Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

" Dạy con từ thuở còn thơ"


Ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho con. Đó là kiến thức, kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong gia đình.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con cháu thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, kính trên, nhường dưới, quí trọng thầy cô…


Có người nói với tôi rằng, những lời dạy ấy "xưa" lắm rồi. Không. Không "xưa" đâu!

Có "xưa" không khi ta nói lời "cám ơn", "xin lỗi" bởi đó là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp của mỗi người.

Nói “cảm ơn” để bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó với mình.

Nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác.

Vì vậy, lời "cảm ơn" "xin lỗi" tưởng như rất đơn giản nhưng nó là quan hệ xã hội, là đạo đức, là phép lịch sự giữa người và người, rất có ý nghĩa trong cuộc sống.

Chỉ với hai từ “xin lỗi”, những mâu thuẫn, giận hờn phút chốc cũng sẽ được hóa giải, khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiện hơn!

Ngày xưa, ông bà ta còn dạy "đi thưa, về trình", chỉ có bốn chữ ngắn gọn thôi, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày với mọi người xung quanh cần phải lễ phép, kính trên nhường dưới, như thế mới là người có giáo dục.


Thật hài lòng, khi con nói: "thưa ba, thưa má con đi học" "thưa ông, thưa bà cháu đi làm việc"; "cháu mời ông, bà ăn cơm"…

Lời nói ấy, cử chỉ ấy, chắc chắn làm hài lòng bất cứ ai, dù khó tính tới đâu, dù người xưa hay người nay!

Cha mẹ cũng cần uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, thiếu lịch sự của con cháu.

Kết hợp giữa giáo dục "xưa" và "nay" để cái tốt, cái đẹp, cái thiện, lòng nhân ái, tính trung thực đâm chồi phát triển./.



Trần Thành Lập

Viết cho con

Cần Thơ, ngày 31 tháng 03 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét