Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Má tôi dạy : "ăn trông nồi, ngôi trông hướng"


Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được má dạy: làm người phải biết thương người với cái nghĩa, cái tình, biết kính trên, nhường dưới; giáo dục chúng tôi có thói quen “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; biết tôn trọng các chuẩn mực giá trị về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống đời thường!

Lâu nay, chúng ta nói nhiều và hình như quá chú trọng tới những phẩm chất cao siêu của con người. Đúng rồi, đó là "chuyện lớn" rất quan trọng! Nhưng có những "chuyện nhỏ" mà không hề nhỏ! Đó chính lại là chuyện: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"

Những "chuyện nhỏ" vậy mà còn phải học? Và chúng ta nên bắt đầu học từ những chuyện rất nhỏ thôi: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"

Khởi đầu từ những việc rất cụ thể như vậy: ăn thế nào? ngồi thế nào? Nhưng hàm ý sâu xa không còn chỉ là chuyện ăn, chuyện ngồi và cũng không chỉ là thái độ, cử chỉ, hành vi của một người trong một tình huống nhất định. Mà còn là phong cách ứng xử và kỹ năng giao tiếp của con người.

Xấu hổ vì cảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy khi ăn nhà hàng tự chọn, tranh ăn sushi miễn phí; hàng trăm người hôi beer mang về nhà trong tiếng van xin bất lực của người lái xe ở Biên Hòa;

Ra nước ngoài, một bộ phận không nhỏ cũng ít chịu xếp hàng ở những nơi đông người. Vào nhà hàng ăn cứ chen ngang và lấy đồ ăn thừa mứa, ăn không hết thì bỏ lung tung, quá lãng phí; cười nói ồn ào, xỉa răng, xả rác bừa bãi, mất vệ sinh...

Đáng buồn hơn, nhiều người lại chưa học được lối hành xử đúng mực và hợp cách khi sử dụng các phương tiện và tiện ích công cộng. Cảnh tượng tranh nhau, chèn lấn; bước vào thang máy thì sấn sổ vội vàng, đi thang cuốn thì đứng ngay giữa lối; lên tàu điện, đi xe buýt thì ít khi tự giác dành chỗ ngồi cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ em...

Ăn uống, đi lại, sinh hoạt là chuyện nhỏ, chuyện riêng của mỗi người. Nhưng đó cũng là phong cách ứng xử. Chính vì vậy, cách ăn, cách ngồi cũng quyết định ý thức của con người.

Cho nên, các bậc làm cha, làm mẹ phải biết dạy cho con những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy. Để khi bước vào đời, chúng luôn có ý thức về hành vi của mình. Giá trị của mỗi người trong cộng đồng tùy thuộc ở ý thức ấy.

Hãy dạy con ngồi vào bàn ăn đúng bữa, ăn uống gọn gàng, lịch sự mời ông bà, cha mẹ và mọi người cùng ăn. Ăn uống nên từ tốn, biết kính trên, nhường dưới, không nói chuyện to, không nói tục, không xả rác, không khạc nhổ quanh mâm cơm.

Tùy ở cương vị, giới tính và tuổi tác. Trong gia đình và ngoài xã hội. Biết kính trên, nhường dưới; biết tôn trọng các quy tắc ứng xử ở những nơi công cộng, tôn trộng phong tục, tập quán của mỗi địa phương, dân tộc; luôn có sự hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, ý thức thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật; biết điều chỉnh thái độ và hành vi ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, trước hết hãy là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Hãy tôn trọng các chuẩn mực giá trị của con người, của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống./.




Viết cho con

Cần Thơ, ngày 22 tháng 03 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét