Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Tôi vẫn còn ray rứt với kết quả cải cách hành chính

Bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hậu Giang ngày 04/09/2014


Khi còn đương chức, ông Trần Thành Lập, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hay nhắc cán bộ hãy luôn cười lúc tiếp dân, gặp gỡ doanh nghiệp. Là người tâm huyết với công tác cải cách hành chính (CCHC), ông Trần Thành Lập chủ trương phải cải cách từ những điều nhỏ và giản đơn như thế. Vừa qua, khi về lại Hậu Giang tham dự Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 9 (kỳ họp bất thường), ông Trần Thành Lập đã dành cho phóng viên Báo Hậu Giang cuộc trao đổi chân tình. Ông cho biết:

- Tôi xin miễn nhiệm từ tháng 7-2014, từ thời điểm đó đến nay, tôi thật sự trở thành người của gia đình. Giống bao nhiêu người khác thôi, lúc rảnh thì vui cùng con cháu, gặp gỡ thân hữu, bạn bè. Tính ra trong 60 năm cuộc đời, tôi đã hơn 40 năm tham gia cách mạng, trên 10 năm gắn bó với Hậu Giang. Về làm dân, tôi có điều kiện để chăm lo cho gia đình, làm một công dân tốt, tham gia các hoạt động ở địa phương, các câu lạc bộ, các tổ chức xã hội, từ thiện ở TP.Cần Thơ. Với tôi, giờ đây quan trọng là phải nuôi dạy con cháu thành người có ích, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, xứng đáng là người ông, người cha mẫu mực.

Thưa ông, nhiều cán bộ lãnh đạo sau khi về hưu thường được mời tham gia các tổ chức vì cộng đồng hoặc các hội đặc thù nào đó, nếu được mời, ông có tham gia ?

- Muốn tham gia tổ chức nào đó thì phải xem lại sức khỏe, điều kiện thực tế của mình, và cần một cái duyên nữa. Nếu đến một lúc nào đó, những điều kiện tôi nói đến với mình thì tôi cũng sẵn sàng tham gia, không phân vân gì.

Trước đây, trong những cuộc họp khi còn đương chức, ông hay bày tỏ sự phân vân khi là “thủ lĩnh” của quá nhiều Ban chỉ đạo, ông muốn nói gì về điều này, thưa ông ?

- Trước đây, tôi được báo cáo là làm Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) hơn 100 BCĐ. Sau đó, tôi trực tiếp rà soát và giảm lại còn hơn 70 BCĐ. Tuy nhiên, theo ý kiến của riêng mình, tôi thấy trong hơn 70 BCĐ đó, cần thiết chỉ khoảng 50%. Công việc thì lúc nào cũng cần, nhưng vì quá nhiều, nên sinh ra sự chồng lấn trong công tác. Nếu chúng ta biết sắp xếp, sẽ giảm được rất nhiều BCĐ. Từ chỗ giảm BCĐ sẽ giảm được các cuộc họp, giảm thời gian, giảm công sức, giảm kinh phí cho Nhà nước... Tôi mong muốn giảm càng nhiều BCĐ càng tốt, điều này sẽ giúp các BCĐ còn lại hoạt động hiệu quả và có hiệu lực hơn.

Ông được khen là người thổi làn gió mới cho hoạt động CCHC ở tỉnh Hậu Giang, ông đã thật sự hài lòng với kết quả CCHC thời gian qua chưa ?

- Tôi không dám nhận mình là người thổi làn gió mới vào hoạt động CCHC của tỉnh. Với CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý nhà nước, tôi rất quyết tâm và tâm huyết. Tôi luôn muốn làm sao để công tác CCHC tốt hơn, qua đó phục vụ doanh nghiệp và nhân dân hiệu quả, giảm được phiền hà, tiêu cực, từng bước thực hiện chính quyền điện tử ở địa phương, đỡ chi phí không cần thiết. Dù đạt được những thành công nhất định, nhưng tôi thấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. Tôi vẫn còn ray rứt nhất định, nhưng tôi tin tưởng lãnh đạo của tỉnh và các địa phương, nhất là lực lượng cán bộ trẻ sẽ tiếp tục làm tốt điều này, đưa tiến trình CCHC, ứng dụng CNTT thành công hơn nữa.

Ông có điều gì muốn chia sẻ với người kế nhiệm của mình vừa được HĐND tỉnh bầu trong kỳ họp bất thường vừa qua ?

- Tôi đã từng công tác và làm việc với đồng chí Đồng Văn Thanh, tân Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Thanh đã trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp, với năng lực của đồng chí, tôi tin đồng chí Thanh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thưa ông, Hậu Giang thời gian tới nên chú ý điều gì để có thể phát triển hơn ?

- Đối với Hậu Giang, hơn 10 năm qua cho thấy sự phát triển vượt bậc. Điều chúng ta tâm đắc nhất là tỉnh đã chọn được những khâu đột phá cho sự phát triển của một tỉnh thuần nông. Ngay từ những năm đầu chia tách, chúng ta đã xây dựng được các khâu đột phá hiệu quả và thiết thực. UBND tỉnh cũng đã đề ra 4 chương trình đột phá liên quan đến xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp-nông thôn, CCHC, phát triển nguồn nhân lực. Qua thời gian thực hiện, các chương trình này đã chứng tỏ hiệu quả và sự cần thiết của nó.

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, cần giữ và tiếp tục thực hiện các chương trình đột phá này, đồng thời đẩy mạnh phát triển nông nghiệp một cách bền vững hơn.

“Cứ gọi tôi là Tư Lập”: Tôi là người Nam bộ, khi đi làm việc công hay tư, theo thói quen đặc trưng của vùng miền, mọi người hay gọi tôi là Tư Lập. Tôi cũng thích cách gọi này. “Quan nhất thời, dân vạn đại” mà, bởi vậy hãy cứ gọi tôi là Tư Lập cho gần gũi…


Xin được cảm ơn ông !

H.NGUYÊN thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét