Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

“Học ăn học nói…”


Ngày xưa, má tôi thường nói muốn nên người phải học: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Có lẽ không ít người sẽ hỏi: tại sao "chuyện nhỏ" vậy mà phải học?


Vâng, cuộc sống rất phong phú, muốn làm người tốt thì phải học, dù là "chuyện nhỏ", thậm chí rất nhỏ. Không chỉ học chữ, mà còn học làm người, học những điều hay, lẽ phải, biết đối nhân xử thế, biết tôn trọng phong tục, tập quán của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, thượng tôn các chuẩn mực giá trị của con người, của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống...

Chúng ta, ai cũng biết ăn uống là dịp biểu lộ rõ rệt nhất tính cách của một con người. Qua việc ăn uống, chúng ta có thể biết con người ấy thuộc hạng người nào, giáo dục gia đình ra sao? Thế nhưng hiện nay, ăn uống, nói năng, giao tiếp đang có nhiều vấn đề cần bàn.

Thật sốt ruột khi nghe các quan chức khoe, họ thường dùng những chai rượu ngoại có giá hàng nghìn USD, hút một điếu xì gà có giá cả trăm USD, mà “xì gà, thú chơi của những “vị vua”, chỉ có đại gia mới đủ tiền “xài” nó”.

Có người còn tự hào nói trong nhà họ có đủ thứ của quý như mật gấu, nhân sâm, mật bò tót và cả máy mài để... mài sừng tê giác cho khách, nếu có say thì uống vào giải độc, giã rượu…

"Ăn" phải học, " nói " càng phải học. Vì "lời nói" là ngôn ngữ, là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp, nó là một phần quan trọng trong ứng xử giữa con người với nhau.


Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nói chuyện gì? Nói với ai? Nói ở đâu? Nói lúc nào? Vì vậy, khi giao tiếp, tùy theo đối tượng phải lựa lời mà nói, nói ngắn gọn, trọng tâm, chính xác, súc tích, dễ hiểu sẽ hấp dẫn và làm cho người nghe hài lòng.

Hãy nói những gì cần nói, đừng tranh giành để nói quá nhiều, quá khích. Người ít chữ thì hay nói nhiều; nhưng càng nói thì lại càng "lộ" ra một cái thùng "rỗng". Nói dai, nói dài, nói dại... chính là như vậy!

Một người khiêm tốn, cởi mở, chân thành, tự tin và thoải mái tốt hơn là một người quá sức khoe khoang, khoác lác, ngạo mạn. Biết lắng nghe cũng là cách để học, đồng thời cũng là sự khiêm tốn "tiếp thu" ý kiến của người khác.

Muốn nói hay thì phải học cách nói của nhiều người và tự mình rèn luyện, gọt giũa lời nói, diễn đạt lưu loát một cách tự tin. Nói bằng chính cái tâm, bằng kiến thức của chính mình. Rất tiếc, có nhiều người khi trước đám đông chỉ đọc những bài do người khác viết trước nên rất ít sức thuyết phục.

Trong giao tiếp hằng ngày cần sự cởi mở nhưng không quá ồn ào. Nên biết ca ngợi, biểu dương những mặt tốt của người khác. Khi làm phiền ai điều gì thì phải nói lời "xin lỗi" và ai giúp mình thì phải biết "cảm ơn" dù là điều nhỏ nhất.

Học ăn học nói, học gói học mở là học cách sống, phong cách ứng xử lịch thiệp, học những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, nó liên quan đến vị thế với tư cách là một con người của xã hội. Tất nhiên, ngoài năng lực cần phải có cả cái tâm và cái tầm, sự dũng cảm, dám nhận trách nhiệm trước công việc.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là lời khuyên không bao giờ cũ. Thế nhưng gần đây, những phát ngôn của quan chức luôn là nguyên nhân khiến dư luận dậy sóng như: “lỗi vắc-xin thì xử lý vắc-xin” "thiếu giường bệnh thì phải hỏi nhà nước"?! Hay "Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì…” khiến dư luận vừa tức, vừa buồn cười.

Câu nói của dân gian có tác dụng răn dạy, giáo dục con người rất hay trong cuộc sống. Đó là bài học quý báu của cha ông để lại cho chúng ta những điều hay lẽ phải, muốn đạt kết quả cao phải luôn luôn học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân...


Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 25 tháng 03 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét