Dân giàu nước mạnh vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Mong ước được sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần luôn là mong ước ngàn đời của nhân loại. Giàu có là mong muốn tự thân và chính đáng của bất cứ ai, ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng thế nào là giàu và làm giàu như thế nào?
Ngày nay, sự giàu không có nghĩa là có nhiều tiền, nhiều của cải, vật chất thông thường. Người giàu đúng nghĩa phải là người có kiến thức sâu rộng, có trách nhiệm xã hội và tiềm lực kinh tế chân chính. Một người giàu đúng nghĩa phải hiểu được ý nghĩa đích thực của sự giàu có, cảm nhận được niềm vui, ý thức được trách nhiệm xã hội trong quá trình làm giàu.
Ngày nay, rất nhiều người có lý tưởng, có khát vọng làm giàu và quan trọng nhất là có kiến thức, năng lực biến lý tưởng, khát vọng đó thành hiện thực. Nhiều doanh nhân rất thành đạt, giàu có, đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của xã hội.
Nhiều tấm gương, có cả cán bộ công chức, dù có thất bại, nhưng nhờ siêng năng, chịu thương, chịu khó, cần kiệm, tích lũy nên cuộc sống gia đình dần dần cũng bớt vất vả, khó khăn. Rồi cũng nhờ tiết kiệm, tích lũy mà mua được đất, cất được nhà, nuôi các con khỏe mạnh, học giỏi, nên người. Thật đáng trân trọng!
Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là trong xã hội hiện tại có nhiều kẻ giàu lên nhờ buôn lậu hàng cấm, sản xuất, mua bán hàng giả, trốn lậu thuế làm đình đốn sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Một bộ phận nhỏ cán bộ chuyên môn thì chạy dự án đầu tư công, mua sắm tài sản, thông đồng với đối tác nâng khống giá trị gói thầu trong thực hiện hợp đồng kinh tế để hưởng hoa hồng; cấu kết, thông thầu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trúng thầu dự án, nâng khống khối lượng, lập chứng từ giả, rút ruột công trình để tham ô.
Không ít cán bộ, công chức thực thi công vụ thì bày vẻ thủ tục hành chính, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ, làm giàu bất chính.
Một bộ phận khác có chức, có quyền, có trình độ, có quan hệ rộng, câu kết với nhau thành các nhóm lợi ích, mua quan, bán chức, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, đất đai...
Trong một môi trường như vậy thì làm giàu chân chính không phải dễ. Gây dựng cơ nghiệp lúc đầu có thể không khó nhưng đảm bảo cho cơ nghiệp đó ngày càng phát triển thì cần làm ăn bài bản. Do đó, cần phải không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Người Do Thái có truyền thống coi kiến thức trí tuệ là thứ quý nhất của con người. "Của cải, tiền bạc của chúng ta đều có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi". Với phương châm đó, họ đặc biệt coi trọng việc giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành;
Vì vậy, khi các con còn trẻ phải xác định được định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của mình, kiên trì và nhiệt huyết để đạt được nó.
Hãy tích lũy thật nhiều kiến thức, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và hãy làm giàu bằng chính kiến thức, năng lực của mình, chỉ có như vậy thì các con không những làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mà còn góp phần phát triển xã hội.
Cần Thơ, ngày 11 tháng 03 năm 2015
Viết cho con
Trần Thành Lập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét