Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Hoàn thiện nhân cách từ bài học làm gương


Nhân cách là những nét đặc trưng tiêu biểu của con người. Nhân cách là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ với gia đình và quan hệ xã hội.

Sự hình thành và phát triển nhân cách gắn liền với sự phát triển của con người qua quá trình giáo dục, tự giáo dục và hoạt động thực tiễn. Trong đó, gương tốt của ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn ở cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng.


Từ nhiều năm trở lại đây, phải chăng, vì lo cho cơm áo, gạo tiền hay do nguyên nhân gì mà nền tảng đạo đức, nhân cách rõ ràng đã mờ nhạt đi.

Điều đáng lo ngại là tình trạng đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên không bình thường, từ thái độ học tập, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường, quan hệ thầy trò, chấp hành pháp luật đến những hành vi tiêu cực trong học tập và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào học đường.

Ngoài xã hội thì đi đâu cũng thấy cảnh làm ăn chộp giật; sản xuất, mua, bán, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm, động vật hoang dã, phá rừng hay tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, cuộc sống cứ bon chen, chèn ép lẫn nhau, mạnh được, yếu thua…

Ra nước ngoài, một bộ phận người Việt cũng ít chịu xếp hàng. Vào nhà hàng ăn cứ chen ngang và lấy đồ ăn thừa mứa, lãng phí. Vào thang máy hay lên tàu điện, thậm chí đi vệ sinh cũng chẳng chịu nhường ai.

Các thói quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, nói lớn tiếng, khoe của, khoái phô trương, hình thức vẫn tồn tại ở nhiều nơi công cộng.

Có rất nhiều nguyên nhân của vấn đề này, bắt nguồn từ sự thiếu gương mẫu của ông bà, cha mẹ trong gia đình, của thầy cô giáo trong trường học.

Còn có một bộ phận không ít cán bộ lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị có lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, mua chức, bán danh, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ, làm giàu bất chính, quan liêu, gia trưởng, thiếu dân chủ trong giải quyết sự khác biệt với mình bằng cách hành xử thiếu văn minh của người lớn đang là tấm gương rất xấu cho giới trẻ hiện nay...

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội thì: “Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận, chung thủy và có tình nghĩa là tấm gương sáng cho con cái noi theo”.


Cùng với gia đình, trường học cần có nội qui, quy định cụ thể những chuẩn mực giá trị trong các mối quan hệ đối với học sinh sinh viên và giữa thầy cô với các em học sinh mang tính lâu dài để nâng cao nhận thức, hướng học sinh - sinh viên đến việc hình thành nhân cách, sống đẹp, tôn trọng thầy cô, chân tình, thân thiện, ứng xử đẹp với bạn bè.

Đối với cán bộ lãnh đạo phải nghiêm khắc với chính mình, làm gương cho gia đình mình, làm gương cho con cháu mình. Cán bộ càng cao, càng cần phải làm gương, vì sự làm gương của cấp trên sẽ là tấm gương cho cán bộ cấp dưới và cho toàn thể cán bộ, đảng viên làm theo.

Gương mẫu mạnh hơn lời nói. Và chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân, vì nước, vì dân. Người nói: “Cán bộ là công bộc của dân” nên “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Để từng bước hoàn thiện nhân cách, ngoài giáo dục từ gia đình, trong trường học, hệ thống chính trị phải đảm bảo “pháp luật thượng tôn”. Nếu không, sẽ khó bàn về giáo dục và phát triển nhân cách.


Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 17 tháng 03 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét