Chiều cuối tuần, bé Mai được mẹ đưa đến nhà tôi chơi. Lâu nay, bé rất ngoan! Nhưng hôm nay, bé không chịu vào nhà, mà đứng trước cửa vừa khóc vừa đòi mẹ phải đến trường mẫu giáo Tây Đô để xin lỗi cô giáo.
Tôi gạ hỏi thì bé thỏ thẻ nói: "Mẹ không nghe lời cô giáo, đèn vàng mà không dừng xe lại!"
À ra thế, mấy tuần nay, ở trường mẫu giáo, các cháu được học về an toàn giao thông. Và bé Mai vừa được cô giáo dạy bài "đèn đỏ, đèn xanh".
Ở nhà trẻ, các bé được học màu đỏ vẽ ông mặt trời, màu xanh vẽ lá, màu vàng của quả chín. Và không ai xa lạ gì đó chính là ba màu của đèn tín hiệu giao thông: đèn đỏ dừng lại, đèn vàng báo hiệu chuẩn bị dừng hoặc đi, đèn xanh được phép đi.
Tôi trách mẹ bé Mai, không gương mẫu cho con khi tham gia giao thông, mà còn vi phạm Luật! Mẹ bé giải thích: "đó là đèn vàng nhấp nháy cảnh báo thôi". Nghe ra, tôi mới giải thích cho bé: Đèn vàng nhấp nháy liên tục báo hiệu: Chú ý nguy hiểm, ưu tiên cho xe bên phải.
Khi đèn vàng nhấp nháy liên tục, xe phải giảm tốc độ, báo hiệu bằng còi (ban ngày) hay đèn (ban đêm) trước khi qua ngã ba, ngã tư đó và phải chú ý nhường ưu tiên cho xe bên phải.
Vậy là bé Mai đã hiểu thêm, đèn vàng nhấp nháy liên tục báo hiệu: Chú ý nguy hiểm, lái xe thận trọng hơn!
Không phải ngẫu nhiên mà tôi kể câu chuyện của bé Mai và đèn tín hiệu giao thông. Vì khi tham gia giao thông, không phải ai cũng biết và hiểu hết các qui định về biển báo và tín hiệu giao thông.
Lịch sử đèn tín hiệu giao thông đã có gần 200 năm rồi. Ban đầu, chúng được lắp để báo hiệu cho những đoàn tàu hỏa đi qua. Chỉ có hai màu: Đèn đỏ có nghĩa là “dừng lại” còn đèn xanh là “chú ý”.
Ở một số quốc gia còn có “cột đèn tín hiệu” dành cho người đi bộ. Khi người đi bộ muốn qua đường, họ phải bấm vào nút xin qua đường ở cây cột đèn này, khi đèn màu xanh, có hình người đi bộ thì đó là lúc người ta qua đường, còn khi đèn chuyển sang màu đỏ có hình người đứng hoặc đèn tắt thì người đi bộ không được qua đường.
Và họ cũng tính toán về khoảng thời gian đèn xanh, đèn đỏ là bao nhiêu là phù hợp… hoặc có tín hiệu bằng âm thanh cho người khiếm thị. Khi nghe tiếng báo hiệu "lọc cọc, lọc cọc" thì người khiếm thị được đi qua đường.
Tuy nhiên, lái xe ở các quốc gia đó, họ luôn vui vẻ, lịch sự ưu tiên nhường đường cho người đi bộ. Đặc biệt, họ rất tôn trọng người khuyết tật.
Hoặc như bao giờ lái xe đến ngã ba, ngã tư, có biển STOP, họ cũng dừng xe quan sát rồi mới đi. Làn đường hay hướng nào ưu tiên họ đều tôn trọng.
Ở Việt Nam, Luật giao thông đường bộ, tôi chưa thấy có điều luật hay cột tín hiệu ưu tiên dành cho người đi bộ hay người khuyết tật.
Để giải quyết tốt vấn đề lớn về trật tự an toàn giao thông, thiết nghĩ chính quyền cần giải quyết những vấn đề nho nhỏ như: lối đi cho người đi bộ, bố trí đèn đỏ hợp lý… ưu tiên cho người đi bộ và người khuyết tật. Người tham gia giao thông phải có ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, thì sẽ tìm ra lời giải cho bài toán lớn về trật tự an toàn giao thông.
Từ câu chuyện của bé Mai, người tham gia giao thông hãy nên dừng lại khi đèn đỏ để con cháu ta còn cơ hội đến trường. "Thà chậm vài phút còn hơn phải chậm cả cuộc đời!"
Bài dự thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ.
Cần Thơ, ngày 31 tháng 10 năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét