Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Trở về nơi nuôi tôi khôn lớn



Chiến tranh kết thúc. Tiếp quản trụ sở làm việc, ổn định tổ chức, phân công lại nhiệm vụ cho cán bộ, phóng viên trong cơ quan, tôi và các anh chị đồng nghiệp được phân công trở về vùng căn cứ kháng chiến để thu thập thông tin về sự thay da, đổi thịt của những ngày, tháng đầu sau giải phóng. Đối với tôi, đây cũng là dịp để trở về quê hương, thăm viếng bà con, cô bác, những người đã một thời nuôi, dạy tôi khôn lớn.


Từ Cần Thơ theo liên tỉnh lộ 42 qua Long Mỹ đến Ngã Năm về Hồng Dân; dù đường đi lại còn khó khăn, nhưng một số tuyến đường được nâng cấp đem lại sự hồi sinh cho nhiều vùng xâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu sau bao năm tháng chiến tranh tàn phá.

Theo tập quán, người dân nơi đây luôn bám lấy vệ đường để cất nhà. Mặt tiền dọc theo tuyến đường đi từ Cần Thơ qua huyện Long Mỹ đến thị trấn Ngã Năm nhiều căn nhà bán kiên cố, những tiệm tạp hóa, cơ sở sửa chữa máy đuôi tôm, nhà máy xây lúa đã được dựng lên trên những hố bom năm nào.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, phong trào san lấp hố bom, xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang, mở đất, khôi phục sản xuất, phát triển an sinh xã hội. Màu xanh của cây trái, màu vàng của lúa chín đang xóa dần sự hoang tàn bởi đạn bom và thuốc khai hoang.

Không bao lâu sau chiến tranh, người dân nơi đây đã tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Tinh thần lao động của người nông dân Nam Bộ làm năng suất trong sản xuất nông nghiệp vượt xa so với trước chiến tranh.

Phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào qui trình trồng lúa, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh ở nhiều vùng nông thôn. Thanh niên nông thôn đi đầu trong việc tìm tòi sáng tạo các phương pháp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.

Ở mỗi cánh đồng chúng tôi đi qua, chính là chứng tích lịch sử của chiến tranh, bởi mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ, mỗi bông lúa hay mỗi nhành hoa nơi đây đều thấm máu, xương của chiến sỹ và người dân vô tội.

Chúng tôi trở lại ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng, nơi mà vào sáng sớm ngày 16/1/1973, nhiều máy bay B52 ném hàng loạt bom tấn, sát hại nhiều người dân vô tội. Trong đó có 8 nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn cải lương Chuông Vàng, 2 giáo viên ở Tiểu ban giáo dục và rất nhiều người thương vong.

Về đây, chúng tôi còn tỏ lòng tri ân với chiến sĩ, bạn bè, đồng đội, người dân vô tội đã ngã xuống vì chiến tranh. Đứng trước anh linh những người đã khuất, chúng tôi thành kính thắp nén nhang, tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì hòa bình, tự do cho mảnh đất này.

Tại những nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt, những ngôi trường mới khang trang vừa được dựng lên. Trẻ em vùng quê đã được cấp sách đến trường. Dù còn có những ngôi trường tre lá tạm bợ nhưng trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Nhờ tinh thần học tập mà người dân nơi đây đã xây dựng lại quê hương từ trong đổ nát bởi đạn bom.

Chiến tranh đi qua, chúng tôi đã để lại phía sau lưng mình những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh với biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời đạn bom.

Trở về đây, chúng tôi không chỉ tìm lại những kỷ niệm xưa, mà còn chân thành cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của người dân nơi đây, bà con một thời giúp đỡ, yêu thương, dạy dỗ chúng tôi như con cháu của chính mình. Bà con là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm tình thương cho chúng tôi trong những tháng năm xa nhà!


Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 29 tháng 01 năm 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét