đến chế độ dân chủ và theo ông “ xã hội đã đạt được tự do, tự do về chính trị và tự do về tinh thần”.

Lịch sử nước Nga có biết bao biến cố thăng trầm, yêu nước Nga, Bà mẹ Nga, tôi vẫn luôn tin tưởng đất nước và con người Nga vẫn đứng vững và phát triển.



Trần Thành Lập
Viết nhân 25 năm, ngày xa Liên bang Xô viết
Cần Thơ, ngày 25 tháng 12 năm 2015

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Dấu ấn về một ngôi trường của tỉnh Hậu Giang


Nhận thức rõ nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo bước đột phá để góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Khi mới thành lập, tỉnh Hậu Giang, nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng về giáo dục trong cả nước, là một trong những tỉnh khó khăn nhất về cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Hầu hết những trường có phòng học tạm đều là những ngôi trường “4 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi. Tôi thường nói vui “giáo dục tỉnh Hậu Giang tay không bắt giặc”.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết về “Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến 2015”.

Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng, là khâu đột phá hàng đầu cần tập trung đầu tư, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực quan trọng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Dù ngân sách khó khăn, nhưng địa phương vẫn quyết định đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển.

Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang được thành lập theo Quyết định số 4128/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở nâng cấp trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hậu Giang. Trường là cơ sở đào tạo công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Hậu Giang nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung.

Tổng kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất của trường (giai đoạn 1) là hơn 330 tỷ đồng, tính đến nay đã có 02 giảng đường 200 chỗ ngồi, 35 phòng học kiên cố, có trang bị đầy đủ máy chiếu và các trang thiết bị phục vụ giảng dạy cần thiết, một thư viện hơn 2000 m2, 04 phòng thí nghiệm cho khoa Y- Dược, 02 dãy Ký túc xá 5 tầng đáp ứng cho 940 chỗ ở nội trú, hệ thống máy tính làm việc của các đơn vị, phòng máy tính đều được kết nối mạng Internet. Hiện tại, nhà trường đang được đầu tư xây dựng khu nhà học khoa Tài chính kế toán với 18 phòng học và các phòng chức năng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm học 2015-2016.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được chú trọng đầu tư và đang từng bước được chuẩn hóa là tiền đề quan trọng để sự nghiệp giáo dục Hậu Giang phát triển bền vững.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, với sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang không ngừng vững mạnh, khẳng định mình một cách toàn diện để xứng đáng là trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh. Chất lượng đào tạo các chỉ tiêu cho tỉnh như ngành sư phạm luôn giữ vững ở tỉ lệ đỗ đạt cao. Tỷ lệ tốt nghiệp các khóa đạt từ 80 đến 90% nhiều thế hệ học sinh đã vào đời tạo nghiệp vững vàng, nhiều học sinh đã thành đạt, thành danh đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Từ khi thành lập cho đến nay, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang luôn là địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của học sinh và phụ huynh trong toàn tỉnh. Trường được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu giang đánh giá cao trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang vừa xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu - phát triển khoa học công nghệ và các hoạt động văn hoá xã hội khác, nhà trường từng bước sẽ khẳng định vai trò như nhân tố động lực quan trọng không thể thiếu trong các nổ lực thúc đẩy sự tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Quá trình hình thành và phát triển của trường Trường Cao đẳng Cộng đồng gắn liền với sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Hậu Giang, đồng hành với các cơ sở giáo dục trong tỉnh phát triển giáo dục, góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, thực hiên tốt quan điểm của Hồ Chí Minh: “ Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.



Trần Thành Lập

Viết nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang

Cần Thơ, ngày 24 tháng 11 năm 2015

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Nhớ Ba


(Bài đăng lại)
Gần đến ngày giỗ của Ba. Vậy mà đã 15 năm rồi Ba đi xa. Với con, chuyện như vừa xảy ra hôm qua. 15 năm, lúc đó con không còn nhỏ, đủ để hiểu mất mát ấy lớn thế nào! Đến nay, con vẫn chưa tin rằng, con đã vĩnh viễn mất Ba!

Tôi sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo. Lúc tôi còn nhỏ xíu xiu, thì ba tôi đã đi làm cách mạng. Mỗi khi nghe tiếng bom rền ỏ chân trời Tây, thì lại lo sợ cho Ba, cô Út và Chế tôi.


Năm tháng trôi đi nhưng hương vị của món canh rau tập tàng từ ngọn bí, rau bồ ngót, rau dền cơm, mồng tơi, do Ba trồng nấu với tép lột ăn với cá bống dừa kho tiêu, do Ba ṭôi bắt là món ăn khoái khẩu luôn gắn liền với tuổi thơ tôi.

Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được ba má dạy rằng: chị em các con phải biết quan tâm, thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống; khiêm tốn, lễ phép, lịch sự với mọi người; biết tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống!

Ba tôi là người sống có tình cảm, có trách nhiệm với các con! Dù ở xa, dù bận nhiều việc nước, chiến tranh hay hòa bình, lúc nào cũng quan tâm đến các con. Tết, ba tôi không về, viết thư cho má và các con:

"Riêng Hồng, Tỷ, Lập, Nghiệp, Sở, Bằng và Tổng, Thúy,
Ba mừng các con một tuổi lớn khôn hơn!"

Ba tôi dạy, sống phải luôn có kỷ luật, triệt để tôn trọng quy định chung. Gửi thư cho Má, Ba tôi dặn:

"Lúa mùa nay đã gặt xong chưa
Trả nợ nần nhưng nhớ phải chừa
Đóng đảm phụ yêu cầu đúng mức"

Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy Ba tôi là người luôn tôn trọng kỷ cương, phép nước không nhận bất cứ một ngoại lệ, một đặc quyền nào cho riêng mình.

Năm 16 tuổi, má đưa tôi vào chiến khu, theo ba tham gia cách mạng.

Chiến tranh vẫn ác liệt, trước khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Lấn đất, giành dân, bom cày, đạn xới, bom chồng hố bom, nhằm hủy diệt sự sống bằng vũ khí tối tân, hiện đại.

Ở chiến khu, dù khó, khăn vất vả, Ba vẫn tranh thủ đến thăm Cô Út, chế Hai và tôi. Có lần vì cảm lạnh, Ba ho nhiều. Thương Ba quá Cô Út và tôi bò đến gần đồn Vĩnh Hưng tìm cây thuốc dòi về sắc cho Ba uống.

Nhớ lại những tháng năm tôi học ở Liên Xô, Ba thường xuyên gửi thư động viên tôi tập trung học tập và rèn luyện thật tốt để sau này về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...

Ba ơi! Các con, cháu đều đã trưởng thành, là những người sống có ích cho xã hội. Ba hãy tự hào về con cháu của Ba! Ở đâu đó, hãy chứng kiến và mỉm cười với những gì con cháu Ba đã làm.

Thắp nén nhang, con nguyện cầu Ba sớm siêu thoát! Phù hộ, độ trì cho các con, các cháu khỏe mạnh, hạnh phúc, chăm ngoan, học giỏi, thành đạt!

Viết những dòng này vào mùa Vu Lan, xem ti vi thấy những bông hồng cài áo, những giọt nước mắt nhớ Ba... Tim tôi se lại!


Trần Thành Lập
Viết nhân 15 năm ngày giỗ Ba, mùa Vu Lan

Cần Thơ, ngày 15 tháng ̣9 năm 2015

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển năng động, bền vững



Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, cây ăn trái, sản xuất mía đường không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước.

Theo số liệu thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước, 55,6% sản lượng lúa, trên 50% sản lượng trái cây, 54% sản lượng thủy sản, 35% sản lượng đường tinh luyện, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước...Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,9 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 tỷ USD.

Đó là những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng sự phát triển kinh tế toàn vùng chưa thực sự vững chắc, còn quá nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt vấn đề từ những nghịch lý về hiện trạng kinh tế-văn hóa-xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong vai trò là vựa lúa gạo, thủy hải sản và trái cây lớn, phong phú nhất nước, nhưng lại là nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, điều kiện sinh hoạt kém nhất và an sinh xã hội không đạt so với cả nước.

Những nhược điểm cố hữu ở Đồng bằng sông Cửu Long là ruộng đất được phân chia manh mún, khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thô sơ, khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, không gắn thị trường...

Theo các chuyên gia, hiện nay mức độ cơ giới hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, khoảng 1/3 so với Thái Lan và 1/4 so với Trung Quốc. Chất lượng máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp hầu hết đã qua sử dụng, nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản...

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn thất ở mức 25% tương đương với 5 triệu tấn, trị giá 25.000 tỷ đồng. Tổn thất về trái cây và thủy sản ở mức cao.

Các sản phẩm nông, thủy sản chế biến chủ yếu là: lúa gạo, rau quả, các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Hầu hết các sản phẩm chế biến ở dạng sơ chế, tỷ lệ tinh chế còn rất thấp.

Trên lĩnh vực công nghiệp, chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh... Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 51 khu công nghiệp và khoảng 200 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy và thuê đất mới chiếm khoảng trên 50%

Vướng mắc lớn nhất của khu, cụm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là không theo quy hoạch tổng thể của toàn vùng, mỗi địa phương phát triển theo một cách, từ đó dẫn đến sự lãng phí về đất đai!

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, GS-TS Bruno De Meuider, Trường đại học K.U. Leuven (Bỉ), cho rằng: “Địa phương nào cũng đua nhau xây dựng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Đây thực sự là một định hướng phát triển sai, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được tiềm năng kinh tế”.

Nguyên nhân chính của công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển do sự bất cập về hệ thống kết cấu hạ tầng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, thiếu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, chi phí đầu tư cao...

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năng động, hiện đại, ngày 12 tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là:

"Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao"

Và mục tiêu chung cho Đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Cần có chiến lược rõ ràng và chính sách ổn định trong thời gian dài khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quyền sử dụng đất, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm không giới hạn về quy mô.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đầu tư chiều sâu cho các nhà máy chế biến; khai thác, sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất hàng tiêu dùng; mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.

Ưu tiên quy hoạch lại sản xuất nông, thủy sản theo hướng cơ giới hóa trong canh tác, hiện đại hóa công nghiệp chế biến, bảo quản; xây dựng thương hiệu hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; thích ứng với thị trường trong và ngoài nước.

Khuyến khích, hỗ trợ vốn đầu tư phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, trang bị máy móc thiết bị sản xuất, chế biến nông, thủy sản, sản xuất phụ tùng lắp ráp máy động lực, các sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Trên cơ sở rà soát các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển, chính quyền cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất năng lượng, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin...

Nguồn nhân lực là một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và cán bộ khoa học-công nghệ đầu đàn; đào tạo, phát triển lực lượng lao động kỹ thuật cao có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong lao động. Đây là khâu đột phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năng động, cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống năng lượng, thuỷ lợi, hạ tầng mạng viễn thông, hệ thống khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đô thị. Hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ cho toàn vùng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường.

Tăng cường liên kết kinh tế vùng để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, khai thác hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; để hình thành vùng nguyên liệu tập trung phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt theo địa giới hành chính, đầu tư dàn trải, lãng phí, cục bộ địa phương.

Từ tiềm năng, lợi thế, đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp đồng bộ, được sự đồng thuận của xã hội với quyết tâm cao, tin tưởng rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển năng động, bền vững trong một tương lai không xa./.


Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 24 tháng 04 năm 2015

Bài viết cho Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang


Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Giải pháp nào để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững?


Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội. Phát triển sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho số đông dân cư.

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Sau khi giải phóng, miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Bên cạnh những thuận lợi thì ngành nông nghiệp đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Với mục tiêu xây dựng một đất nước có nền kinh tế phát triển với nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”.

Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã ra Nghị quyết về “Hợp tác hóa trong nông nghiệp” theo phương thức: sở hữu cộng đồng, lao động tập thể, phân phối theo lao động.

Tuy nhiên, ngay từ đầu mô hình này đã bộc lộ rõ sự yếu kém qua năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất không cao, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nông dân ngày càng cảm thấy bất mãn với hợp tác xã, dẫn tới nhiều nơi khoán hộ để nông dân thoát nghèo.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, ngày 10-9-1966, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68- NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã nông nghiệp hiện nay” đánh dấu sự ra đời “khoán hộ” ở Tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến cuối năm 1979, ở Miền Nam đã thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Vậy mà sang năm 1980 các tổ chức này đã tan rã. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp không phát triển trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu lương thực khiến từ năm 1976 đến 1980 mặc dù trong hoàn cảnh hòa bình Việt Nam phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm.

Sau khi khảo sát thực tiễn, ngày 13 tháng 1 năm 1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW: "Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp". Tuy nhiên, khoán 100 chỉ có tác động tích cực trong một vài năm đầu.

Chính thời điểm đó, ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân và xác định vai trò kinh tế hộ nông dân”.

Như vậy, từ đại hội V, Đảng đã xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, Đại hội VI đã cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương đó nên rất chú trọng nghiên cứu chính sách quản lý nông nghiệp.

Kết quả thật kì diệu, sau đó chỉ một năm, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 sản lượng lúa gạo đạt con số 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo.

Nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn này mà công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng và từ năm 1989 có được những thành tựu bước đầu. Năm 1989, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới.

Từ đó, Trung ương tuyên bố : “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế hộ cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của hộ cá thể tư nhân”.

Sự “cởi trói” chính thức có ý nghĩa giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, đem lại sinh khí mới cho nền nông nghiệp nước nhà.

Sản lượng lúa của cả nước ngày càng tăng; trong năm 2012, Việt Nam đạt con số 43,7 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn mang lại 3,5 tỉ USD, Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Việc tự do hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, đã giúp Việt Nam là nước thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Trong năm 2014, có khoảng 47,8% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, và thuỷ sản. Tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp đạt 3,6%, tốc độ tăng giá trị GDP đạt 3,3% trong khi năm 2012, 2013 đều đạt mức 2,67, 2,68%. Trong đó, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng 2,3%, ngô, sắn, cà phê, chè, tiêu... đều tăng từ 4,8-7,2%. Chăn nuôi tăng sản lượng, được giá với nhiều cơ sở kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Thủy sản tăng mạnh về khai thác xa bờ, tăng 3,9%, nuôi trồng tăng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm nghiệp năm qua đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% với trên 10 mặt hàng trên 1 tỷ USD.
(Nguồn Báo điện tử Chính phủ)

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, vai trò trung tâm của kinh tế hộ gia đình không thể đưa nền nông nghiệp phát triển bởi thiếu lợi thế về quy mô; kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, không gắn kết tốt với chuỗi giá trị từ khâu giống, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường.

Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

Những nhược điểm cố hữu vẫn tồn tại: ruộng đất manh mún khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thô sơ, khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, không gắn thị trường...

Vấn đề là phải khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, trúng mùa thì mất giá, được giá thì thất mùa, sản xuất không theo thị trường...

Do đó, việc tập họp nông dân lại thành tổ chức là một nhu cầu bức bách và là điều các chuyên gia và nhà kinh tế đã kêu gọi từ nhiều năm. Nhưng cho đến nay không thấy thay đổi bao nhiêu. Lý do phải chăng là vì nói đến "hợp tác xã", dù là kiểu mới, đã để lại những ấn tượng không hay. Nhưng cũng có thể lực cản là từ đặc điểm tâm lý của chính người nông dân Việt Nam?

Tại buổi tọa đàm xây dựng hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL (16/04/2015), GS.TS, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay".

Với mô hình cánh đồng mẫu lớn, một số mô hình liên kết với doanh nghiệp theo phương thức: doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng hay nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động; doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật và tổ chức quản trị kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng chiến lược rõ ràng và chính sách ổn định trong thời gian dài khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quyền sử dụng đất, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm không giới hạn về quy mô.

Mục tiêu trong tương lai là cần xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 có nhiều nội dung quan trọng phải giải quyết, từ ruộng đất (tích tụ ruộng đất), tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cơ cấu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, đào tạo nghề...

Trong bài viết nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “... cần thấy rõ rằng, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, sản xuất hàng hoá nông nghiệp phát triển ngày càng cao với quy mô lớn, có phương thức sản xuất hiện đại, vùng sản xuất lớn, cho nên cần coi trọng phát hiện, nhân rộng các mô hình tốt về hợp tác, liên kết trong đầu tư, sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác hải sản trên biển. Đó là xu thế phát triển khách quan trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là chúng ta tác động định hướng hiện thực hóa xu thế đó thế nào cho vững chắc để sớm đạt được hiệu quả cao nhất”.
(Nguồn: daibieunhandan.vn)



Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 18 tháng 04 năm 2015

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Tỉnh Hậu Giang phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

1. Nhiệm kỳ 5 năm 2010 -2015, bên cạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục thì bậc học nền tảng mầm non được chú trọng đặc biệt với kết quả HG đã xóa xã trắng không trường mầm non,là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL làm được điều này. Xin ông cho biết rõ hơn về chủ trương của tỉnh, quá trình thực hiện để đạt được kết quả này.


Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Quyết định số 239/QĐ-TTg, ngày 9/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hâu Giang ban hành Chương trình thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015,

Tỉnh Hậu Giang, nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng giáo dục cả nước, là một trong những tỉnh khó khăn nhất về cơ sở vật chất. Theo thống kê của ngành giáo dục, toàn tỉnh có đến 1.400 phòng học xuống cấp cần sửa chữa, 101 phòng tre lá phải học nhờ, học tạm và 7 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo. Hầu hết những trường có phòng học tạm đều là những ngôi trường “4 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi. Trường học kiểu này thường rất chật hẹp, được xây cất tạm bợ bằng cây lá trên đất mượn của người dân.

Nhận thức đầy đủ về mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn, tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình trường, lớp; xây dựng hệ thống trường lớp đảm bảo đủ điều kiện trường đạt chuẩn quốc gia, Sau 4 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, cùng với sự vào cuộc của các chính quyền, các tổ chức chính trị, toàn ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, từ đó nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục mầm non được nâng lên, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng, bước đầu thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

Với quyết tâm đó và tinh thần chủ động, sáng tạo, Hậu Giang phấn đấu xây dựng 38 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đến 2015 hoàn thành 100% đơn vị cấp huyện và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2010-2015.

Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng. Đề án đã góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức của lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương và xã hội để phát triển giáo dục mầm non trong những năm tiếp theo. Tại Hậu Giang, nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng giáo dục cả nước, sau 4 năm thực hiện đề án, bên cạnh những thành quả ban đầu, nhưng rất quan trọng.


2.Dấu ấn từ những ngôi trường mầm non ở Hg có sự nỗ lực đầu tư từ ngân sách. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hg trong việc ưu tiên cho bậc học mầm non?

Mặc dù hạn chế, khó khăn về nguồn lực tài chính, nhưng các ngành chức năng, các địa phương đã bám sát Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đã cân đối ngân sách hợp lý cùng với nguồn lực khác đầu tư xây dựng. Nguồn lực đầu tư phải xử lý từ nhiều nguồn như: xổ số kiến thiết, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xã hội hóa, ngân sách tỉnh, huyện… từ đó mới tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục mầm non Hậu Giang.

Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, đã kết hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn, gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từng bước củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bậc mầm non. Hậu Giang có 83 trường mầm non, mẫu giáo phủ khắp 100% xã, phường, với hơn 1.300 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

Hàng năm tỉnh vận động trẻ 5 tuổi đến lớp đạt trên 95%; trong đó có hơn 13.400 trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay tỉnh đã đầu tư gần 350 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động xã hội hóa hơn 169,2 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn đó, tỉnh đã đầu tư đồng bộ hệ thống trường lớp, trang thiết bị, kiện toàn đội ngũ giáo viên…đây là một trong những điều kiện cần- có để Hậu Giang thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo đúng kế hoạch

3.Kinh nghiệm trong xây dựng trường mầm non mẩu giáo ở Hg có hiệu ứng tích cực từ sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp ( cụ thể qua việc vận động công nhân viên chức lao động đóng góp 1 ngày lương, sự tài trợ của các ngân hàng ). Ý kiến của ông đánh giá về vấn đề này như thế nào ?

Sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người của toàn Đảng, toàn dân. Để sự nghiệp giáo dục phát triển, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 thành công thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, các doanh nghiệp phải vào cuộc, cán bộ công chức và toàn dân phải vào cuộc.

Vốn ngân sách hạn chế, khó khăn, cho nên phải có sự quan tâm đồng bộ của hệ thống chính trị và một lộ trình thực hiện cụ thể, cần có tính toán chi ly và có vốn phân kỳ đầu tư hàng năm.

Để khắc phục những khó khăn này, trong Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Hậu Giang đã có kế hoạch vận động cộng đồng chung tay xây dựng trường mầm non, mẫu giáo.

Nhiều gia đình ở địa phương với những nghĩa cử cao đẹp như hiến đất xây trường; cán bộ, công chức, người lao động của ít lòng nhiều cũng sẵn sàng đóng góp 1 ngày lương; doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trong nhiều năm qua đã đồng hành, đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang.

Với tổng số vốn huy động trên 169tỷ đồng, các địa phương đã triển khai xây dựng 40 điểm trường, 149 phòng học, 78 phòng chức năng, nâng cấp sửa chữa 12 phòng và các hạng mục phụ trợ khác. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 32 điểm đang triển khai xây dựng 08 điểm khác.

Nguồn vốn ấy đã bổ sung đáng kể cơ sở vật chất cho ngành học mầm non, mẫu giáo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước nâng tỷ lệ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (năm 2010 có 05 trường đạt chuẩn, năm 2014 có 26 trường đạt chuẩn, tăng 21 trường so năm 2010). Đã đáp ứng từng bước thực hiện đề án phổ cập cho trẻ 5 tuổi, hiện nay có 70/74 xã, phường đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi đạt 92,6%.

Hiệu quả từ các công trình xây dựng bằng nguồn vốn vận động đã tăng cường cơ sở vật chất đối với ngành học mần non đã giải quyết không còn tình trạng các xã phường không có trường mầm non, mẫu giáo; tạo điều kiện tốt để huy động học sinh mẫu giáo được đến trường nhất là vùng khó khăn, vùng đân tộc do đó hàng năm tỷ lệ huy động học sinh mẫu giáo đều vượt chỉ tiêu.

Thành công của công tác phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi đã tạo ra diện mạo mới cho giáo dục mầm non Hậu Giang. Quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, 100% số xã có trường hoặc điểm trường mầm non; tổng số trẻ trong độ tuổi đến trường tăng nhanh; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được chú trọng đầu tư và đang từng bước được chuẩn hóa là tiền đề quan trọng để sự nghiệp giáo dục Hậu Giang phát triển bền vững./.


BTV Huỳnh Nga – Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang ( 0978 204 699 )


Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Má tôi thường nói: "Miếng ăn là miếng tồi tàn..."


Ngày xưa, cái tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Ngày ngày bắt ốc, hái rau. Có lần tham ăn rau đắng đồng tươi non xào với tép. Ăn nhiều đến bội thực, không làm gì nổi, chỉ biết nằm thở và nghe Má mắng: "Miếng ăn là miếng tồi tàn...". Thực ra tôi không phải tham ăn hay giành ăn, mà thấy ngon, nên cố ăn cho hết và Má tôi cũng chỉ mắng "yêu" mà thôi.


Ngày nay, đọc báo thấy nhiều chuyện thật đáng buồn cũng chỉ vì " miếng ăn..." Cảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy khi ăn nhà hàng tự chọn, tranh ăn sushi miễn phí; hàng trăm người hôi beer mang về nhà trong tiếng van xin bất lực của người lái xe ở Biên Hòa;

“Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Để được thưởng thức các món đặc sản, nhiều người đã phải chịu đựng những lời chửi mắng thô lỗ của chủ quán. “Cháo mắng”, “phở chửi”, “ốc lắm mồm”… đang được nhiều người nhắc tới như những thứ “thương hiệu” của quê hương.

Đáng xấu hổ, rất khó tin, nhưng có thật: chuyện 24 con dê, 1.250 con gà hỗ trợ cho hộ nghèo đã đi "lạc" vào nhà cán bộ. Số tiền hỗ trợ người nghèo mua bò, lợn...đã không đến tay người dân mà lần lượt theo nhau vào nhà cán bộ hoặc anh em, họ hàng của các cán bộ.

Những câu chuyện thật như bịa này đã khiến không ít người dân bức xúc, bất bình. Đến mức, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11-9, bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải thốt lên: "Họ ăn của dân không từ một cái gì"

"Miếng ăn là miếng tồi tàn..." đã chỉ ra tính chất thấp hèn của con người xem "miếng ăn" là giá trị cuộc sống, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn nhất thời về vật chất mà không quan tâm đến việc hoàn thiện tâm hồn.

Hơn thế nữa, nó còn là đầu mối khởi lên biết bao tranh chấp, giành giật trong xã hội, chỉ bởi vì thế thái nhân tình vẫn luôn nghĩ đến “miếng ăn”.

Một miếng sushi, một tô phở, một vài lon beer, một con dê, một vài con gà có thể làm cho họ ngon miệng trong chốc lát, có thu nhập khá hơn, nhưng tư cách, đạo đức của họ thì sao? Tranh giành "miếng ăn" cho mình thì liệu con cháu của mình sau này có hành xử như vậy hay không? Thật nhục nhã nhưng cũng thật đáng thương!

Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 08 tháng 04 năm 2015

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Má tôi thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua..."


Bạn tôi kể: Chuẩn bị về quê tảo mộ, tu chỉnh lại mộ phần tổ tiên với đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, sự hiếu hạnh, thành kính với tổ tiên, ông bà trong tiết Thanh minh. Đây cũng là dịp con cháu sum họp gia đình, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn, vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách.

Nhân dịp này, bạn tôi hỏi xin tiền bà xã ( vì lương hưu bà xã quản hết ) định mua về quê thùng beer và vài thứ linh tinh để "nhâm nhi" cùng con cháu.

Đang chờ xe đến rước, bà xã bạn tôi nói: "tiền mới đưa hết rồi sao? ", " còn mấy triệu để trả tiền điện, nước đó!" Tội nghiệp, bạn tôi cụt hứng, phải gọi tôi cầu cứu!

Thương cho bạn tôi, càng tội hơn cho vợ bạn. Vài trăm ngàn có giá trị gì mấy đâu, có đáng gì lắm đâu, mà cô ta lại buông lời nói như vậy. Mà lại nói trong cái cảnh "đạo nghĩa" thế này?


Một "lời nói" dù vô tình hay hữu ý, thì cũng làm bạn tôi chạnh lòng! Có còn lời nói nào khác hơn không? Hay hơn không? Tế nhị hơn nữa không? Có đó, nhiều, rất nhiều lời hay, ý đẹp. Nhưng phải học và phải biết "lựa lời mà nói ".

"Ăn" phải học, " nói " càng phải học. Vì " lời nói " là ngôn ngữ, là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp, nó là một phần quan trọng trong ứng xử giữa con người với nhau.

Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Người khôn ngoan, chín chắn luôn nói lời hay, ý đẹp, tình cảm, dễ nghe.

" Lời nói " phản ánh vốn sống, sự hiểu biết, trình độ học vấn của mỗi người. " Lời nói " cũng là thước đo đạo đức của mọi người.

Ông bà ta quan niệm lời ăn, tiếng nói luôn gắn liền với lễ nghĩa, đạo lí, hiếu hỷ. Trong gia đình, ngoài xã hội, có người trên, kẻ dưới, có người già, người trẻ, cho nên muốn nói gì đều phải cân nhắc, phải “lựa lời”.

Tóm lại, trong trường hợp cụ thể này, nếu cô vợ bạn tôi nói: " đây, anh cầm mấy trăm mua quà về quê, còn một ít để em trả tiền điện, nước ". Tuyệt vời!



Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 07 tháng 04 năm 2015

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Dân hài lòng với hệ thống “một cửa điện tử” Hậu Giang

Hệ thống “một cửa điện tử” ở Hậu Giang không đơn thuần là công cụ mà còn là một trong những phương thức quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước hiệu quả, dân chủ, minh bạch, dân hài lòng.

Ngày 21 tháng 8 năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã Quyết định áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” cho tất cả các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Và ngày 4/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định công bố cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung 3 cấp với 2.744 TTHC. Trong đó, cấp tỉnh: 2.215 TTHC, cấp huyện: 389 TTHC và cấp xã: 140 TTHC.

Như vậy đến nay, tất cả các sở, ban ngành tỉnh, 7 huyện, thị, thành và 74 xã, phường, thị trấn đều đã triển khai áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” có tích hợp cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung 3 cấp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, các mẫu đơn, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

Tổ chức và công dân có thể điền và gửi trực tiếp các mẫu đơn đến cơ quan cung cấp dịch vụ và theo dõi, kiểm tra tình trạng giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng.

Sau thời gian hoạt động, "Một cửa điện tử" Hậu Giang đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong năm 2014, đã tiếp nhận: 102.037 hồ sơ; trong đó,đã giải quyết đúng hạn: 99.555 hồ sơ, đạt 92%. Chỉ riêng tháng 3 năm 2015 tiếp nhận: 15.906 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn: 14.125 hồ sơ, đạt 96,9%. Từ kết quả bước đầu ấy, người dân rất hài lòng và có nhận xét tích cực.

Chị Nguyễn Thị Sơn Nữ, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, chia sẻ: “Đến đây chứng giấy, tôi thấy văn phòng một cửa hiện đại giống như trên UBND huyện, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, tôi thấy rất hài lòng.”.

Ông Lê Quốc Khánh đi làm thủ tục sang tên nhà đất ở Thành phố Vị Thanh thì bất ngờ, vì “Tôi thấy khác quá, nơi làm việc hiện đại, thoáng mát, văn minh. Nhân viên ai cũng có máy vi tính và thái độ vui vẻ, lịch sự, nhiệt tình hướng dẫn nếu mình không biết”.

Còn chị Phạm Thị Hải ở Thị trấn Long Mỹ cho biết: “Muốn theo dõi hồ sơ của mình chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin SMS hoặc tra cứu thông tin trên internet để biết tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình”.

Giải thích thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Đình Tuân, người quản trị hệ thống "Một cửa điện tử" Hậu Giang cho biết: Tổ chức và công dân có thể điền và gửi trực tiếp các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và theo dõi, kiễm tra tình trạng giải quyết hồ sơ của các cơ quan công quyền qua môi trường mạng.

Và chỉ cần nhập họ tên, hoặc nhập số CMND, hoặc mã biên nhận hồ sơ, hệ thống “một cửa điện tử” sẽ tự động thông báo kết quả tiến độ giải quyết hồ sơ của khách hàng. Hệ thống còn hỗ trợ tra cứu thông tin xử lý hồ sơ bằng tin nhắn SMS với cú pháp TCHS MaBienNhan gởi 8088, người dân có thể biết tình trạng hồ sơ của mình.

Việc áp dụng "một cửa điện tử" là một bước chuyển đổi nhận thức quan trọng, có tính đột phá trong cải cách hành chính và bước đầu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính, hạn chế tối đa những tiêu cực, sách nhiễu, giảm phiền hà, người dân hài lòng.

Chủ tịch UBND thị trấn Ngã Sáu Nguyễn Minh Cần chia sẻ “Làm ở bộ phận một cửa đòi hỏi từng cán bộ phải năng động, nhiệt tình, giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải gọn lẹ, chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời”.

Nói về hiệu quả và tiện ích khi áp dụng một cửa điện tử, ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ tâm sự: “hệ thống “một cửa điện tử” giúp cán bộ thực hiện việc thống kê quá trình xử lý và tổng hợp các thủ tục hành chính kịp thời, chính xác trên từng lĩnh vực; lãnh đạo có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của cán bộ tại bộ phận một cửa; hồ sơ có thể lưu giữ lâu dài; tiện lợi cho người dân khỏi tốn chi phí đi lại, ngồi tại nhà có thể tra cứu hồ sơ nếu có mạng internet”. Hệ thống tự động thống kê tình hình tiếp nhận, giải quyết và quản lý hồ sơ chặt chẽ và hiệu quả khi tìm kiếm thông tin.

Có thể nói, những kết quả bước đầu từ việc áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” đã chứng minh rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính ở Hậu Giang, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.



Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 31 tháng 03 năm 2015

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

" Dạy con từ thuở còn thơ"


Ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho con. Đó là kiến thức, kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong gia đình.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con cháu thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, kính trên, nhường dưới, quí trọng thầy cô…


Có người nói với tôi rằng, những lời dạy ấy "xưa" lắm rồi. Không. Không "xưa" đâu!

Có "xưa" không khi ta nói lời "cám ơn", "xin lỗi" bởi đó là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp của mỗi người.

Nói “cảm ơn” để bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó với mình.

Nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác.

Vì vậy, lời "cảm ơn" "xin lỗi" tưởng như rất đơn giản nhưng nó là quan hệ xã hội, là đạo đức, là phép lịch sự giữa người và người, rất có ý nghĩa trong cuộc sống.

Chỉ với hai từ “xin lỗi”, những mâu thuẫn, giận hờn phút chốc cũng sẽ được hóa giải, khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiện hơn!

Ngày xưa, ông bà ta còn dạy "đi thưa, về trình", chỉ có bốn chữ ngắn gọn thôi, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày với mọi người xung quanh cần phải lễ phép, kính trên nhường dưới, như thế mới là người có giáo dục.


Thật hài lòng, khi con nói: "thưa ba, thưa má con đi học" "thưa ông, thưa bà cháu đi làm việc"; "cháu mời ông, bà ăn cơm"…

Lời nói ấy, cử chỉ ấy, chắc chắn làm hài lòng bất cứ ai, dù khó tính tới đâu, dù người xưa hay người nay!

Cha mẹ cũng cần uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, thiếu lịch sự của con cháu.

Kết hợp giữa giáo dục "xưa" và "nay" để cái tốt, cái đẹp, cái thiện, lòng nhân ái, tính trung thực đâm chồi phát triển./.



Trần Thành Lập

Viết cho con

Cần Thơ, ngày 31 tháng 03 năm 2015

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

“Học ăn học nói…”


Ngày xưa, má tôi thường nói muốn nên người phải học: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Có lẽ không ít người sẽ hỏi: tại sao "chuyện nhỏ" vậy mà phải học?


Vâng, cuộc sống rất phong phú, muốn làm người tốt thì phải học, dù là "chuyện nhỏ", thậm chí rất nhỏ. Không chỉ học chữ, mà còn học làm người, học những điều hay, lẽ phải, biết đối nhân xử thế, biết tôn trọng phong tục, tập quán của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, thượng tôn các chuẩn mực giá trị của con người, của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống...

Chúng ta, ai cũng biết ăn uống là dịp biểu lộ rõ rệt nhất tính cách của một con người. Qua việc ăn uống, chúng ta có thể biết con người ấy thuộc hạng người nào, giáo dục gia đình ra sao? Thế nhưng hiện nay, ăn uống, nói năng, giao tiếp đang có nhiều vấn đề cần bàn.

Thật sốt ruột khi nghe các quan chức khoe, họ thường dùng những chai rượu ngoại có giá hàng nghìn USD, hút một điếu xì gà có giá cả trăm USD, mà “xì gà, thú chơi của những “vị vua”, chỉ có đại gia mới đủ tiền “xài” nó”.

Có người còn tự hào nói trong nhà họ có đủ thứ của quý như mật gấu, nhân sâm, mật bò tót và cả máy mài để... mài sừng tê giác cho khách, nếu có say thì uống vào giải độc, giã rượu…

"Ăn" phải học, " nói " càng phải học. Vì "lời nói" là ngôn ngữ, là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp, nó là một phần quan trọng trong ứng xử giữa con người với nhau.


Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nói chuyện gì? Nói với ai? Nói ở đâu? Nói lúc nào? Vì vậy, khi giao tiếp, tùy theo đối tượng phải lựa lời mà nói, nói ngắn gọn, trọng tâm, chính xác, súc tích, dễ hiểu sẽ hấp dẫn và làm cho người nghe hài lòng.

Hãy nói những gì cần nói, đừng tranh giành để nói quá nhiều, quá khích. Người ít chữ thì hay nói nhiều; nhưng càng nói thì lại càng "lộ" ra một cái thùng "rỗng". Nói dai, nói dài, nói dại... chính là như vậy!

Một người khiêm tốn, cởi mở, chân thành, tự tin và thoải mái tốt hơn là một người quá sức khoe khoang, khoác lác, ngạo mạn. Biết lắng nghe cũng là cách để học, đồng thời cũng là sự khiêm tốn "tiếp thu" ý kiến của người khác.

Muốn nói hay thì phải học cách nói của nhiều người và tự mình rèn luyện, gọt giũa lời nói, diễn đạt lưu loát một cách tự tin. Nói bằng chính cái tâm, bằng kiến thức của chính mình. Rất tiếc, có nhiều người khi trước đám đông chỉ đọc những bài do người khác viết trước nên rất ít sức thuyết phục.

Trong giao tiếp hằng ngày cần sự cởi mở nhưng không quá ồn ào. Nên biết ca ngợi, biểu dương những mặt tốt của người khác. Khi làm phiền ai điều gì thì phải nói lời "xin lỗi" và ai giúp mình thì phải biết "cảm ơn" dù là điều nhỏ nhất.

Học ăn học nói, học gói học mở là học cách sống, phong cách ứng xử lịch thiệp, học những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, nó liên quan đến vị thế với tư cách là một con người của xã hội. Tất nhiên, ngoài năng lực cần phải có cả cái tâm và cái tầm, sự dũng cảm, dám nhận trách nhiệm trước công việc.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là lời khuyên không bao giờ cũ. Thế nhưng gần đây, những phát ngôn của quan chức luôn là nguyên nhân khiến dư luận dậy sóng như: “lỗi vắc-xin thì xử lý vắc-xin” "thiếu giường bệnh thì phải hỏi nhà nước"?! Hay "Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì…” khiến dư luận vừa tức, vừa buồn cười.

Câu nói của dân gian có tác dụng răn dạy, giáo dục con người rất hay trong cuộc sống. Đó là bài học quý báu của cha ông để lại cho chúng ta những điều hay lẽ phải, muốn đạt kết quả cao phải luôn luôn học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân...


Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 25 tháng 03 năm 2015

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Má tôi dạy : "ăn trông nồi, ngôi trông hướng"


Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được má dạy: làm người phải biết thương người với cái nghĩa, cái tình, biết kính trên, nhường dưới; giáo dục chúng tôi có thói quen “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; biết tôn trọng các chuẩn mực giá trị về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống đời thường!

Lâu nay, chúng ta nói nhiều và hình như quá chú trọng tới những phẩm chất cao siêu của con người. Đúng rồi, đó là "chuyện lớn" rất quan trọng! Nhưng có những "chuyện nhỏ" mà không hề nhỏ! Đó chính lại là chuyện: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"

Những "chuyện nhỏ" vậy mà còn phải học? Và chúng ta nên bắt đầu học từ những chuyện rất nhỏ thôi: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"

Khởi đầu từ những việc rất cụ thể như vậy: ăn thế nào? ngồi thế nào? Nhưng hàm ý sâu xa không còn chỉ là chuyện ăn, chuyện ngồi và cũng không chỉ là thái độ, cử chỉ, hành vi của một người trong một tình huống nhất định. Mà còn là phong cách ứng xử và kỹ năng giao tiếp của con người.

Xấu hổ vì cảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy khi ăn nhà hàng tự chọn, tranh ăn sushi miễn phí; hàng trăm người hôi beer mang về nhà trong tiếng van xin bất lực của người lái xe ở Biên Hòa;

Ra nước ngoài, một bộ phận không nhỏ cũng ít chịu xếp hàng ở những nơi đông người. Vào nhà hàng ăn cứ chen ngang và lấy đồ ăn thừa mứa, ăn không hết thì bỏ lung tung, quá lãng phí; cười nói ồn ào, xỉa răng, xả rác bừa bãi, mất vệ sinh...

Đáng buồn hơn, nhiều người lại chưa học được lối hành xử đúng mực và hợp cách khi sử dụng các phương tiện và tiện ích công cộng. Cảnh tượng tranh nhau, chèn lấn; bước vào thang máy thì sấn sổ vội vàng, đi thang cuốn thì đứng ngay giữa lối; lên tàu điện, đi xe buýt thì ít khi tự giác dành chỗ ngồi cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ em...

Ăn uống, đi lại, sinh hoạt là chuyện nhỏ, chuyện riêng của mỗi người. Nhưng đó cũng là phong cách ứng xử. Chính vì vậy, cách ăn, cách ngồi cũng quyết định ý thức của con người.

Cho nên, các bậc làm cha, làm mẹ phải biết dạy cho con những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy. Để khi bước vào đời, chúng luôn có ý thức về hành vi của mình. Giá trị của mỗi người trong cộng đồng tùy thuộc ở ý thức ấy.

Hãy dạy con ngồi vào bàn ăn đúng bữa, ăn uống gọn gàng, lịch sự mời ông bà, cha mẹ và mọi người cùng ăn. Ăn uống nên từ tốn, biết kính trên, nhường dưới, không nói chuyện to, không nói tục, không xả rác, không khạc nhổ quanh mâm cơm.

Tùy ở cương vị, giới tính và tuổi tác. Trong gia đình và ngoài xã hội. Biết kính trên, nhường dưới; biết tôn trọng các quy tắc ứng xử ở những nơi công cộng, tôn trộng phong tục, tập quán của mỗi địa phương, dân tộc; luôn có sự hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, ý thức thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật; biết điều chỉnh thái độ và hành vi ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, trước hết hãy là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Hãy tôn trọng các chuẩn mực giá trị của con người, của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống./.




Viết cho con

Cần Thơ, ngày 22 tháng 03 năm 2015

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Hoàn thiện nhân cách từ bài học làm gương


Nhân cách là những nét đặc trưng tiêu biểu của con người. Nhân cách là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ với gia đình và quan hệ xã hội.

Sự hình thành và phát triển nhân cách gắn liền với sự phát triển của con người qua quá trình giáo dục, tự giáo dục và hoạt động thực tiễn. Trong đó, gương tốt của ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn ở cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng.


Từ nhiều năm trở lại đây, phải chăng, vì lo cho cơm áo, gạo tiền hay do nguyên nhân gì mà nền tảng đạo đức, nhân cách rõ ràng đã mờ nhạt đi.

Điều đáng lo ngại là tình trạng đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên không bình thường, từ thái độ học tập, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường, quan hệ thầy trò, chấp hành pháp luật đến những hành vi tiêu cực trong học tập và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào học đường.

Ngoài xã hội thì đi đâu cũng thấy cảnh làm ăn chộp giật; sản xuất, mua, bán, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm, động vật hoang dã, phá rừng hay tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, cuộc sống cứ bon chen, chèn ép lẫn nhau, mạnh được, yếu thua…

Ra nước ngoài, một bộ phận người Việt cũng ít chịu xếp hàng. Vào nhà hàng ăn cứ chen ngang và lấy đồ ăn thừa mứa, lãng phí. Vào thang máy hay lên tàu điện, thậm chí đi vệ sinh cũng chẳng chịu nhường ai.

Các thói quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, nói lớn tiếng, khoe của, khoái phô trương, hình thức vẫn tồn tại ở nhiều nơi công cộng.

Có rất nhiều nguyên nhân của vấn đề này, bắt nguồn từ sự thiếu gương mẫu của ông bà, cha mẹ trong gia đình, của thầy cô giáo trong trường học.

Còn có một bộ phận không ít cán bộ lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị có lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, mua chức, bán danh, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ, làm giàu bất chính, quan liêu, gia trưởng, thiếu dân chủ trong giải quyết sự khác biệt với mình bằng cách hành xử thiếu văn minh của người lớn đang là tấm gương rất xấu cho giới trẻ hiện nay...

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội thì: “Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận, chung thủy và có tình nghĩa là tấm gương sáng cho con cái noi theo”.


Cùng với gia đình, trường học cần có nội qui, quy định cụ thể những chuẩn mực giá trị trong các mối quan hệ đối với học sinh sinh viên và giữa thầy cô với các em học sinh mang tính lâu dài để nâng cao nhận thức, hướng học sinh - sinh viên đến việc hình thành nhân cách, sống đẹp, tôn trọng thầy cô, chân tình, thân thiện, ứng xử đẹp với bạn bè.

Đối với cán bộ lãnh đạo phải nghiêm khắc với chính mình, làm gương cho gia đình mình, làm gương cho con cháu mình. Cán bộ càng cao, càng cần phải làm gương, vì sự làm gương của cấp trên sẽ là tấm gương cho cán bộ cấp dưới và cho toàn thể cán bộ, đảng viên làm theo.

Gương mẫu mạnh hơn lời nói. Và chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân, vì nước, vì dân. Người nói: “Cán bộ là công bộc của dân” nên “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Để từng bước hoàn thiện nhân cách, ngoài giáo dục từ gia đình, trong trường học, hệ thống chính trị phải đảm bảo “pháp luật thượng tôn”. Nếu không, sẽ khó bàn về giáo dục và phát triển nhân cách.


Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 17 tháng 03 năm 2015

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Hãy nuôi chí làm giàu chân chính!

Dân giàu nước mạnh vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Mong ước được sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần luôn là mong ước ngàn đời của nhân loại. Giàu có là mong muốn tự thân và chính đáng của bất cứ ai, ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng thế nào là giàu và làm giàu như thế nào?

Ngày nay, sự giàu không có nghĩa là có nhiều tiền, nhiều của cải, vật chất thông thường. Người giàu đúng nghĩa phải là người có kiến thức sâu rộng, có trách nhiệm xã hội và tiềm lực kinh tế chân chính. Một người giàu đúng nghĩa phải hiểu được ý nghĩa đích thực của sự giàu có, cảm nhận được niềm vui, ý thức được trách nhiệm xã hội trong quá trình làm giàu.

Ngày nay, rất nhiều người có lý tưởng, có khát vọng làm giàu và quan trọng nhất là có kiến thức, năng lực biến lý tưởng, khát vọng đó thành hiện thực. Nhiều doanh nhân rất thành đạt, giàu có, đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của xã hội.

Nhiều tấm gương, có cả cán bộ công chức, dù có thất bại, nhưng nhờ siêng năng, chịu thương, chịu khó, cần kiệm, tích lũy nên cuộc sống gia đình dần dần cũng bớt vất vả, khó khăn. Rồi cũng nhờ tiết kiệm, tích lũy mà mua được đất, cất được nhà, nuôi các con khỏe mạnh, học giỏi, nên người. Thật đáng trân trọng!

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là trong xã hội hiện tại có nhiều kẻ giàu lên nhờ buôn lậu hàng cấm, sản xuất, mua bán hàng giả, trốn lậu thuế làm đình đốn sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Một bộ phận nhỏ cán bộ chuyên môn thì chạy dự án đầu tư công, mua sắm tài sản, thông đồng với đối tác nâng khống giá trị gói thầu trong thực hiện hợp đồng kinh tế để hưởng hoa hồng; cấu kết, thông thầu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trúng thầu dự án, nâng khống khối lượng, lập chứng từ giả, rút ruột công trình để tham ô.

Không ít cán bộ, công chức thực thi công vụ thì bày vẻ thủ tục hành chính, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ, làm giàu bất chính.

Một bộ phận khác có chức, có quyền, có trình độ, có quan hệ rộng, câu kết với nhau thành các nhóm lợi ích, mua quan, bán chức, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, đất đai...

Trong một môi trường như vậy thì làm giàu chân chính không phải dễ. Gây dựng cơ nghiệp lúc đầu có thể không khó nhưng đảm bảo cho cơ nghiệp đó ngày càng phát triển thì cần làm ăn bài bản. Do đó, cần phải không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Người Do Thái có truyền thống coi kiến thức trí tuệ là thứ quý nhất của con người. "Của cải, tiền bạc của chúng ta đều có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi". Với phương châm đó, họ đặc biệt coi trọng việc giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành;

Vì vậy, khi các con còn trẻ phải xác định được định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của mình, kiên trì và nhiệt huyết để đạt được nó.

Hãy tích lũy thật nhiều kiến thức, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và hãy làm giàu bằng chính kiến thức, năng lực của mình, chỉ có như vậy thì các con không những làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mà còn góp phần phát triển xã hội.



Cần Thơ, ngày 11 tháng 03 năm 2015


Viết cho con

Trần Thành Lập


Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Tiền bạc chỉ là phương tiện

Cha lại muốn trao đổi với các con về vấn đề "tiền bạc". Vì theo cha, tiền bạc rất là quan trọng với tất cả chúng ta. Kiếm tiền là mục tiêu của rất nhiều người, tiền không phải là chuyện “tự nhiên mà có”. Nhưng, phải biết cách làm ra tiền và phải biết ứng xử với nó.

Hơn 25 năm về trước, lúc mà các con chưa chào đời, vì kế sinh nhai, vì cuộc sống gia đình, vì tương lai của các con, cha và mẹ phải thức khuya, dậy sớm, làm lụng, vất vả để kiếm tiền.

Giờ đây, hơn 25 năm sau, các con lại bươn chải, ngược xuôi trên thương trường, cũng để kiếm tiền. Dù các con đã học hành tử tế, có chuyên môn nghiệp vụ và quan trọng là các con đã có việc làm ổn định, thu nhập khá tốt.

Điều đáng quý là các con kiếm tiền bằng kiến thức và sức lực của chính mình và cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm, có ích cho xã hội. Tiền bạc mà các con kiếm được không phải là bất chính, không do tham nhũng, không do lợi dụng chức quyền, không do chạy chọt bất hợp pháp mà có. Điều này, chính bản thân cha cũng rất tự hào!

Tiền bạc rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Tiền bạc chỉ là phương tiện. Kiếm tiền để phục vụ cho những nhu cầu của cuộc sống chứ không để tiền bạc chi phối quá mức, lệ thuộc quá nhiều. Phải biết kiểm soát đồng tiền. Phải biết tiết kiệm trong chi tiêu. Biết mình dùng tiền cho việc gì. Các Con phải sử dụng hợp lý từng đồng tiền mà các con phải khó khăn, vất vả mới kiếm được.

Cha mẹ đã về hưu, chắc chắn có nhiều thay đổi trong sinh hoạt, trong đời sống kinh tế gia đình, nhất là về thu nhập thường xuyên của gia đình. Đúng rồi, thu nhập của gia đình mình đã giảm nhiều so với lúc còn đi làm. Tất nhiên rồi, về hưu rồi mà!

Chính vì thế, cha mẹ và các con cũng phải cân đối lại các nhu cầu chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm trong chi tiêu, ưu tiên chi chăm sóc sức khỏe ông bà ngoại, học hành của Trung Thảo, lo cho sức khỏe, học hành của Xuân Trí. Phải vậy thôi, nhưng các con cũng đừng quá bận tâm, cha cũng cũng còn một “Thẻ ATM tiết kiệm” để vững tâm hơn trong cuộc sống.

Có tiền sẽ mua được nhiều thứ. Nhưng không mua được sức khỏe và hạnh phuc gia đình!

“Sức khỏe là vàng”, “có sức khỏe là có tất cả”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta có những so sánh như vậy. Sức khỏe chính là một trong những thứ tài sản quý nhất mà chính cha lúc còn trẻ cũng ít quan tâm, để bây giờ mới thấy tiếc nuối.

Cha thường hay nói vui "còn trẻ lấy sức khỏe đi kiếm tiền, về già lấy tiền để kiếm sức khỏe". Cho nên, làm gì thì làm, các con cũng phải biết giữ gìn sức khỏe của chính mình. Sức khỏe tốt, cuộc sống lạc quan, suy nghĩ tích cực sẽ biến khó khăn thành cơ hội để thành công trên đường đời!

Tất cả mọi người trên thế gian đều cần hạnh phúc. Mọi người đều có nhận thức khác nhau về hạnh phúc. Nhưng trong mỗi người khi sinh ra và lớn lên, gia đình là nơi cho chúng ta nhiều hạnh phúc nhất.

Cha rất hạnh phúc khi ngày về hưu cũng là lúc các con đã trưởng thành. Trung Hiếu và Bảo Yến - cả hai đều học hành tử tế, có công ăn, việc làm ổn định, thu nhập khá, không phải nhận trợ cấp từ cha mẹ; Trung Thảo thì ngoan, không đua đòi, chăm chỉ học hành, thi cử đỗ đạt cao là niềm vui và hạnh phúc của mẹ cha. Đặc biệt, cha mẹ còn có cháu nội ngoan, khỏe mạnh thêm vui cửa, vui nhà.

Hạnh phúc hơn, các con còn có một gia đình, một đại gia đình. Ở đây có cô, dượng, có chú bác, có anh, có chị, các em, các cháu. Đây vừa là cái nôi, vừa là mái ấm, vừa là trường học cho mọi thành viên trong đại gia đình.

Theo lối sinh hoạt đã thành thông lệ, thành truyền thống của gia đình mình. Mỗi tuần gặp gỡ nhau vào thứ bảy và chủ nhật, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách. Đây là truyền thống của gia đình mình. Cha mong các con hãy phát huy truyền thống tốt đẹp ấy!

Cha luôn tin, với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh sẵn có sẽ giúp các con thành đạt trong cuộc sống!

Một lần nữa, tất cả những gì giờ đây Cha mẹ mong mỏi là các con thật khỏe mạnh, biết tự lo cho bản thân và lo cho gia đình của mình; vợ chồng các con hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy Xuân Trí khỏe mạnh, chăm ngoan là Cha và mẹ hạnh phúc lắm rồi!

Cần Thơ, ngày 05 tháng 03 năm 2015

Viết cho con.

Trần Thành Lập




Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Trở về nơi nuôi tôi khôn lớn



Chiến tranh kết thúc. Tiếp quản trụ sở làm việc, ổn định tổ chức, phân công lại nhiệm vụ cho cán bộ, phóng viên trong cơ quan, tôi và các anh chị đồng nghiệp được phân công trở về vùng căn cứ kháng chiến để thu thập thông tin về sự thay da, đổi thịt của những ngày, tháng đầu sau giải phóng. Đối với tôi, đây cũng là dịp để trở về quê hương, thăm viếng bà con, cô bác, những người đã một thời nuôi, dạy tôi khôn lớn.


Từ Cần Thơ theo liên tỉnh lộ 42 qua Long Mỹ đến Ngã Năm về Hồng Dân; dù đường đi lại còn khó khăn, nhưng một số tuyến đường được nâng cấp đem lại sự hồi sinh cho nhiều vùng xâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu sau bao năm tháng chiến tranh tàn phá.

Theo tập quán, người dân nơi đây luôn bám lấy vệ đường để cất nhà. Mặt tiền dọc theo tuyến đường đi từ Cần Thơ qua huyện Long Mỹ đến thị trấn Ngã Năm nhiều căn nhà bán kiên cố, những tiệm tạp hóa, cơ sở sửa chữa máy đuôi tôm, nhà máy xây lúa đã được dựng lên trên những hố bom năm nào.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, phong trào san lấp hố bom, xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang, mở đất, khôi phục sản xuất, phát triển an sinh xã hội. Màu xanh của cây trái, màu vàng của lúa chín đang xóa dần sự hoang tàn bởi đạn bom và thuốc khai hoang.

Không bao lâu sau chiến tranh, người dân nơi đây đã tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Tinh thần lao động của người nông dân Nam Bộ làm năng suất trong sản xuất nông nghiệp vượt xa so với trước chiến tranh.

Phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào qui trình trồng lúa, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh ở nhiều vùng nông thôn. Thanh niên nông thôn đi đầu trong việc tìm tòi sáng tạo các phương pháp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.

Ở mỗi cánh đồng chúng tôi đi qua, chính là chứng tích lịch sử của chiến tranh, bởi mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ, mỗi bông lúa hay mỗi nhành hoa nơi đây đều thấm máu, xương của chiến sỹ và người dân vô tội.

Chúng tôi trở lại ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng, nơi mà vào sáng sớm ngày 16/1/1973, nhiều máy bay B52 ném hàng loạt bom tấn, sát hại nhiều người dân vô tội. Trong đó có 8 nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn cải lương Chuông Vàng, 2 giáo viên ở Tiểu ban giáo dục và rất nhiều người thương vong.

Về đây, chúng tôi còn tỏ lòng tri ân với chiến sĩ, bạn bè, đồng đội, người dân vô tội đã ngã xuống vì chiến tranh. Đứng trước anh linh những người đã khuất, chúng tôi thành kính thắp nén nhang, tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì hòa bình, tự do cho mảnh đất này.

Tại những nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt, những ngôi trường mới khang trang vừa được dựng lên. Trẻ em vùng quê đã được cấp sách đến trường. Dù còn có những ngôi trường tre lá tạm bợ nhưng trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Nhờ tinh thần học tập mà người dân nơi đây đã xây dựng lại quê hương từ trong đổ nát bởi đạn bom.

Chiến tranh đi qua, chúng tôi đã để lại phía sau lưng mình những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh với biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời đạn bom.

Trở về đây, chúng tôi không chỉ tìm lại những kỷ niệm xưa, mà còn chân thành cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của người dân nơi đây, bà con một thời giúp đỡ, yêu thương, dạy dỗ chúng tôi như con cháu của chính mình. Bà con là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm tình thương cho chúng tôi trong những tháng năm xa nhà!


Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 29 tháng 01 năm 2015

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

Người Việt nghĩ nhỏ, khó làm việc lớn?


Là người Việt Nam khi đọc bài "Người Việt nghĩ nhỏ, khó làm việc lớn?" trên diễn đàn bbcvietnamese.com ngày 11 tháng 1 2015 của Nguyễn Lễ-phóng viên BBC, tôi thấy rất khó chịu vì nó chạm đến tính dân tộc của mình, dù đây là nhũng "chuyện nhỏ" trong cuộc sống. Đọc đi, đọc lại, tôi mới "thấm"! "Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ". Do đó, tôi xin được trích đoạn để cho con cháu tham khảo:
̣
"Hà Nội có cây cầu mới. Phải nói là đẹp và hoành tráng nhất từ trước đến nay.

Năm trụ cầu vươn lên sừng sững giữa trời tượng trưng cho năm cửa ô hay năm cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân ngay dưới chân cầu.

Đừng nói chi người dân gốc Hà thành, nếu tôi có mặt ở Hà Nội lúc này tôi cũng muốn đứng giữa cầu để ghi lại khoảnh khắc mình được chứng kiến một lần thủ đô thay da đổi thịt.

Thế nhưng, cầu đã thông, xe đã chạy, đi bộ thì cấm thì chụp làm sao đây? Chỉ có nước chạy xe lên cầu rồi dừng lại mà chụp.

Y như rằng, chỉ một hai ngày sau báo chí đã la ầm lên về 'những hình ảnh xấu trên cây cầu đẹp'.

Họ tường thuật những chiếc xe dựng chình ình giữa cầu, nam thanh nữ tú làm dáng giữa dòng xe đang chạy hay dải lan can phân cách cheo leo là thế cũng bị trèo lên để lấy góc ảnh 'độc'.

Trước đó mấy ngày, báo chí còn đưa tin cầu Phú Mỹ trên sông Sài Gòn người dân dàn hàng xem pháo hoa mừng năm mới mặc kệ dòng xe bị chặn ngang giữa đường.

Cũng may chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Có lẽ cánh tài xế ở Việt Nam đã không còn lạ gì tập quán của dân mình.

Người Việt 'tùy tiện'

Những câu chuyện người Việt 'tùy tiện', 'vô kỷ luật' hay 'thiếu ý thức' như thế nhan nhản trên báo chí mà chúng ta chắc cũng không còn lạ gì.
Ở Việt Nam kẹt xe thì ai mà không chen? Ai cũng chen mình có muốn không chen cũng không được.

Dĩ nhiên đã kẹt thì càng chen lại càng kẹt. Nguyên tắc phải nhường mới đi được. Nhưng người Việt chỉ muốn đi chứ không muốn nhường. Ai cũng tìm khoảng trống mà lách thì không những không thoát được mà còn làm cho mình và mọi người chùm nhum cả nút.

Nhiều người đi bộ cầu vượt trước mắt đó nhưng không leo sợ cực chẳng thà phang ngang bất chấp tính mạng.

Chợ búa hàng rong thì phải ra lòng đường mới được. Người đi làm về tiện là tấp vào mua giữa đường giữa sá có kẹt xe tắc đường gì cũng kệ.
Rác rến ngoài đường tiện đâu vứt đó. Cực thân đi tìm thùng rác. Chẳng thà để nhếch nhác và mất công người khác quét dọn.

Nhà trên kênh rạch thì cứ thẳng tay ném hết xuống sông cho khỏe để rồi chính môi trường sống của mình bị hủy hoại.

Xem phim nghe nhạc thì mua băng chép đĩa lậu. Đỡ tiền thiệt nhưng giết chết luôn người vắt tim óc sáng tạo để rồi lần sau không còn cái mà coi.

Trộm chó hoành hoành gây náo loạn từ thôn quê đến thành thị thậm chí mất mạng người chỉ vì có nhiều người thích ăn thịt thú cưng của người khác nhưng không muốn mất người bạn trung thành của mình.


Đánh bắt thì tận diệt từ tôm cá, chim chóc thậm chí cho đến côn trùng rắn rít cũng không tha. Ngay miền Tây 'chim trời cá nước' mà giờ đây trong tự nhiên nhiều thứ đã cạn kiệt. Ăn một lúc rồi treo miệng cả đời.

Làm ăn buôn bán thì chụp giựt. Hám một chút lợi không đáng mà mất chữ Tín với khách hàng. Đã không giữ khách lâu dài thì chớ mà còn đuổi khách một đi không trở lại. Rốt cuộc tự mình đoản hậu giống như các nhà hàng chặt chém ở Vũng Tàu phải 'canh me' chộp từng 'con mồi'.

Còn những người bỏ hóa chất vào hàng hóa thực phẩm ăn được đồng một đồng hai mà không biết là mình đã làm thiệt hại không biết bao nhiêu đồng cho người khác và xã hội khiến người ta mang bệnh mang tật cả đời.

Tâm lý đố kị

Những trường hợp kể trên người ta đã ham nhỏ bỏ lớn, được một mà mất hai, thấy cái trước mắt mà không nghĩ đến cái lâu dài. Nói cách khác họ có cái nhìn hạn hẹp.

'Nghĩ nhỏ' như thế không những gây hại cho mình, cho người, cho đời mà còn dễ bị kẻ khác lợi dụng. Mọi thua thiệt mình lãnh đủ.

Cho nên thương lái Trung Quốc đi thu mua đỉa, móng trâu hay lá trà các thứ có trách họ thì cũng buồn cho dân Việt quá dễ dụ.

Nguyễn Hà Đông có bị người khác ghen ghét với thành công 'Flappy Bird'?

Và cũng chính vì nghĩ nhỏ nên nhiều người Việt thấy cái tôi quá lớn lấn át cái lớn thành ra nhỏ.

Người Việt rất thấm thía thói 'dìm hàng' nhau của dân mình. Thậm chí, có người còn ví xã hội Việt Nam như một rổ cua đồng - con nào leo lên sẽ bị con khác kéo xuống.

Cái tôi thì ai mà không có? Mỗi con người từ khi sinh ra đã là một thế giới và ai cũng muốn mình là trung tâm hơn tất cả mọi người. Lẽ thường ai cũng bị tổn thương khi thấy người khác hơn mình và sẽ có cảm giác dễ chịu khi chỉ trích để dìm người khác xuống và nâng mình lên.

Thế nhưng, người dân ở các nước phát triển biết quý trọng nhân tài thì ngoài cái tôi của bản thân người ta còn nghĩ đến lợi ích chung của xã hội mà người tài đem lại. Cho nên, sự ganh tỵ, đố kỵ nếu có cũng không thành cố tật như người Việt.


Nghĩ nhỏ thì nước nào cũng có nhưng để trở thành vết hằn trong tính cách dân tộc thì ắt hẳn nó bắt nguồn từ nếp sống và văn hóa của dân tộc đó.

Trong khi các người Hoa ở hải ngoại tạo thành một khối kết dính bền chặt bên trong không bung ra bên ngoài không phá vào được thì người Việt lại có tiếng là rời rạc, bất hợp tác, phân rã và triệt hạ lẫn nhau.

Đồng ý ganh tỵ là một cảm giác rất con người nhưng nếu nghĩ lớn hơn thì sẽ thấy ai thành tựu đều là nhờ khả năng và công sức của họ. Ghen ghét với họ tức là đã cho là mình không bằng họ và năng lượng để ghen ghét đó nên dành để phấn đấu được như họ. Suy cho cùng họ làm được cũng là đóng góp cho xã hội mà mình cũng có lợi ích trong đó.

Nghĩ nhỏ thì nước nào cũng có nhưng để trở thành vết hằn trong tính cách dân tộc thì ắt hẳn nó bắt nguồn từ nếp sống và văn hóa của dân tộc đó.

Người Việt gốc là nông nghiệp. Cuộc sống gắn chặt với ruộng vườn, thôn xóm, bờ đê, lũy tre không như phương Tây xuất thân du mục hoặc gắn bó với sóng biển, theo vó ngựa đi khắp nơi, hay theo cánh buồm vươn ra đại dương khám phá thế giới.

Không gian sinh tồn cố định đã đóng đinh tư duy người Việt. Họ có khuynh hướng ổn định, yên bình, không xáo trộn và tư duy lợi ích chỉ cần vụ mùa bội thu dư cơm đủ gạo. Người Hoa có truyền thống thương buôn nên tư duy lợi ích của họ không giới hạn - có một muốn được hai còn lòng tham không đáy.

Họ muốn có lớn, được nhiều thì cái lợi nhỏ không thể che khuất tầm nhìn của họ. Lã Bất Vi từ 2.300 năm trước đã biết buôn vua bán chúa đoạt thiên hạ. Nói đâu xa, người Hoa trong Chợ Lớn làm ăn rất coi trọng chữ tín nên nắm trong tay kinh tế thương mại cả một vùng..."

"...Cá nhân nghĩ nhỏ thì gây hại cho bản thân và người xung quanh còn lãnh đạo nghĩ nhỏ thì tác hại khôn lường đến tương lai đất nước, vận mệnh dân tộc..."

"...Và nếu nghĩ nhỏ đã thấm vào máu của người Việt rồi thì khó sửa lắm. Có điều nếu dân trí người dân nâng cao thì tầm nhìn của họ cũng mở rộng hơn. Cho nên mong chờ các thế hệ sau trong điều kiện giáo dục tốt hơn sẽ nghĩ lớn hơn người đi trước.

Điều tối quan trọng là người lãnh đạo phải nghĩ lớn hơn, phải thoát ra khỏi sự ràng buộc về tư tưởng để lấy lợi ích của dân của nước làm trọng. Từ đó mới thấy được cái gì có lợi cho dân thì làm và cái gì có hại thì quyết phải tránh."


Nguyễn Lễ
bbcvietnamese.com
11 tháng 1 2015