Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Giải pháp nào để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững?


Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội. Phát triển sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho số đông dân cư.

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Sau khi giải phóng, miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Bên cạnh những thuận lợi thì ngành nông nghiệp đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Với mục tiêu xây dựng một đất nước có nền kinh tế phát triển với nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”.

Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã ra Nghị quyết về “Hợp tác hóa trong nông nghiệp” theo phương thức: sở hữu cộng đồng, lao động tập thể, phân phối theo lao động.

Tuy nhiên, ngay từ đầu mô hình này đã bộc lộ rõ sự yếu kém qua năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất không cao, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nông dân ngày càng cảm thấy bất mãn với hợp tác xã, dẫn tới nhiều nơi khoán hộ để nông dân thoát nghèo.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, ngày 10-9-1966, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68- NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã nông nghiệp hiện nay” đánh dấu sự ra đời “khoán hộ” ở Tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến cuối năm 1979, ở Miền Nam đã thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Vậy mà sang năm 1980 các tổ chức này đã tan rã. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp không phát triển trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu lương thực khiến từ năm 1976 đến 1980 mặc dù trong hoàn cảnh hòa bình Việt Nam phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm.

Sau khi khảo sát thực tiễn, ngày 13 tháng 1 năm 1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW: "Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp". Tuy nhiên, khoán 100 chỉ có tác động tích cực trong một vài năm đầu.

Chính thời điểm đó, ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân và xác định vai trò kinh tế hộ nông dân”.

Như vậy, từ đại hội V, Đảng đã xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, Đại hội VI đã cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương đó nên rất chú trọng nghiên cứu chính sách quản lý nông nghiệp.

Kết quả thật kì diệu, sau đó chỉ một năm, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 sản lượng lúa gạo đạt con số 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo.

Nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn này mà công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng và từ năm 1989 có được những thành tựu bước đầu. Năm 1989, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới.

Từ đó, Trung ương tuyên bố : “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế hộ cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của hộ cá thể tư nhân”.

Sự “cởi trói” chính thức có ý nghĩa giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, đem lại sinh khí mới cho nền nông nghiệp nước nhà.

Sản lượng lúa của cả nước ngày càng tăng; trong năm 2012, Việt Nam đạt con số 43,7 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn mang lại 3,5 tỉ USD, Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Việc tự do hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, đã giúp Việt Nam là nước thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Trong năm 2014, có khoảng 47,8% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, và thuỷ sản. Tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp đạt 3,6%, tốc độ tăng giá trị GDP đạt 3,3% trong khi năm 2012, 2013 đều đạt mức 2,67, 2,68%. Trong đó, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng 2,3%, ngô, sắn, cà phê, chè, tiêu... đều tăng từ 4,8-7,2%. Chăn nuôi tăng sản lượng, được giá với nhiều cơ sở kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Thủy sản tăng mạnh về khai thác xa bờ, tăng 3,9%, nuôi trồng tăng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm nghiệp năm qua đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% với trên 10 mặt hàng trên 1 tỷ USD.
(Nguồn Báo điện tử Chính phủ)

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, vai trò trung tâm của kinh tế hộ gia đình không thể đưa nền nông nghiệp phát triển bởi thiếu lợi thế về quy mô; kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, không gắn kết tốt với chuỗi giá trị từ khâu giống, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường.

Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

Những nhược điểm cố hữu vẫn tồn tại: ruộng đất manh mún khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thô sơ, khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, không gắn thị trường...

Vấn đề là phải khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, trúng mùa thì mất giá, được giá thì thất mùa, sản xuất không theo thị trường...

Do đó, việc tập họp nông dân lại thành tổ chức là một nhu cầu bức bách và là điều các chuyên gia và nhà kinh tế đã kêu gọi từ nhiều năm. Nhưng cho đến nay không thấy thay đổi bao nhiêu. Lý do phải chăng là vì nói đến "hợp tác xã", dù là kiểu mới, đã để lại những ấn tượng không hay. Nhưng cũng có thể lực cản là từ đặc điểm tâm lý của chính người nông dân Việt Nam?

Tại buổi tọa đàm xây dựng hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL (16/04/2015), GS.TS, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay".

Với mô hình cánh đồng mẫu lớn, một số mô hình liên kết với doanh nghiệp theo phương thức: doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng hay nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động; doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật và tổ chức quản trị kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng chiến lược rõ ràng và chính sách ổn định trong thời gian dài khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quyền sử dụng đất, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm không giới hạn về quy mô.

Mục tiêu trong tương lai là cần xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 có nhiều nội dung quan trọng phải giải quyết, từ ruộng đất (tích tụ ruộng đất), tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cơ cấu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, đào tạo nghề...

Trong bài viết nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “... cần thấy rõ rằng, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, sản xuất hàng hoá nông nghiệp phát triển ngày càng cao với quy mô lớn, có phương thức sản xuất hiện đại, vùng sản xuất lớn, cho nên cần coi trọng phát hiện, nhân rộng các mô hình tốt về hợp tác, liên kết trong đầu tư, sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác hải sản trên biển. Đó là xu thế phát triển khách quan trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là chúng ta tác động định hướng hiện thực hóa xu thế đó thế nào cho vững chắc để sớm đạt được hiệu quả cao nhất”.
(Nguồn: daibieunhandan.vn)



Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 18 tháng 04 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét