Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển năng động, bền vững



Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, cây ăn trái, sản xuất mía đường không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước.

Theo số liệu thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước, 55,6% sản lượng lúa, trên 50% sản lượng trái cây, 54% sản lượng thủy sản, 35% sản lượng đường tinh luyện, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước...Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,9 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 tỷ USD.

Đó là những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng sự phát triển kinh tế toàn vùng chưa thực sự vững chắc, còn quá nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt vấn đề từ những nghịch lý về hiện trạng kinh tế-văn hóa-xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong vai trò là vựa lúa gạo, thủy hải sản và trái cây lớn, phong phú nhất nước, nhưng lại là nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, điều kiện sinh hoạt kém nhất và an sinh xã hội không đạt so với cả nước.

Những nhược điểm cố hữu ở Đồng bằng sông Cửu Long là ruộng đất được phân chia manh mún, khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thô sơ, khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, không gắn thị trường...

Theo các chuyên gia, hiện nay mức độ cơ giới hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, khoảng 1/3 so với Thái Lan và 1/4 so với Trung Quốc. Chất lượng máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp hầu hết đã qua sử dụng, nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản...

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn thất ở mức 25% tương đương với 5 triệu tấn, trị giá 25.000 tỷ đồng. Tổn thất về trái cây và thủy sản ở mức cao.

Các sản phẩm nông, thủy sản chế biến chủ yếu là: lúa gạo, rau quả, các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Hầu hết các sản phẩm chế biến ở dạng sơ chế, tỷ lệ tinh chế còn rất thấp.

Trên lĩnh vực công nghiệp, chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh... Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 51 khu công nghiệp và khoảng 200 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy và thuê đất mới chiếm khoảng trên 50%

Vướng mắc lớn nhất của khu, cụm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là không theo quy hoạch tổng thể của toàn vùng, mỗi địa phương phát triển theo một cách, từ đó dẫn đến sự lãng phí về đất đai!

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, GS-TS Bruno De Meuider, Trường đại học K.U. Leuven (Bỉ), cho rằng: “Địa phương nào cũng đua nhau xây dựng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Đây thực sự là một định hướng phát triển sai, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được tiềm năng kinh tế”.

Nguyên nhân chính của công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển do sự bất cập về hệ thống kết cấu hạ tầng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, thiếu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, chi phí đầu tư cao...

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năng động, hiện đại, ngày 12 tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là:

"Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao"

Và mục tiêu chung cho Đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Cần có chiến lược rõ ràng và chính sách ổn định trong thời gian dài khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quyền sử dụng đất, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm không giới hạn về quy mô.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đầu tư chiều sâu cho các nhà máy chế biến; khai thác, sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất hàng tiêu dùng; mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.

Ưu tiên quy hoạch lại sản xuất nông, thủy sản theo hướng cơ giới hóa trong canh tác, hiện đại hóa công nghiệp chế biến, bảo quản; xây dựng thương hiệu hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; thích ứng với thị trường trong và ngoài nước.

Khuyến khích, hỗ trợ vốn đầu tư phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, trang bị máy móc thiết bị sản xuất, chế biến nông, thủy sản, sản xuất phụ tùng lắp ráp máy động lực, các sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Trên cơ sở rà soát các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển, chính quyền cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất năng lượng, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin...

Nguồn nhân lực là một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và cán bộ khoa học-công nghệ đầu đàn; đào tạo, phát triển lực lượng lao động kỹ thuật cao có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong lao động. Đây là khâu đột phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năng động, cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống năng lượng, thuỷ lợi, hạ tầng mạng viễn thông, hệ thống khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đô thị. Hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ cho toàn vùng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường.

Tăng cường liên kết kinh tế vùng để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, khai thác hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; để hình thành vùng nguyên liệu tập trung phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt theo địa giới hành chính, đầu tư dàn trải, lãng phí, cục bộ địa phương.

Từ tiềm năng, lợi thế, đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp đồng bộ, được sự đồng thuận của xã hội với quyết tâm cao, tin tưởng rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển năng động, bền vững trong một tương lai không xa./.


Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 24 tháng 04 năm 2015

Bài viết cho Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét