Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014
Phó Chủ tịch tỉnh đi xe đạp
TRẦN HIỆP THỦY
*Bài tham gia Báo Xuân Hậu Giang năm 2012:
“Ngày xưa là Chánh Văn phòng - Ngày nay Chủ nhiệm đặt vòng tránh thai” - có dạo tôi hay chào gọi anh theo kiểu “Bút Tre” cải biên đó. Ở tỉnh Cần Thơ (cũ), anh từng là Chánh Văn phòng UBND tỉnh nhảy sang làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, rồi về tỉnh mới Hậu Giang giữ nhiều trọng trách, làm Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư rồi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hết phụ trách lĩnh vực công – nông nghiệp, giải phóng mặt bằng nóng bỏng một thời, cả lĩnh vực công nghệ thông tin nhiều thách thức, rồi sang lĩnh vực văn hóa – xã hội bộn bề công việc. Ở đâu, làm gì anh cũng cần mẫn, không ồn ào, nhưng đều tạo dấu ấn. Anh em trìu mến gọi anh là “Tư Lập” (Trần Thành Lập), còn tôi và số bạn bè thân quen thì gọi “Tư xe đạp”.
Người không ồn ào
Có mặt tại tỉnh Hậu Giang ngay từ những ngày đầu thành lập, anh Tư xe đạp cùng mọi người sẻ chia cảnh “ở nhà tạm, ngủ giường xếp, ăn cơm bếp” suốt một thời gian dài. Với nhiệm vụ Trưởng ban Chỉ đạo phát triển công nghệ thông tin, anh xông vô “3 điểm yếu” căn bản của tin học hóa quản lý nhà nước: Cơ sở hạ tầng mạng, phần mềm ứng dụng và trình độ cán bộ, công chức.
Được lãnh đạo tỉnh ủng hộ, anh em đồng lòng, trung ương quan tâm, nhờ cách làm sáng tạo mà chỉ trong vài năm, Hậu Giang nổi lên như một hiện tượng của vùng ĐBSCL: Văn phòng UBND tỉnh là nơi được công nhận ứng dụng “ISO hành chính” gắn với “tin học hóa” sớm nhất và nhờ hiệu quả thực chất đã nhanh chóng nhân rộng ra các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã. Hầu hết văn bản ở “tỉnh thứ 13” này của Tây Nam Bộ đều được trao đổi qua mạng từ rất sớm; website của UBND tỉnh (www.haugiang.gov.vn) cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng là một trong những trang tin điện tử tốt nhất.
Nhiều cán bộ, công chức Hậu Giang vẫn chưa quên những ngày đầu lọng cọng gõ bàn phím máy tính, rồi chỉ sau vài tháng tham gia chiến dịch “xóa dốt tin học” do anh Trần Thành Lập phát động, họ đã sử dụng thành thạo Internet, phần mềm quản lý hành chính như thế nào.
Có những chuyện “tin học hóa” bây giờ là bình thường, nhưng cách nay 2 thập niên là “rất mới mẻ”. Thời ấy, dưới sự chỉ đạo “mềm mỏng và quyết liệt” của anh Tư xe đạp, Văn phòng UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) là một “điểm sáng” ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống văn phòng cả nước. Có lẽ vì vậy mà đã góp phần “truyền lửa” cho người về tỉnh mới, với cách làm sáng tạo của Tư xe đạp và anh em, đã nhanh chóng tạo ra “hiện tượng” mới trong tin học hóa quản lý hành chính nhà nước của một Hậu Giang sinh sau, đẻ muộn, còn nhiều khó khăn.
Dấu ấn của anh “Tư xe đạp” còn để lại trong công tác giải phóng mặt bằng ở Hậu Giang cũng rất sâu đậm. Với tư cách là “tư lệnh” trên “mặt trận nóng bỏng”, anh trực tiếp xuống dân, lắng nghe – đối thoại. Nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh được triển khai với tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh kỷ lục. Nhiểu năm liên tiếp, Hậu Giang gần như không phát sinh điểm nóng khiếu kiện đông người, vượt cấp về giải phóng mặt bằng. Đây chính là kết quả của một cuộc vận động lớn, là cả một nghệ thuật “nghe dân nói, nói dân nghe, dân hiểu; làm dân tin, dân hưởng ứng”. Cũng từ năm 2004 đến nay, Hậu Giang luôn duy trì tốt “Chiến dịch giao thông thủy lợi”. Đã có hàng ngàn tỉ đồng được đầu tư mà vốn dân đóng góp chiếm hơn 80%. Cách thức phát động và ”treo thưởng” của tỉnh này cũng đầy sáng tạo. Các giải thưởng cho chiến dịch hàng năm trị giá từ 5-10 tỉ đồng, nhưng tiền thưởng không bị tiêu xài mà chảy vào công trình của những nơi làm tốt. Đó cũng là cách anh “Tư xe đạp” treo giải thưởng bằng “bộ máy vi tính” cho cơ quan có CBCC đạt giải trong các cuộc thi tin học. Kết quả là, kiến thức CNTT của cán bộ được nâng lên mà tỉnh cũng chẳng tốn kém kinh phí khen thưởng vì đằng nào cũng phải đầu tư trang bị máy tính cho anh em.
Xe đạp và đời thườngỞ đời, mỗi người đều phải đóng nhiều vai nên không phải dễ “làm tròn vai”. Quen biết anh Tư xe đạp nhiều năm, từng là cán bộ dưới quyền, là em út, rồi bạn bè “cà phê”, tôi cảm nhận được rằng anh đóng nhiều vai nhưng không hề “diễn”, mà rất thật, thật như chuyện anh… đi xe đạp.
Những ngày cuối tuần, ngoài giờ hành chính, sau khi cởi bỏ chiếc áo công chức trở về với gia đình, người thân, bạn bè, anh thực sự hòa mình với họ. Những lúc rãnh rỗi, người ta vẫn thấy anh đạp xe rong ruỗi trên đường hay ngồi mấy quán cà phê bụi, lân la với mấy tay thợ sửa xe đạp hè phố ... Bình dân đến mức “bị phê bình”. Nhưng anh cứ cười trừ, bởi Phó chủ tịch tỉnh đi xe đạp không phải để “làm dáng” mà thực sự là niềm đam mê.
Mấy chiếc xe đạp mà anh tìm kiếm, nài nỉ mua lại cho bằng được có “niên đại” từ thời Pháp thuộc hoặc những năm 1950, chắc là của những công chức xưa hay của thầy ký, thầy giáo nào đó. Có chiếc còn nguyên “facture” (hóa đơn mua hàng) với “con niêm” của Nha thuế vụ xưa được anh nâng niu như báu vật. Xe đạp và đời thường. Chơi xe đạp cổ, nhưng anh vẫn luôn tự làm mới mình. Thật xứng danh “anh Tư xe đạp”!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét