Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Chuyện về hưu



Tôi làm đơn xin từ chức để về hưu từ ngày 25 tháng 7 năm 2014. Đến ngày 18 tháng 9 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với tôi để nghỉ hưu theo quy định.

Từ đó đến nay, tôi thật sự trở thành người của gia đình. Giống bao nhiêu người khác, lúc rảnh thì vui cùng con cháu, gặp gỡ anh em, bạn bè.

Tính ra trong 59 năm cuộc đời, tôi đã gần 44 năm tham gia cách mạng, trên 10 năm gắn bó với Hậu Giang.

Về làm dân, tôi có điều kiện để chăm lo cho gia đình, làm một công dân tốt, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương.

Với tôi, giờ đây quan trọng là phải nuôi dạy con cháu thành người có ích, phát huy truyền thống của gia đình, xứng đáng là người ông, người cha mẫu mực.

Dù là cán bộ hay công chức, thầy giáo hay bác sĩ, công nhân hay nông dân, đã là người lao động trước sau gì thì cũng về hưu. Dù là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao hay người lao công rồi cũng trở về với cuộc sống dân thường. Đó là điều hết sức tự nhiên, là bình thường, là quy luật và là qui định của Pháp luật.

Về hưu, đây là một giai đoạn mới khá quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Về với gia đình, về "làm dân", bỏ lại sau lưng tất cả những thói quen của một công chức để bước vào một nề nếp sinh hoạt hoàn toàn mới- làm người "vạn đại"

Với tôi, gần 44 năm làm việc nước là quá đủ. Tôi không thích bon chen, chạy chọt chức quyền, tôi không chạy sửa lại khai sinh để được kéo dài thời gian tại vị. Bạn tôi, có đứa chúc mừng tôi "hạ cánh an toàn", tôi cãi: Tôi có bay bao giờ đâu mà hạ cánh? Tôi thực sự VỀ HƯU!

Hôm nay, ngày 25 tháng 10 là ngày sinh nhật lần thứ 59 của tôi (tôi tuổi Ất Mùi), cũng đồng nghĩa với năm mươi chín mùa Xuân đã đi qua, cũng là lúc tôi chính thức từ giã "chính trường" để về với gia đình,về với cái nôi thân yêu, cái tổ ấm chở che, nuôi dưỡng tôi suốt cả cuộc đời, về để nghỉ ngơi, để thở cái hơi ấm của tình thương yêu, để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc bên gia đình trong những ngày còn lại của một đời người.

Tôi đã chuẩn bị rất kỹ, rất chu đáo cho hành trang của mình “Ngày về hưu”. Tôi đã đọc và tìm hiểu rất nhiều về tâm lý, về sinh hoạt, về sức khỏe, về hoạt động xã hội của những người đi trước để tìm cho mình một hướng đi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh.

Tôi đã nghiên cứu và lập trang blog "Chuyện nhỏ cho con" với tên miền: chuyennhochocon.blogspot.com.

Đây là trang ghi chép những chuyện nhỏ trong cuộc sống hàng ngày (Vì lâu rồi, tôi chỉ lo làm việc nước), là nơi lưu trữ những kỷ niệm vui, buồn mà mình đã từng trải qua trong cuộc sống và để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, khắc sâu hơn những chuẩn mực, hành vi, đạo đức cần thiết cho bản thân và cho con cháu sau này.

Từ trang chuyennhochocon.blogspot.com, tôi sẽ thu thập thêm thật nhiều những thông tin hữu ích cho con người, để chúng ta luôn học hỏi và hoàn thiện hơn trong cuộc sống.

Cuộc sống, có nhiều chuyện, dù là chuyện nhỏ, muốn nói với con, với cháu nhưng, không phải chuyện nào cũng có thể nói bằng lời. Thế nên, Chuyện nhỏ cho con vẫn còn lưu lại những trang ghi chép để chia sẻ cùng con, cùng cháu sau này. Nếu nhờ đó mà có thể giúp cho con, cho cháu có thêm kiến thức từ thực tiễn cuộc sống mà lớn khôn, và sống tốt với mọi người thì đây cũng là một niềm vui và hạnh phúc cho bản thân.

Từ nhũng chuyện nhỏ, mà ở đó tôi cảm thấy lòng mình vui hơn, với đam mê, say đắm, mà lắm lúc quên đi cả dòng thời gian đang trôi theo năm tháng. Còn gì thích thú cho bằng!

Vâng, hãy ghi nhớ nhũng điều làm ta hạnh phúc!

Hãy ý thức từ chuyện nhỏ, để chúng ta luôn sống tốt hơn!

Tôi không phải suy nghĩ nhiều đến cuộc sống của mình sẽ như thế nào khi về hưu? Và thực sự tự tin mà nói rằng, đó sẽ là những năm tháng thật sự an nhàn và tự do làm mọi điều mình thích....

Người ta thường nói: Cơ thể con người là một cổ máy sinh học vô cùng tinh vi và phức tạp, "đời sống tâm hồn lại nặng gấp triệu lần thể xác của họ". Trong suốt 59 năm, cổ máy sinh học của tôi hoạt động liên tục, thì chuyện hao mòn, trục trặc là điều khó tránh.

Nên cần phải thường xuyên bảo dưỡng, chăm sóc hợp lý để cổ máy sinh học sẽ khỏe lâu hơn, bền chắc hơn, làm cho đầu óc giữ được minh mẫn để giúp ích được gia đình, con cháu và cho xã hội.


Đã thành thói quen, tôi vẫn duy trì luyện tập thể dục, đi bộ ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tôi vẫn chọn xe đạp vừa làm phương tiện đi lại vừa hoạt động thể thao. Tôi không hút thuốc lá. Đặc biệt, từ ngày về hưu, ít khách khứa tiệc tùng, ít rượu chè, ít họp hội, không bị áp lực từ công việc nên tinh thần lạc quan hơn, ít đau lưng hơn, sức khỏe được cải thiện tốt hơn.

Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, bà xã tôi và tôi về hưu cùng một thời điểm, nên giờ đây chúng tôi thực sự có nhiều thời gian dành cho nhau hơn, cảm thông nhiều hơn, có những mối quan tâm chung, có những niềm vui chung, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Lắm lúc sự khác biệt cũng biến mất, tính bồng bột cũng không còn, lòng ghen tuôn lùi về dĩ vãng để nhường bước cho tình nghĩa, cho những giây phút quan tâm lẫn nhau.

Đêm đêm, vẫn mong được nghe trái tim của người bạn đời luôn ấm áp, luôn tươi vui, luôn đậm nồng tình người để yêu thương nhau, để chia sẻ cho nhau những vui buồn trong cuộc sống gia đình, để xóa bỏ hết giận hờn của ngày nào, và để nói với nhau những lời trìu mến, thiết tha.

Ngày về hưu của chúng tôi cũng là thời điểm các con tôi trưởng thành. Đứa thì đã lập gia đình, con và dâu - cả hai đều học hành tử tế, có công ăn, việc làm ổn định, thu nhập khá, không phải nhận trợ cấp từ cha mẹ; đứa thì ngoan, không đua đòi, chăm chỉ học hành, thi cử đỗ đạt là niềm vui lớn của gia đình tôi. Đặc biệt, là chúng tôi đã có cháu nội bụ bẫm, khỏe mạnh mà thêm vui cửa, vui nhà.

Ngày về hưu, được gần gũi, chăm sóc cháu của mình thì thật là hạnh phúc. Thương cháu mình lắm!

Hạnh phúc hơn, chúng tôi còn có một gia đình, đại gia đình. Ở đây có anh, có chị, các em, các cháu (Ba má tôi đã mất rồi). Đây vừa là cái nôi, vừa là mái ấm, vừa là trường học cho mọi thành viên trong đại gia đình.

Theo lối sinh hoạt đã thành thông lệ, thành truyền thống của gia đình tôi. Mỗi tuần gặp gỡ nhau vào thứ bảy và chủ nhật, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách. Đây là truyền thống của gia đình tôi!

Ngay từ khi còn nhỏ, những người con trong gia đình đã được ba má tôi dạy dỗ rằng: anh chị em trong gia đình phải biết thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống, giáo dục chúng tôi có thói quen “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết lễ giáo quanh mâm cơm…dù là những chuyện nhỏ!

Khi đã về hưu, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi về sinh hoạt, về các mối quan hệ xã hội, về đời sống kinh tế gia đình, nhất là về thu nhập thường xuyên của gia đình. Đúng rồi, thu nhập của chúng tôi đã giảm nhiều so với lúc còn đi làm. Tất nhiên rồi, về hưu rồi mà!

Chính vì thế, chúng tôi cũng phải cân đối lại các nhu cầu chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm trong chi tiêu, ưu tiên chi cho chăm sóc sức khỏe và học hành của con, cháu, làm quen dần với tổng thu nhập chỉ có lương hưu. Phải vậy thôi, nhưng trước đó chúng tôi cũng đã có một “Thẻ ATM tiết kiệm” để nhẹ lo, thanh thản, vững tâm hơn trong cuộc sống.

Về hưu mới nhớ lại ngày nào đó còn nô đùa tinh nghịch của tuổi thơ với cánh diều, bắn bi với trốn tìm, chẳng biết chi chuyện đời, chuyện người. Ngày ngày bắt ốc, hái rau, có lần tham ăn đến bội thực! Thường bị má đánh đòn vì tội ham chơi!

Năm 16 tuổi, má đưa tôi vào chiến khu, theo ba tham gia cách mạng. Đội bom, đạp đạn đã làm tôi hết cả tuổi xuân.

Hòa bình trở về, bao nhiêu năm sau, nỗi ám ảnh bởi những gì trải qua trong chiến tranh luôn gây cho tôi những cơn mơ khủng khiếp. Đồng đội, bạn bè, người dân vô tội đã ngả xuống vì đạn bom. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, tang thương chất chồng!

Chiến tranh là điều khủng khiếp và tàn nhẫn. Người ta sinh ra để mưu cầu hạnh phúc, chứ không phải đánh nhau và làm một cuộc chiến nhiều máu để giành quyền lực! Các dân tộc cần được sống để thương yêu, hợp tác, giúp nhau cùng phát triển trong hòa bình!

Học hành và thi cử cũng lắm bận, nhiều phen, nhưng rồi cũng cố gắng vượt qua được những lần thi thố khó khăn, vất vã bằng tiếng người, ở xứ người, và rồi cũng vượt qua, cập bến bờ của sự thành công trong học tập!

Cuộc đời gắn bó với cái nghề "công chức". Được tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu trong cơ quan nhà nước ở địa phương. Được hưởng lương và các khoản phụ cấp từ ngân sách nhà nước, nhưng cũng yên tâm mà nhẫn nại với tháng năm, với nghề. Bằng sự phấn đấu không mệt mõi rồi cũng thành đạt, mà theo lối mô tả của báo cười, là “ăn có người hỏi, nói có người ghi, đi có người chở, ở có người chăm, nằm có người đấm bóp, họp có người vỗ tay”

Thật ra, những điều tưởng chừng như bình thường ở người này; nhưng lại là niềm mơ ước của kẻ khác. Điều quan trọng là mình thực hiện được những điều mình mong muốn, ước mơ bằng chính kiến thức, năng lực và cái tâm của chính mình.

Ngày về hưu nhắc nhở rằng hôm nay ta nên chuẩn bị kỹ càng cho hành trang ngày mai, để ngày đó, ôn lại những gì đã làm cho thế hệ sau mà không nuối tiếc và chỉ mỉm cười vì những gì ta để lại cho cháu con.

Hãy nhìn về phía sáng của cuộc đời. Đừng than tiếc những gì xảy ra trong quá khứ, hạnh phúc với điều ta đang hưởng trong hiện tại.

Tản mạn ngày về hưu một tí cho vui. Chứ sự đời nói sao cho cùng. Vì tôi vẫn là tôi! “Quan nhất thời, dân vạn đại” mà!


Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 25 tháng 10 năm 2014

(Viết nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 59, ngày về với gia đình của tôi.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét