Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016
Học nói
Dù bạn là ai, làm nghề gì, công nhân hay nông dân, thầy giáo hay bác sĩ, cán bộ hay công chức đều cần phải “nói” khi giao tiếp. Nói chuyện gì? Nói với ai? Nói ở đâu? Nói lúc nào?
Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua… "
Vì vậy, khi giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp thì cũng tùy đối tượng mà lựa lời để nói. Nói ngắn gọn, trọng tâm, chính xác, súc tích, dễ hiểu, sẽ hấp dẫn và làm cho người nghe hài lòng.
Muốn nói hay thì phải học cách nói của nhiều người và tự mình rèn luyện, gọt giũa lời nói, diễn đạt lưu loát một cách tự tin. Nói bằng chính cái tâm, bằng kiến thức của chính mình.
Nói chuyện, hay phát biểu, hoặc diễn thuyết trước công chúng giống như một môn nghệ thuật, đòi hỏi không những kỹ năng mà còn cần có vốn kiến thức sâu rộng, sự tự tin, khả năng làm chủ tình huống… Phải thể hiện được trí tuệ, thái độ, tâm huyết, tình cảm, phong cách cá nhân dể thuyết phục người nghe hơn là đọc.
Tôi rất ấn tượng với phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đông đảo sinh viên, trí thức và danh nhân trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng 24.5.2016.
Ông đề cập nhiều vấn đề trong quan hệ Việt - Mỹ từ quá khứ, hiện tại và tương lai, mang lại nhiều cảm xúc từ cách dẫn dắt, truyền tải cho tới thông điệp gửi gắm cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Những gì ông nói ra đều như tự mình suy ngẫm, nung nấu nên rất tự nhiên, rất tâm huyết và rất thuyết phục!
Rất tiếc, có nhiều người khi trước đám đông chỉ đọc những bài do người khác viết trước, không bằng chính cái tâm, bằng kiến thức của chính mình, nên rất ít sức thuyết phục.
Học đi con! Muốn nói hay thì phải học!
Viết cho con
Cần Thơ, ngày 20 tháng 11 năm 2016
Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016
Học đi con!
Con trai đi tập huấn. Buồn buồn, vui, vui! Buồn vì thương con phải xa nhà. Nhưng không, vui nhiều hơn. Vui vì con được chọn cử đi học và vì con rất ham học!
Có người nói với tôi, sao không tìm cho cháu một biên chế trong cơ quan nhà nước vừa nhàn vừa có thu nhập vừa dễ tiến thân?
Tôi chỉ cười! Thực ra, các cháu nhà tôi ham học và chỉ làm việc theo chuyên môn mà các cháu đã được đào tạo thôi.
Có lần, con trai thứ của tôi tâm sự, con muốn học thêm ngoại ngữ trước khi xin việc làm. Tôi ủng hộ ngay, vì suy nghỉ của cháu rất đúng!
Giỏi chuyên môn, biết ngoại ngữ, có kinh nghiệm từ thực tiễn, chắc chắn các con sẽ làm việc tốt, sẽ thành đạt!
Quan trọng là phải học! An tâm học đi con!
Viết cho con
Cần Thơ, ngày 01 tháng 11 năm 2016
Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016
Chỉ biết nói lời “Cảm ơn!”
Sinh nhật. Không rượu thịt, không bánh trà, không màu mè, hình thức. Nhưng, vui! Rất vui! Rất hạnh phúc!
Sáng sớm, tôi đang vệ sinh cá nhân, cháu tôi chạy xuống “Chúc mừng sinh nhật ông Ẩm”. Hạnh phúc lắm!
Bạn bè, người thân, các em, các cháu: Trung Nhân, Minh Tâm, Ku Thoại, Chí Hướng, Chí Toàn…qua facebook đều có lời chúc tốt đẹp. Vui lắm!
Đặc biệt, chế Hai tôi và hai cháu Phát-Lộc gửi lẵng hoa rất tươi chúc mừng sinh nhật tôi đầy ý nghĩa!
Con trai tôi, bình thường rất ít nói cũng thức sớm, như những người đàn ông có học đến bắt tay tôi “Chúc mừng sinh nhật vui vẻ!” Có hạnh phúc nào hơn!
Tôi vui, tôi hạnh phúc không chỉ vì những lời chúc sinh nhật, mà hơn thế nữa, đó là sự quan tâm, là văn hóa ứng xử của bạn bè, người thân, các em, các cháu tôi.
Tôi cũng rất vui vì sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp mọi người đến gần nhau hơn, cảm thông hơn, yêu thương nhau nhiều hơn!
Hạnh phúc lắm! Chỉ biết nói lời Cảm ơn!
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 27 tháng 10 năm 2016
Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016
Mình thương bà nội!
“Mình thương bà nội”. Một câu nói ngay thơ của MiLô, làm bà nội rất vui, còn tôi thì vô cùng xúc động, bởi đây là lời nói từ tâm của cháu tôi!
Với MiLô, bà nội là người luôn dịu dàng, nhân hậu, không ngại khó, ngại khổ, hết lòng yêu thương mẹ cháu và các cháu.
Ngày ngày, bà lo lắng, chăm sóc cho mẹ cháu chu đáo từ việc ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi để hai mẹ con cháu được khỏe mạnh.
Ngay cả chuyện giặt giũ, ăn, uống, học hành bà cũng “phục vụ” rất chu đáo. Cả ngày bà vật lộn lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ cho các cháu, quên luôn cả việc đi ăn sáng với gia đình vào thứ bảy, chúa nhật.
Đêm khuya, tưởng bà được nghỉ ngơi nhưng rồi vẫn phải lục đục trở mình vì thi thoảng cháu khóc nhè. Nhất là lúc trái gió trở trời thì bà nội lo đến mất ăn, mất ngủ.
Cực thì có cực nhưng bà nội vui và hạnh phúc lắm!
Có lẽ do trùng ngày sinh, nên bà nội rất thương MiLo, nhưng cũng là người cực nhất với MiLo. Vì MiLo khá năng động và tự tin, nên dạy dỗ cũng khá vất vả.
Nay, Milô đã tròn ba tuổi, đã đi học mẫu giáo, ngoan hơn, biết ca hát, biết thưa ông, thưa bà, biết chúc ông, chúc bà ngủ ngon, thương em Mina. Ăn nhanh hơn, tự uống sửa, và khi mắc tiểu biết gọi bà nội: “tiểu, tiểu”
Nhân ngày sinh nhật của bà và cháu, ông Ẵm chúc bà nội luôn vui, khỏe, nuôi cháu khỏe, dạy cháu ngoan!
Ông mong cháu Milô ăn nhiều, mau lớn, khỏe mạnh, chăm, ngoan, học giỏi!
Cần Thơ, ngày 15 tháng ̣10 năm 2016
Ông Ẵm
Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016
Hãy tự tin bạn sẽ thành công!
Chưa thành công chứ đâu phải đã thất bại. Nhưng, nếu có thất bại thì đó cũng chính là bài học quí để bạn thành công.
Người ta thường nói: “Thất bại là mẹ thành công”. Bạn chưa thành công? Không sao!
Đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy cố gắng thêm một lần nữa. Hãy tự tin lên, bạn sẽ thành công!
Bạn xuất thân từ gia đình nông dân, công nhân, nhà giáo hay quan chức? Không quan trọng!
Bạn không được kế thừa xe sang, nhà cao cửa rộng? Không sao!
Đó không là thành công của bạn. Bạn có sức khỏe, có trí tuệ, có niềm tin, chắc chắn bạn sẽ thành công!
Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng đừng đánh mất sự tự tin. Nếu không có niềm tin vào chính bản thân mình, bạn sẽ không làm được gì cả.
Ai cũng hiểu một triết lý: “Mất tiền, bạn có thể kiếm lại được tiền, mất sức khỏe bạn vẫn có thể phục hồi được sức khỏe, mất danh dự bạn có thể khôi phục được danh dự nếu có thời gian và lòng quyết tâm, mất niềm tin bạn vẫn có thể tìm lại được niềm tin bằng tình cảm con người. Và bạn có thể sẽ mất tất cả khi bạn buông xuôi và không còn tin vào mình nữa.”
Bạn có biết anh em nhà Wright? Họ chỉ là những người sửa xe đạp bình thường, nhưng chính là những người sáng chế ra chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới.
Để có được thành công này, họ đã trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại. Và cũng chỉ khi có niềm tin thì họ mới có thể tiếp tục công việc của mình.
Còn Henry Ford – cha đẻ của hãng xe hơi Ford nổi tiếng trên thế giới chưa tốt nghiệp một trường lớp nào và từng không xin được việc làm vì không có bằng cấp…
Hay ông Soichirô Honda – người sáng lập ra hãng Honda đã từng không dưới 50 lần thất bại và có khoảng thời gian là người vô sản…
Có thể bạn biết rất rõ Bill Gates – chủ tịch tập đoàn Microsoft bỏ dở việc học ở trường đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ để theo đuổi ước mơ thành lập Công ty Microsoft.
Đến nay, Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản khoảng 90 tỷ USD.
Và thật đáng khăm phục Nick Vujicic – một người thanh niên không chân, không tay, anh đã khiến cả thế giới biết tới mình bằng một nghị lực phi thường.
Chính trị gia mà tôi ngưỡng mộ nhất, chính là Franklin Delano Roosevel, Tổng thống Mỹ thứ 32, người được biết đến như một huyền thoại trong lịch sử nhân loại.
Năm 39 tuổi, ông bị bệnh bại liệt. Căn bệnh quái ác khiến ông không còn khả năng đi lại.
Song, bằng nghị lực phi thường, trên xe lăn, ông đã lãnh đạo nhân dân Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và chiến tranh thế giới lần thứ II. Ông là Tổng thống Mỹ duy nhất đắc cử suốt bốn nhiệm kỳ.
Để trở thành một Tổng thống vĩ đại như thế trong lịch sử Mỹ, Franklin Roosevelt đã học tập miệt mài trong suốt quãng đời thanh xuân.
Ông cũng chính là bằng chứng tiêu biểu cho những vĩ nhân của thế giới có sự nghiệp học hành không bó hẹp trong phạm vi trường học.
Chính những trải nghiệm thực tế tích luỹ trên “trường đời” đã giúp ông trở thành Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đó là những tấm gương!
Sống có ước mơ, nhiệt huyết và hoài bão, hãy luôn luôn hoàn thiện mình, nhìn nhận những khuyết điểm, thậm chí là thất bại để khắc phục.
Hãy tự tin, chắc chắn bạn sẽ thành công!
Viết cho con
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 7 tháng 10 năm 2016
Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016
Tuổi thơ tôi và lời ru của má
Cuộc sống vốn dĩ rất bộn bề. Nhưng khi phải đối diện với những ngã rẽ của cuộc đời, ta lại mơ, lại nhớ về với năm tháng êm đềm của tuổi thơ.
Tuổi thơ - mỗi khi nhắc đến ai cũng bồi hồi cảm xúc với những kỷ niệm vui, buồn …
Tuổi thơ tôi cũng lớn lên bằng hơi ấm của ba, bằng tình thương của má! "Ba", "Má" hai tiếng quá gần gũi, quá thân thương ngay từ những tiếng nói bập bẹ đầu đời.
Tuổi thơ tôi cũng có biết bao kỷ niệm bên chiếc võng đu đưa, kẽo kẹt, nhịp nhàng lẫn trong tiếng ru ngân nga giữa trời đêm tĩnh mịch ở thôn quê nghe mênh mông rì rào tình cảm biết chừng nào...
"Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”
Chiếc cầu tre nó lắt lẻo, nó gập ghềnh nên có lần tôi bị trượt chân té xuống kinh, bị dòng nước cuốn ra sông, nhưng nhờ anh Hai hàng xóm cứu, chứ không thì tôi đã vĩnh viễn đi theo ông bà rồi.
Khó đi là vậy, nhưng:
“Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học
Ầu ơ, con đi trường học
Mẹ đi trường đời… "
Những lời ru ấy nghe mộc mạc nhưng thiết tha, tình cảm cũng như chính cuộc đời của má quanh năm lam lũ, tảo tần hy sinh cho chồng, cho con...
Tuổi thơ tôi cũng gắn liền với sông nước nặng tình phù sa, với những cánh đồng trải dài vô tận, thẳng cánh cánh cò bay.
“Ầu ơ...Gió đưa gió đẩy…về rẫy ăn còng về sông ăn cá…
Ầu ơ… về sông ăn cá...về đồng ăn cua…”
Tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Chị em tôi phải thức khuya, dậy sớm để đi cấy đổi lấy công cày, dù rôm sảy đầy mình, trời lạnh đến thấu xương!
“Ầu ơ người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng
Ầu ơ…trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”
Bởi cánh đồng là nơi mưu sinh, là sân chơi với nhiều kỷ niệm ngọt ngào và trong sáng, là nơi có những niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ tôi...
“Ầu ơ ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất
Ầu ơ bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu
Ầu ơ ầu ơ”
Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được ba má dạy phải biết thương người với cái nghĩa, cái tình:
“ầu ơ...tìm vàng tìm bạc dễ tìm chứ tìm câu nhân nghĩa
ầu ơ...tìm câu nhân nghĩa khó tìm lắm thay”
Qua lời ru, má dạy chúng tôi về cách đối nhân xử thế;
“Ơ ầu ơ ơ con người có cội mà có tông
Ơ như cây có cội
Ơ ầu ơ ơ như cây có cội ơ ầu ơ
Ơ như cây có cội như sông có nguồn”
Lời ru của má chính là lời dạy bảo, lời nhắn nhủ, là ước mong, là khát vọng của má mong các con sẽ khôn lớn thành người.
“Ơ ầu ơ ơ ầu ơ… ơ cây xanh thì lá.... nó cũng xanh
chứ cha mẹ hiền lành ơ.... ầu... ơ
ơ cha mẹ hiền lành để đức... cho con”
“Ơ... ầu... ơ…ơ trồng cây mong ước cây xanh
chứ cha mẹ sinh thành
Ơ.. ầu... ơ…ơ cha mẹ sinh thành mong ước con khôn
ơ... ầu... ơ… ơ.. ầu.. ơ”
Má còn dạy chúng tôi biết hiếu hạnh, lễ nghĩa, biết tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống đời thường:
“Ơ ầu ơ
Ơ chim khôn tránh bẫy tránh lồng
Chứ người khôn tránh tiếng
Ơ ầu ơ
Ơ người khôn tránh tiếng
hồ đồ mới khôn"
“Ầu ơ...tôm càng lột vỏ bỏ đuôi, giã gạo cho trắng
Ầu ơ... Giã gạo cho trắng… mà nuôi mẹ già…”
Đời đã hai màu tóc, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về tuổi thơ, nhớ những luống cày, nhớ màu xanh non của mạ, nhớ cánh đồng vàng của mùa lúa chín, nhớ cả mùi rơm thơm khi đốt đồng, nhớ cả tiếng chim chiều, nhớ nhất là lời ru của má:
“Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau…”
“Chiều chiều” rồi lại “chín chiều”, cái điệp khúc buồn ấy đã làm tim tôi se lại…Nhớ má!
Trần Thành Lập
Viết nhân mùa Vu Lan
Cần Thơ, ngày 12 tháng ̣9 năm 2016
Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016
Suy nghĩ trước khi nói
Lời dạy của thánh nhân
Khoảnh khắc con người ta tức giận, chỉ số IQ về zero. Đây là lúc bạn dễ dùng khẩu ngôn để sát thương người khác, lời nói có thể “giết chết” người.
Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày.
Vì thế ngay cả lúc đầu óc tỉnh táo nhất hay lúc tức giận cũng cần ghi nhớ không thể nói những lời này ra. Nếu không “hậu quả” sẽ khó lường…
1. Điều thương tâm, đừng gặp ai cũng nói
Khi đang buồn bã, có ý muốn chia sẻ, nhưng nếu gặp bất cứ ai cũng thổ lộ sẽ rất dễ làm cho người nghe bị áp lực tâm lý, đồng thời nảy sinh nhiều mối nghi ngờ, cảm thấy nhàm chán. Ấn tượng trước đây của bạn trong mắt người khác cũng sẽ bị mai một, khiến người ta xa lánh vì sợ bạn lại trút khổ lên họ.
2. Việc của mình, lắng nghe lời khuyên của mọi người
Những việc của mình nên lắng nghe quan điểm của người ngoài cuộc, một mặt có thể tạo ấn tượng khiêm tốn, mặt khác mọi người sẽ nghĩ rằng bạn là người thấu tình đạt lý.
3. Việc không thể làm, thì đừng nói
Không được dễ dãi cam kết những việc ngoài tầm tay. Phải để cho người ta tin rằng bạn nói được thì sẽ làm được.
4. Oán trời, trách đất cũng là cách làm tổn hại nhanh phúc báo
Người hay phàn nàn, không hài lòng với số mệnh, ích kỷ và ganh ghét đố kỵ thường hay oán trời, trách đất. Họ không trân trọng những gì vốn có của bản thân nên mới cảm thấy bất bình, thông qua cái miệng mà suốt ngày ca cẩm. Đây cũng là một cách làm tổn hại phúc báo rất nhanh, cũng là một dấu hiệu của người bạc mệnh hiện tại hoặc sau này.
5. Điều không chắc, nên nói thật thận trọng
Đối với những điều không nắm bắt rõ, nếu bạn không lên tiếng, đôi khi người ta nghĩ bạn đạo đức giả hoặc thiếu hiểu biết, không có chính kiến. Chi bằng diễn đạt một cách cẩn thận, mọi người sẽ cảm thấy rằng bạn là một người đáng tin cậy.
6. Miệng muốn nói lời hay, lời tốt thì tâm phải tốt, phải đẹp
Miệng muốn nói lời hay ý đẹp thì trong lòng phải thực sự tốt, phải có hảo tâm, vì vậy người đó sẽ phát ra từ trường tốt xung quanh mình. Những thứ tốt đẹp sẽ tìm đến với người này và họ có phúc báo. Vậy hảo tâm là gì? Trước tiên cần biết đủ và biết cảm ơn. Biết đủ là một loại thành tựu. Những người có đức luôn tự hài lòng, đối với hoàn cảnh nào cũng chấp nhận, cũng thấy thỏa mãn và biết ơn. Khi người ta biết đủ, biết thỏa mãn, người ta sẽ không nói những lời không tốt hay phàn nàn vì trong tâm họ đã bình an rồi.
7. Việc gấp, nói từ tốn
Gặp phải trường hợp khẩn cấp, nếu có thể dằn lòng một phút để suy nghĩ, sau đó nói chậm rãi, không vội vàng hấp tấp thì người nghe cũng sẽ thấy ổn định mà không cuống cuồng, “tá hỏa” theo. Bình thản ngay trong lúc khẩn cấp sẽ giúp bạn chiếm được niềm tin của người khác, cho thấy bạn là người có năng lực thực sự, khó “xung động” và là chỗ dựa của mọi người xung quanh.
8. Điều vô căn cứ thì đừng nói hàm hồ
Trên đời tệ nhất là kẻ ngậm máu phun người, vì thế đừng nói những điều vô căn cứ hoặc thêu dệt. Hãy chứng tỏ mình là người trưởng thành, có nhân cách, có gì nói nấy, thành khẩn trong từng lời nói.
9. Chuyện của người khác, nói thật cẩn thận
Cần giữ một khoảng cách an toàn giữa người với người, đừng bình phẩm hay đồn thổi chuyện của người khác mà tạo ra những hiểu lầm tai hại.
10. Không nói lời tổn thương người khác
Chúng ta có thể không nóng nảy với người ngoài nhưng lại hay trút giận lên người thân, vì bạn cho rằng người nhà sẽ chấp nhận mọi khuyết điểm của mình. Đây là sai lầm lớn, đối với gia đình, bạn càng cần phải yêu thương và tiết chế những lời nói cay nghiệt, không đáng có. Nói lời tổn thương người khác thì mình sẽ bị khinh thường.
(Sưu tầm)
Theo Khỏe&đẹp
Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016
Những việc không nên làm
(Lời dạy của thánh nhân)
1. Đừng trốn tránh trách nhiệm giải quyết vấn đề, hãy nhìn thẳng vào khó khăn và cố gắng đi qua
Mọi người đều biết, để làm được điều này quả thực là không hề dễ dàng. Thật khó để mỗi khi gặp khó khăn lại có thể dùng tâm thái bình thản, tĩnh tại để đối diện với nó. Nhưng thực sự là khi gặp khó khăn, chỉ có bình tĩnh đối diện với nó thì mới giải quết được vấn đề, còn trốn tránh nó thì chỉ làm lãng phí thêm thời gian và sự lo lắng cho bản thân mà thôi!
2. Đừng cố trở thành một người không phải là mình
Có một điều mà con người luôn phạm phải đó là luôn nhìn người khác rồi ngưỡng mộ và mong muốn bản thân mình trở thành người ta. Một người xinh đẹp, thông minh, trẻ trung, thành đạt hơn mình… nhưng có một sự thật là họ không phải là mình. Hãy đừng luôn ao ước trở thành người khác, hãy là chính bản thân mình và cố gắng hết sức mình để trở thành một người tốt, lương thiện, thật thà, bao dung người khác. Khi ấy bạn cũng trở thành người “đáng ngưỡng mộ” trong mắt người khác!
3. Đừng tự lừa dối bản thân
Đừng huyễn hoặc để lừa gạt bản thân mình, hãy dùng con mắt chuẩn xác để nhìn nhận bản thân mình. Người luôn tự lừa dối bản thân mình sẽ khó nhận ra được khả năng và vị trí của mình ở đâu. Muốn gặp được những cơ hội tốt, hãy bắt đầu từ việc chân thành đối đãi với chính bản thân mình.
4. Đừng lãng phí thời gian vào nhầm người
Đời người rất ngắn ngủi, cho nên đừng đem những ngày tháng quý giá của mình lãng phí vào nhầm người. Nếu như người khác cần bạn, họ sẽ dành cho bạn một khoảng không gian. Nhiều lúc, chúng ta không cần phải “giãy giụa” trong đau khổ mà thay vào đó hãy chọn cách “buông bỏ”. Hãy nhớ kỹ, bạn bè tốt là người luôn xuất hiện bên bạn những lúc bạn cần. Những người mà khi bạn đang ở vào thời điểm huy hoàng mới đến kết giao thì đó chưa chắc là bạn chân chính.
5. Đừng mải sống trong quá khứ
Nếu một người cứ mãi đắm mình trong “bóng ma” quá khứ thì người đó sẽ không có cách nào bắt đầu một cuộc đời mới!
6. Đừng mãi trách cứ sai lầm của bản thân
Bạn có thể yêu quý nhầm người hay cũng có thể khóc vì những sự việc không đáng nhưng có một điểm là hãy biết tha thứ cho bản thân mình, đừng mãi nhìn vào sai lầm của bản thân để rồi trách cứ mình. Bởi vì những sai lầm ấy, ít nhất nó cũng giúp bạn biết tránh khi lần sau gặp lại, từ đó giúp bạn trưởng thành hơn. Hãy nhớ rằng, mỗi một sai lầm hôm nay sẽ là kinh nghiệm trong tương lai giúp bạn hoàn thiện bản thân mình, thay vì mãi trách cứ bản thân, chi bằng hãy sửa chữa nó.
7. Đừng sợ phạm sai lầm mà không dám làm gì
Trong cuộc đời, để đạt được thành công, hỏi có mấy người là không từng trải qua sai lầm? Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng, đôi khi điều khiến bản thân hối hận “mãi không thôi” không phải làm một việc sai lầm, mà là không dám làm nó.
8. Đừng chuyên “thu hoạch” hạnh phúc từ người khác
Nếu như bạn luôn cảm thấy không thỏa mãn về chính bản thân mình thì đứng ở góc độ lâu dài mà xét, cho dù bạn ở chung với ai đi nữa, bạn cũng sẽ cảm thấy không vui vẻ. Cho nên, trước khi ở chung với người khác, bạn cần tự làm cho bản thân mình trở nên tốt đẹp. Người ta nói rằng, có yêu bản thân mình mới yêu được mọi người xung quanh!
9. Đừng đáp ứng hết nhu cầu của bản thân
Trong cuộc sống này, những thứ mà chúng ta ngày đêm mong muốn là vô cùng nhiều bởi vì dục vọng của con người gần như là vô tận. Tuy nhiên, những thứ mà thực sự khiến chúng ta thỏa mãn đôi khi lại rất ít và rất đơn giản như nụ cười, sự cho đi… Hãy tu tâm dưỡng thân để biết nhu cầu nào là cần thiết và nhu cầu nào là không.
10. Đừng quá cố chấp để tranh luận
Có rất nhiều người không nhận thức được rằng mình cũng có sai phạm, mà luôn hy vọng mình vĩnh viễn đúng. Thực tình là đã không biết rằng, điều này là rất nguy hiểm trong các mối quan hệ với người khác. Ngoài ra nó còn đem lại cho chúng ta và cả người khác áp lực và sự thống khổ lớn. Vì vậy, lúc mà bạn muốn vùi đầu mình vào để tranh luận đúng sai, hãy hỏi lại mình xem làm như vậy có thực sự tốt không? Nó thực sự đem lại lợi ích cho cả mình và người khác sao?
Lời dạy của thánh nhân
(Sưu tầm)
Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016
Hãy mỉm cười để có thêm hạnh phúc!
Có người hỏi tôi: sao cán bộ, công chức ở ta khi tiếp dân ít nói, ít cười?
Tôi cũng thấy vậy và suy luận, có thể do quá trình giáo dục đào tạo hoặc do có những khó khăn về kinh tế gia đình hoặc do áp lực công việc cho nên cán bộ, công chức ở ta rất ít nói, ít cười.
Thực ra, cười là một phản xạ tự nhiên của con người mà từ khi sinh ra ta đã biết cười, cười là cảm xúc mà chỉ con người mới có, cười thể hiện khi chúng ta vui vẻ, hạnh phúc, khi cuộc sống có nhiều điều thú vị.
Nụ cười là một món quà vô giá, nó tiếp thêm cho con người niềm tin, sức mạnh và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống và nó cũng là niềm hạnh phúc mỗi người.
Các nhà tâm lý học khuyên rằng:
- Mỉm cười đẹp hơn cái nhíu mày của chúng ta.
- Mỉm cười làm chúng ta vui vẻ thêm.
- Mỉm cười khiến ngày tháng chúng ta đã và sắp đi qua trở nên có ý nghĩa.
- Mỉm cười giúp ích đối với việc kết bạn.
- Mỉm cười biểu thị sự thân thiện, dễ gần.
- Mỉm cười tạo nên một ấn tượng tốt cho người khác.
- Mỉm cười với người khác, người khác cũng sẽ mỉm cười với bạ.
- Nếu bạn mỉm cười thì bạn càng trở nên tự tin và thu hút hơn.
- Nụ cười của bạn sẽ làm giảm bớt sự lo lắng của người khác
- Một nụ cười có thể giúp bạn có tình yêu đích thực
Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
TÔN GIÁO VÀ THẾ GIỚI CỦA TÔI
Triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma
41. Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tu viện; không cần triết học phức tạp. Bộ não và trái tim của chúng ta là chùa chiền của chúng ta; triết học là lòng tử tế.
42. Từ một góc nhìn, Phật giáo là một tôn giáo. Từ phương diện khác, Phật giáo là khoa học về tâm và không phải là tôn giáo. Phật giáo có thể là cây cầu giữa hai phương diện vừa nêu.
43. Tôi không muốn cải đạo người khác theo đạo Phật. Tất cả các tôn giáo lớn, khi hiểu một cách đúng đắn, đều có tiềm năng phục vụ cái tốt.
44. Năm tháng trôi đi, càng ngày tôi càng tin rằng, bỏ qua các dị biệt về triết lý, các tôn giáo có thể làm việc cùng nhau. Mỗi tôn giáo đều nhắm tới việc phục vụ nhân sinh. Vì thế, các tôn giáo khác nhau có thể làm việc cùng nhau để phục vụ nhân loại và đóng góp cho hòa bình thế giới.
45. Các bạn cũ ra đi, các bạn mới xuất hiện. Cũng giống như ngày tháng. Khi ngày cũ trôi qua, ngày mới lại đến. Điều quan trọng là hãy làm cho mọi thứ có ý nghĩa: một người bạn có ý nghĩa, hoặc một ngày có ý nghĩa.
46. Giúp đỡ tha nhân là cần thiết, không chỉ trong thời khóa cầu nguyện của ta, mà phải trong đời sống thường nhật. Khi ta nhận chân rằng chúng ta không thể giúp người khác thì điều tối thiểu ta có thể làm là dừng ngay các hành động thương tổn họ.
47. Chúng ta cần tự phê bình. [Chẳng hạn như] tôi đã làm được gì trong việc vượt qua giận dữ, chấp dính, hận thù, hãnh diện và ganh tỵ? Đây là những điều chúng ta cần kiểm tra trong đời sống thường nhật bằng kiến thức của lời Phật dạy..
48. Chủ nghĩa cực đoan là kinh hãi vì nó dựa trên cảm xúc thuần túy, hơn là sự thông minh. Nó ngăn tín đồ không thể suy tư với tư cách là các cá nhân và không vì lợi ích của thế giới.
49. Ngày nay, chúng ta thực sự là một gia đình toàn cầu. Những gì xảy ra trong một phần của thế giới có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Điều này dĩ nhiên không chỉ đúng với sự việc tiêu cực, mà còn đúng cả với các phát triển tích cực.
50. Ngày nay, chúng ta đối diện với nhiều vấn nạn. Vài vấn nạn do chính chúng ta tạo ra, do các phân biệt về ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc, tình trạng kinh tế, hoặc do các yếu tố khác. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ dưới góc độ sâu sắc hơn, dưới lăng kính con người, và từ góc độ này, chúng ta nên ghi nhận và tôn trọng tính tương đồng của người khác với tư cách là nhân loại.
Thích Nhật Từ dịch
Sưu tầm
VÌ MỘT THẾ GIỚI AN BÌNH
Triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma
31. Tha thứ không có nghĩa là quên đi tất cả những gì đã xảy ra. Nếu điều gì đó xảy ra quá nghiêm trọng thì bạn cần phải tiến hành các biện pháp đối phó. Bạn cần có các biện pháp đối phó.
32. Hạnh phúc đích thực có được từ sự biết hài lòng và hòa bình nội tại. Sự hài lòng và hòa bình nội tại chỉ có thể đạt được thông qua sự phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam.
33. Đã đến lúc cần giáo dục quần chúng ngừng lại các tranh cãi dưới danh nghĩa tôn giáo, văn hóa, quốc gia và các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Đấu tranh như thế là vô dụng và tự tử.
34. Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì chúng chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều trị tâm. Khi tâm trở thành sự thực tập, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.
35. Tôi cảm nhận rằng tinh hoa của thực tập tâm linh là thái độ của ta đối với tha nhân. Khi bạn có động cơ chân thành và trong sáng, lúc ấy bạn sẽ có thái độ đúng với tha nhân, trên nền tảng từ bi, tình thương và sự tôn trọng. Thực tập Phật pháp] sẽ mang lại cho bạn sự nhận thức rõ ràng về tính chân như của mỗi con người và tầm quan trọng của người khác, làm lợi lạc bởi các hành vi của bạn.
36. Tâm bồ-đề là dược liệu, có khả năng làm mới và cung cấp sự sống cho mỗi chúng sanh, những ai chỉ cần nghe đến nó. Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, lúc ấy các nhu cầu của bạn đang được hoàn thiện như một phó phẩm.
37. Từ bi không phải là một phản ứng cảm xúc, mà là sự cam kết chắc chắn được xây dựng trên lý trí. Do vậy, thái độ từ bi thực sự đối với tha nhân sẽ không thay đổi, ngay cả trong tình huống bị người khác ứng xử tiêu cực. Từ bi đích thực không dựa trên các đề án hay sự mong đợi, mà thực ra là dựa trên nhu cầu của tha nhân.
38. Các vấn nạn chúng ta đối diện ngày nay như xung đột bạo lực, sự hủy hoại thiên nhiên, nghèo đói v.v... đều là các vấn nạn do chính con người gây ra. Các vấn nạn cần được giải quyết bằng sự hiểu biết và nỗ lực của con người, cũng như sự phát triển ý thức về tình huynh đệ. Chúng ta cần phát huy tính trách nhiệm phổ quát vì nhau và vì hành tinh mà chúng ta đang chia sẻ.
39. Vì chúng ta chia sẻ hành tinh nhỏ bé này, chúng ta phải học cách sống hài hòa và hòa bình, vì nhau và vì thiên nhiên. Đó không phải là giấc mơ, mà là sự cần thiết. Chúng ta tương thuộc nhau bằng nhiều cách. Chúng ta đã không thể sống trong cộng đồng cô lập và không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ngoài cộng đồng. Chúng ta nên chia sẻ các may mắn mà chúng ta đang hưởng được.
40. Mặc dù tôi nhận ra rằng đạo Phật của tôi [có giá trị] giúp ta phát khởi tâm từ bi, ngay cả đối với những ai chúng ta xem là kẻ thù, tôi tin chắc rằng mọi người có thể phát triển thiện chí và ý thức trách nhiệm phổ quát, cùng với hay không cùng với tôn giáo.
Thích Nhật Từ dịch
Sưu tầm
HÃY TẬN HƯỞNG HẠNH PHÚC
Triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma
21. Mỗi ngày, khi thức dậy, bạn hãy nghĩ rằng hôm nay tôi may mắn còn sống, tôi có cuộc sống con người quý giá, tôi sẽ không phí phạm cuộc sống này.
22. Tâm con người giống như sự nhảy dù. Nó chỉ trở nên tốt đẹp nhất khi nó ở trạng thái mở bung ra.
23. Nếu bạn nghĩ rằng bạn quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt, hãy thử ngủ với loài muỗi [rồi bạn sẽ biết].
24. Cần ghi nhận rằng tình thương vĩ đại và các thành tựu to lớn thường dính líu đến các rũi ro lớn.
25. Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm tuột mất các giá trị mà bạn có.
26. Hãy nhớ rằng im lặng, thi thoảng, là câu trả lời tốt nhất.
27. Hạnh phúc con người và sự thỏa mãn con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi các thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc từ máy vi tính.
28. Thật cần thiết trong việc phát khởi thiện chí và thái độ tốt, càng nhiều càng tốt. Với thiện chí và thái độ tốt, hạnh phúc, ngắn hạn và dài hạn, cho chính ta và tha nhân sẽ hiện hữu.
29. Chúng ta cần hơn một chút nữa từ bi. Nếu chúng ta không thể có từ bi thì không có chính trị gia hay ảo thuật gia nào có thể cứu nguy hành tinh này.
30. Giới truyền thông cần có các lỗ mũi dài như con voi để ngửi thấy các chính trị gia, thị trưởng, thủ tướng và nhà kinh doanh. Chúng ta cần biết thực tại, cái tốt lẫn cái xấu, không đơn thuần chỉ là các biểu hiện bên ngoài.
Thích Nhật Từ dịch
Sưu tầm
LỜI VÀNG
Triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma
11- Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.
12- Tiềm năng con người vốn bằng nhau ở mỗi người. Cảm giác: “tôi không có giá trị” là sai lầm. Hoàn toàn sai lầm. Bạn đang lừa dối chính mình. Chúng ta có năng lực tư duy, do vậy, thử hỏi ta thiếu cái gì đây? Nếu ta có năng lực ý chí, bạn có thể thay đổi mọi thứ. Bạn có thể nói rằng: “Bạn là chủ nhân của chính bạn".
13- Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.
14- Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.
15- Khi con người còn sống, chúng ta phải nghĩ đến các thế hệ tương lai: Một môi trường sạch được xem là nhân quyền giống như bao quyền khác. Vì vậy, một phần trách nhiệm của chúng ta về người khác là đảm bảo rằng thế giới mà ta đang sống là khỏe mạnh, nếu không nói là khỏe mạnh hơn cái ta đã thấy.
16- Danh ngôn Tây Tạng có câu: “Bi kịch nên được sử dụng như nguồn sức mạnh”. Bất luận là khó khăn nào, kinh nghiệm đau khổ ra sao, nếu chúng ta đánh mất hy vọng thì đó là thảm họa đích thực.
17- Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là con người hay con vật, là để cống hiến, theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.
18- Cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó chứa đựng. Tương tự, người ngu không thể hiểu được trí tuệ của người khôn, dù cho có thân cận bậc thánh.
19- Trong cuộc chiến vì tự do, chân lý là vũ khí duy nhất mà chúng ta sở hữu.
20. Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh.
Thích Nhật Từ dịch
(Sưu tầm)
Hãy là người tử tế
Triết lý sống bình dị của Đức Đạt Lai Lạt Ma
1- Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta.
2- Nếu có thể, hãy giúp người khác. Nếu không có thể thì ít nhất không nên hại ai.
3- Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.
4- Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế.
5- Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời.
6- Thẩm quyền tuyệt đối luôn dựa vào lý trí và sự phân tích nghiêm túc.
7- Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người.
8- Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bình trong chính mình.
9- Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể trở nên tử tế.
10- Nếu bạn có sợ hãi về nỗi khổ niềm đau, bạn nên quan sát xem bạn có thể làm được gì với nó. Nếu bạn có thể, không có gì phải lo lắng về nó. Nếu bạn không thể làm được, lại càng không nên lo lắng về nó.
Thích Nhật Từ dịch
(Sưu tầm)
Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Người không tranh giành không phải người ngốc mà là người có phúc
Tiền nhiều tiền ít, đủ ăn là tốt rồi. Người xấu người đẹp, thuận mắt là được. Đây mới chính là hạnh phúc.
Con người ta một khi sống mà ánh mắt luôn nhìn “chằm chằm” vào người khác thì sống sẽ rất mệt mỏi! Sống trên đời, đừng nghĩ rằng mọi việc phải mang ra tranh đua cao thấp! Có một số thứ trong đời không phải là tranh mà có được, mà được cũng chưa hẳn là vui. Người khác có sự huy hoàng của họ, bạn cũng có sự tốt đẹp, sáng lạn của mình..
Thế giới đầy rẫy hỗn tạp, tranh chấp, cướp đoạt , đố kị , oán hận, mưu mô tựu chung cũng chỉ vì một chữ tranh. “Tranh nhau ngoài sáng, âm thầm đấu đá trong tối” tranh để có được lợi lớn nhất, từ lớn đến nhỏ, hôm nay tranh, ngày mai tranh, anh tranh , tôi tranh, tranh đến tranh đi gà bay chó sủa. Người ngã ngựa đổ, đến cuối cùng chở về với cát bụi, thoát khỏi hồng trần, chỉ còn lại lòng ích kỉ đố kị.
Nếu như nghĩ thoáng một chút, không tranh với đời, xem nhẹ được mất,hạ thấp mục tiêu xuống, xem nhẹ danh lợi ; biết suy nghĩ cho người khác… thì sống sẽ nhẹ nhàng hơn nhất nhiều. Trong cuộc sống có rất nhiều lý do để không tranh, nhưng chỉ vì dục vọng cá nhân như rắn núp trong bụi cỏ, không ngừng gặm nhấm trái tim con người.
Nếu như bớt tranh một chút, xem thấu sự vật thì mọi việc sẽ giản đơn , thì bạn sẽ thấy rằng, ai ai cũng bao dung, thế giới sẽ rộng lớn. Cũng chính vì lẽ đó, nụ cười sẽ rạng ngời, nắm tay vững bền, lễ phép với mọi người, sẽ chân thành hơn, nhiệt tình hơn, tình hữu nghị bền chặt, bạn bè nhiều lên, tình thâm ý dày, tràn ngập tình yêu và hạnh phúc.
Buông lơi, bình thản sống giữa đời người
1. Vợ chồng bất hòa vì tranh đúng sai
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên thấy cảnh người vợ không thuận lợi trong công việc liền mượn cớ phát sinh bực tức cáu giận với người chồng. Người chồng vì thể diện của bản thân mà trước mặt bạn bè, người ngoài sai khiến người vợ, người vợ không chịu được cảnh ấy và thế là mối quan hệ êm đẹp trở nên bất hòa…
Kỳ thực, khi người chồng trong gia đình có làm một chút việc sai trái mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn cục thì đừng so đo, tính toán chi li mà sinh ra bất hòa. Những khi ấy, nếu như có thể “một mắt nhắm, một mắt mở” mà bỏ qua thì bạn không phải là người yếu đuối, không có năng lực mà điều đó nói lên rằng, bạn là người khoan dung, độ lượng.
Khi người vợ không cẩn thận phạm phải sai lầm lớn, người chồng không cần phải nhục mạ, chỉ trích, thậm chí đánh mắng mà hãy thật lòng an ủi đối phương, ra sức tìm kiếm biện pháp giải quyết vấn đề. Đây không phải thể hiện ra bạn là người ủy khuất, nhu nhược mà thể hiện bạn là người chín chắn, vững vàng và bao dung.
Trên thế giới này, hai vợ chồng không phải mỗi người là 100%, mà mỗi người chính là một nửa, ghép lại thành 100% mà thôi! Hai người cùng nhau học cách đối diện với sai lầm của đối phương, giúp nhau hoàn thiện bản thân và tự hoàn thiện mình. Đã là một đôi, một cặp đâu cần phải tranh luận ai đúng ai sai để làm gì?
2. Bạn bè bất hòa vì tranh cao thấp
Bạn bè đến với nhau là bởi vì có duyên mà ngàn dặm mới quen nhau, vì chí hướng hợp nhau mới hiểu nhau. Người xưa có câu: “Vàng bạc dễ được, tri kỷ khó tìm”, cho nên đừng bao giờ tranh cao thấp với bạn bè.
Có thể công việc của chúng ta không cao sang bằng của bạn, đơn vị công tác không nổi danh như của bạn nhưng phải nhớ rằng, công việc là không có phân chia cao thấp, lao động là không có phân biệt giá trị. Có thể làm tốt công việc bằng chính sức lao động của bản thân mình thì chúng ta cũng đã được xem là một chuyên gia rồi!
Có thể nhà chúng ta ở diện tích không rộng, giá cả không đắt bằng nhà của bạn. Nhưng suy cho cùng cũng đâu có vấn đề gì? Sự ấm áp trong căn nhà không phải được quyết định bằng diện tích lớn hay nhỏ, đắt hay rẻ mà nơi nào có sự yêu thương thì nơi đó sẽ là tổ ấm!
Trong xã hội ngày nay, người ta thường cho rằng những người không biết tranh giành lợi ích, địa vị, tiền tài vật chất thì là người ngốc, si đần. Nhưng người xưa tin rằng, những thứ mà con người đạt được trong đời này là do phúc báo của họ mà có, tranh giành chỉ làm tổn hại đến người khác và tổn đức của bản thân mà thôi. Một khi tấm lòng rộng mở hơn thì bạn bè phú quý cũng sẽ nhiều hơn!
Tâm nhàn là phúc khí tốt nhất của đời người. Người không tranh sẽ tự nhiên ung dung, thản đãng. Người không so đo, tính toán sẽ thường tự nhiên mà vui vẻ, khoái hoạt.
Chúng ta từng so đo rồi nhận được sự trả giá, đến cuối cùng mới hiểu được rằng hết thảy những gì đến rồi cũng sẽ đi, chỉ có thể lưu lại một khoảng không hư danh mà thôi! Cho nên, so đo, tính toán, tranh giành để làm gì?
(Theo PHUNUTODAY)
Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016
Lời nói từ tâm
Người bệnh, ngoài việc điều trị từ bác sĩ, chế độ ăn uống bồi dưỡng, rất cần sự quan tâm, thăm hỏi, động viên, chia sẻ từ người thân, bạn bè. Một ánh mắt, một nụ cười, một vẻ mặt thành tâm cũng nói lên rất nhiều điều giúp bệnh nhân có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua cơn đau.
Mấy ngày nay, tôi bị đau lưng do thoát vị đĩa điệm, nên đi lại rất khó khăn. Để bớt đau, tôi thường nằm nghỉ ngơi. Có lần, vừa đi học (mẫu giáo) về, chạy nhanh vào phòng hởi tôi: “ông Ẩm ơi, ông Ẩm hết đau lưng chưa ?”
Một câu nói ngay thơ của cháu, làm tôi vô cùng xúc động, mọi cơn đau dường như biến mất, bởi đây là lời nói từ tâm của cháu tôi (tôi biết không ai bảo cháu nói lời đó).
Đối với người thân, bạn bè, sự thăm hỏi kịp thời, một lời động viên chân thành bao giờ và luôn luôn là một nghĩa cử bình dị nhưng có nghĩa, có tình, là thái độ ứng xử đẹp trong mối quan hệ giữa người và người.
Cũng cần lưu ý, lời ăn, tiếng nói, cử chỉ khi hỏi thăm bệnh không nên khách sáo, không như ban ơn cũng không là quyền lực, quan trọng ở sự thành tâm.
Trần Thành Lập
Viết cho con
Cần Thơ, ngày 30 tháng 06 năm 2016
Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016
Chúng tôi có một đại gia đình
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có gia đình và có một quê hương để mà thương mà nhớ. Nơi ấy là nơi ta cất tiếng khóc chào đời có nhiều kỷ niệm của tuổi thơ với biết bao niềm vui, nổi buồn cho đến khi trưởng thành.
Tôi cũng sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo, nghèo lắm. Tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Chị em tôi phải thức khuya, dậy sớm để đi cấy đổi lấy công cày, dù rôm sảy đầy mình, trời lạnh đến thấu xương!
Tuổi thơ tôi lớn lên bằng hơi ấm của ba, bằng tình thương của má! Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được ba má dạy rằng: chị em các con phải biết thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống.
Từ lúc còn bé xíu xiu, tôi rất yêu cái cảm giác được cùng gia đình quây quần bên mâm cơm bốc khói, vừa thưởng thức những hương vị thơm ngon của món canh chua cá lóc do má nấu. Ăn canh chua cá lóc, nhấm nháp vị chua đặc trưng của me hòa lẫn vị thơm thơm bùi bùi của thịt cá lóc, vị thơm ngọt ngào của rau thơm, rau quế, vị mặn mà của nước mắm nguyên chất của quê hương.
Những ngày Tết, tôi thích nhất là nồi thịt kho với hột vịt do má nấu. Thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ, nước thịt trong ngần vương lớp mỡ trong veo, miếng thịt thơm, mềm mà không ngấy mới ngon. Nồi thịt kho ngon để nửa tháng vẫn còn thơm lừng. Món này ăn với cơm trắng và dưa giá rất ngon.
Khi trưởng thành, dù mỗi người mỗi nơi, nhưng năm nào cùng vậy, cứ ngày mùng một Tết là anh chị em chúng tôi về nhà để đón Tết cùng ba má. Con cháu về đông đủ, má tôi mừng ra mặt. Ngày Tết là ngày ba má, gia đình tôi vui vẻ nhất. Các anh, chị, em chúng tôi đều tề tựu đông đủ để vui Xuân, đón Tết cùng gia đình.
Hạnh phúc nhất, vui vẻ nhất trong những ngày Tết có lẽ là được ông bà, ba má lì xì, chúc phúc̀. Rồi các cháu, các con xúm lại quanh ba má tôi để mừng tuổi ông bà. Niềm hân hoan, niềm vui lúc này dâng trào nơi khoé mắt má tôi.
Có nỗi nhớ nào hơn là nỗi nhớ nhà, nhớ ba, nhớ má. 16 năm rồi, lúc đó tôi không còn nhỏ, đủ để hiểu mất mát ấy lớn thế nào! Đến nay, tôi vẫn chưa tin rằng, gia đình mình đã vĩnh viễn mất Ba!
Có những đêm dài thèm nghe lời ru của má, những lời ru nghe mộc mạc nhưng thiết tha, tình cảm cũng như chính cuộc đời của má quanh năm lam lũ, tảo tần hy sinh cho chồng, cho con... Nhưng đã 6 năm rồi gia đình mình vắng má. Không ai tin là má đã đi xa…!
Nhưng nhờ ơn đức của má ba, chúng tôi còn có một gia đình, một đại gia đình. Ở đây có anh, có chị, các em, các cháu. Đây vừa là cái nôi, vừa là mái ấm, vừa là trường học cho mọi thành viên trong đại gia đình.
Theo lối sinh hoạt đã thành thông lệ, mỗi tuần gặp gỡ nhau vào thứ bảy và chủ nhật, Đây cũng là dịp sum họp gia đình, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn, vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách. Đây là truyền thống của gia đình tôi!
Thèm lắm được một lần trở về với gia đình tuổi thơ, nơi đó có hơi ấm của ba, có tình thương của má, có tiếng cười đùa của chị em tôi!
Viết nhân Ngày Gia đình Việt Nam
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 27 tháng 06 năm 2016
Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016
Hồ sơ Biển Đông: Chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Theo báo Philippines, ngày 7 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) có thể sẽ đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò trên Biển Đông và sẽ có tác động đến các bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam.
Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng tình huống mới đó sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam vận động quốc tế chống lại ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.
“Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để phá vỡ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.”
Trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc, nhiều tổ chức quốc tế đã chính thức lên tiếng phản đối ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.
Kết thúc hai ngày hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản ngày 27 tháng 5 năm 2016, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập đến vấn đề an ninh hàng hải.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.
“Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền”, tuyên bố nhấn mạnh.
Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố thống nhất quan điểm với Mỹ về cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Đại diện thường trực của Pháp ở cộng đồng Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Pháp sẽ hành động khi Trung Quốc vượt ranh giới".
Tại hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ngày 14 tháng 6 năm 2016, các ngoại trưởng ASEAN khẳng định : « Chúng ta không thể bỏ qua những diễn biến trên Biển Đông vì điều đó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc ».
Các nước trong khu vực từ Philippines, Singapore, Indonesia đến Việt Nam, và nhiều quốc gia khác, từ Mỹ, Nhật, Úc, cho đến Đức, Pháp, tất cả đều đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt những hoạt động gây hấn trên Biển Đông và phải tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Trong khi đó, giới học giả cũng chia sẻ nhiều ý kiến về việc đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án quốc tế. Các hãng thông tấn, các tập đoàn truyền thông thế giới đã tỏ rõ thái độ, lên án mạnh mẽ trước sự leo thang và xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực vận động của Trung Quốc một vài quốc gia, nhất là Nga một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết, ủng hộ lập trường của họ tại Biển Đông.
Theo đó, hãng thông tấn Nga Itar TASS ngày 21 tháng 6 năm 2016 dẫn lời ông Denisov nói với báo chí rằng, những cáo buộc Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không có cơ sở thực tế.
Ngày 21 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không ủng hộ phán quyết của PCA.
"Đây không phải là vấn đề về luật pháp, nó hoàn toàn về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa", AFP hôm qua dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.
Trước đó, Báo Nikkei của Nhật Bản, ngày 29 tháng 5 năm 2016, tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông
Tuy nhiên, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng: “Việt Nam cần phải nói đó là vấn đề an ninh khu vực và thế giới, không phải song phương. Trung Quốc lấy đảo của Việt Nam, giết người Việt Nam đúng là dính đến Việt Nam nhưng bây giờ là vấn đề quốc tế.”
“Nếu Việt Nam đưa lý luận này ra trước quốc tế thì theo tôi nghĩ không những được sự ủng hộ của thế giới mà còn làm cho sự manh động của Trung Quốc cũng bớt đi.” RFI dẫn lời giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Nhiều chuyên gia cho rằng lời nói và việc làm của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với nhau và từ đặc trưng của quan hệ láng giềng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chúng ta nên tranh thủ sự đoàn kết khu vực và quốc tế mới có thể chặn đứng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Vì chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 25 tháng 06 năm 2016
Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Quan hệ láng giềng và lợi ích Quốc gia
Khi tôi viết bài “Hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần” đăng trên mạng xã hội, có không ít ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho rằng, quan hệ tốt với hàng xóm, láng giềng là một lối sống tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa nay. Đó là tình làng nghĩa xóm, là truyền thống đoàn kết, là tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng.
Không ít người thì cho rằng, ngày nay để giữ được mối quan hệ “bình thường” với hàng xóm, láng giềng điều không đơn giản. Mình muốn tốt nhưng người ta không muốn, đôi khi chỉ vì một chút quyền lợi mà cãi cọ, bất hòa, tranh chấp, kiện tụng…
Gần đây, trong quan hệ ngoại giao, người ta thường dùng từ “láng giềng” để nói lên mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, gắn kết giữa các nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã khái quát thành phương châm “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng đặc biệt, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ láng giềng truyền thống lâu đời. Có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…
Ngày 28 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về "tầm nhìn châu Á" đã nhắc lại câu tục ngữ "bán anh em xa, mua láng giềng gần".
Nhưng muốn xây dựng quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí, đối tác tốt, điều quyết định không phải là lời nói, là khẩu hiệu mà cần phải hành động trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cần có độ tin cậy nhất định.
Sáng ngày 6 tháng 11 năm 2015, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Người thân thì mong người thân tốt, láng giềng thì mong láng giềng tốt. Đã là láng giềng khó tránh xảy ra va chạm, nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục hai nước".
Đặc trưng của quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử bang giao hai nước.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam nói ở Paris, “Trong lần tụi tôi dự hội thảo về biển Đông nhưng đã nói rằng Việt Nam và Trung Quốc giờ muốn đổi lại hàng xóm thì đâu có được. Mình không thể thay đổi thực trạng là Việt Nam có một hàng xóm như là Trung Quốc. " Dĩ nhiên, với lịch sử của hàng nghàn năm nay, người Việt Nam biết Trung Quốc như thế nào rồi.”
Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Cổ đại cho đến nay, từ các triều đại phong kiến phương Bắc cho đến nay không triều đại nào lại không đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Họ đã bằng mọi cách, dốc toàn lực để chống phá, thậm chí còn lôi kéo, kích động các nước láng giềng phối hợp với họ để chống phá Việt Nam.
Đặc biệt, gần đây cộng đồng quốc tế đang bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông.
Tiếp xúc cử tri ngày 01 tháng 7 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc, “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.
Tổng bí thư chia sẻ: “Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là việc khó.
Thật vậy, xuất phát từ truyền thống đoàn kết, hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, như:"Dĩ hòa vi quý", "Một điều nhịn, chín điều lành", "Chín bỏ làm mười"… hay thói quen của cộng đồng trong việc giải quyết tranh chấp là không muốn đưa các tranh chấp ra trước các cơ quan tài phán để phán xử như: "Vô phúc đáo tụng đình", vì không muốn "Vạch áo cho người xem lưng" mà chủ yếu là "đóng cửa bảo nhau".
Nhưng Tổng bí thư cũng chỉ ra: “Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...”
“Đây là việc khó khăn, ta phải kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, sai một ly đi một dặm, mặt nào không tốt đều ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển đất nước”.
Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh: "đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý, không mong muốn chiến tranh, xung đột xảy ra nhưng phải chuẩn bị tất cả mọi phản ứng."
Sắp tới đây, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) sẽ đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò trên Biển Đông và sẽ có tác động đến các bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), với tư cách là một nước có lãnh thổ và bờ biển dài nhất, tức là có vùng đặc quyền kinh tế rộng nhất trong khu vực, cộng thêm với thực tế là nước chiếm hữu nhiều thực thể địa lý nhất ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc mình.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long khẳng định: “Phán quyết của Tòa Án Thường Trực lần này nếu định nghĩa rõ ràng là yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở luật pháp và Trung Quốc không được dùng cái “chủ quyền có tự ngàn xưa” này để cản trở lưu thông trên biển và trên không trong khu vực Biển Đông, thì ảnh hưởng sẽ rất tích cực đối với Việt Nam.”
Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Báo Nikkei của Nhật Bản hôm qua, ngày 29 tháng 5 năm 2016 tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông.
Asia Nikkei Review dẫn lời ông Thongloun nói :“Trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ dồn mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho đối thoại tích cực giữa các nước liên quan.”
Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Thời buổi này, ai cũng phải nghĩ đến lợi ích quốc gia dân tộc mình, nên tạo sự ủng hộ của quốc tế cũng cần thực chất, thực lòng.”
Nhưng theo Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong: “nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 01 tháng 06 năm 2016
Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016
Những tràng vỗ tay vang xa hơn nhiều tiếng đại bác
Tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu kéo dài nửa giờ trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng ngàn người. Ông rời đi trong tiếng nhạc rộn ràng của một ca khúc về VN tươi đẹp.
Tổng thống Obama đã đến trong tiếng vỗ tay vang dội của cử tọa.
Ông lên ngay bục phát biểu và mở đầu bằng lời chào tiếng Việt: "Xin chào, xin chào Việt Nam!!!" và liên tục nói cảm ơn.
“Cám ơn những người trẻ tuổi, đại diện cho sự năng động của VN, đã đến đây.”
“Tối qua tôi đã ăn thử bún chả và uống bia Hà Nội. Nhưng phố phường HN đông như thế, tôi chưa từng thấy. Tôi chưa dám qua đường. Có lẽ lần sau trở lại, các bạn sẽ dạy tôi.”
"Không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN"
Tổng thống Obama dẫn "Nam quốc sơn hà" nổi tiếng của Lý Thường Kiệt trong bài phát biểu ở Trung tâm hội nghị quốc gia: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời.”
“Khi VN độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Không may, chiến tranh Lạnh và sự sợ hãi chủ nghĩa cộng sản đã khiến lịch sử hai nước đớn đau. Ở hai nước, gia đình các cựu chiến binh vẫn còn đau đớn vì những người thân đã mất.”
“Người dân hai nước đang gần nhau hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, du học sinh, khách du lịch đều tăng lên. Như nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát có lời: "Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người".
“Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. VN là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN.”
“Từ thơ Nguyễn Du, triết học Phan Chu Trinh, toán học Ngô Bảo Châu đều có thể đem ra thế giới. Ở VN và trên thế giới, phụ nữ sẽ có cơ hội phát triển, những phụ nữ là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.”
“Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ.”
“Hai nước đã từng chiến tranh, giờ chúng ta lại cùng nhau gìn giữ hòa bình thế giới. Mọi việc không phải sau một đêm là có. Có những khó khăn, thụt lùi. Nhưng tôi đứng đây, trước các bạn, rất lạc quan về tương lai của hai nước.”
“Như Trịnh Công Sơn đã viết "Nối vòng tay lớn", người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau. Một bác sĩ Việt kiều đã nói với tôi rằng ông đã thực hiện được giấc mơ Mỹ, ông tự hào là người Mỹ và cũng tự hào là người VN. Hôm nay ông có mặt ở đây để trở về giúp đỡ VN.”
“Thế hệ trẻ VN có cơ hội để phát triển đất nước, Hoa Kỳ ở đây để giúp đỡ các bạn, luôn bên các bạn. Sau này khi các bạn cùng người trẻ Mỹ hợp tác, các bạn sẽ nhớ phút này, tôi đứng ở đây.”
Khép lại bài phát biểu trước hàng ngàn người ở Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đọc hai câu Kiều như khẳng định lòng tin: "Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”.
(Trích nguồn VietNamNet ngày 24/5/2016)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trước khi lên chuyên cơ rời Việt Nam vào đầu giờ chiều 25-5, Tổng thống Barack Obama đặt tay lên trái tim mình và nói: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế”.
(Nguồn Báo NLĐ ngày 25/5/2016)
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 28 tháng 05 năm 2016
Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016
Chuyến thăm khẳng định lòng tin
Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Việt Nam ngày 25/5/2016, nhưng dư âm của chuyến thăm được coi là lịch sử này vẫn còn.
Báo chí Việt Nam và quốc tế vẫn tiếp tục đăng tải các bài bình luận liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, trong khi trên các trang mạng xã hội, hình ảnh cũng như video về ông Obama vẫn xuất hiện dày đặc.
Xét về động cơ cũng như mục đích, các nhà phân tích chính trị, các học giả, các nhà báo và dư luận xã hội … đã đưa ra nhiều phân tích, nhận định, bình luận và dự báo về nhiều vấn đề liên quan đến chuyến thăm từ nhiều góc độ khác nhau, với những đánh giá khác nhau.
Tuy nhiên, đa số trên các phương tiện truyền thông đều xem chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có tầm quan trọng đặc biệt, một sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao thông thường, đây là chuyến thăm khẳng định niềm tin của quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ,
Đài BBC Việt ngữ hôm 3-5 dẫn nhận định của bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) nói rằng “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, vì nó đến vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Mỹ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau.”
Bà Phương Nguyễn nói tiếp: “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, vì nó đến vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Mỹ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”.
Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, Murray Hiebert cho biết: “Trong chuyến thăm, Tổng thống Obama sẽ tập trung xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai, xây dựng lòng tin, tạo lập một khuôn khổ nhằm duy trì sự tham gia của Mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau như hiện nay.”
Nói về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu phê chuẩn và thực thi bởi tất cả các thành viên, bà Phương Nguyễn cho rằng đây sẽ là “cú hích” quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ – Việt: “Hiện tại, Mỹ mới chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Có sự mất cân bằng nhất định trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, do chủ yếu chỉ có hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. TPP sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm của Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, TPP hứa hẹn sẽ giúp những công ty khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận thị trường và doanh nghiệp Mỹ”.
TPP sẽ giúp các công ty nhỏ của Việt Nam vươn ra khỏi tầm khu vực và trở thành thương hiệu tên tuổi của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá về những cơ hội hợp tác kinh tế được mở ra sau chuyến thăm:
“Đáng chú ý nhất là hai bên nhất trí cao lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tập trung hợp tác nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu.”
“Tổng thống khẳng định quyết tâm thúc đẩy quốc hội thông qua TPP trong năm 2016; tiếp tục mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa Việt Nam; xem xét thuận lợi việc nhập xoài, vú sữa.”
(Nguồn Báo NLĐ ngày 25/5/2016)
Người dân chào đón Tổng thống Obama. Ước tính hàng chục nghìn người đứng dọc theo các con phố, giương cao cờ Việt – Mỹ, và mang theo các biểu ngữ như “Welcome Obama. Chúng tôi yêu bạn "(Chào mừng Ong Obama. We yêu quý ông). We love you,” (Chào mừng ông Obama. Chúng tôi yêu quý ông).
Tổng thống Barack Obama khích lệ tuổi trẻ Việt Nam. Ông nói:
“Mỗi khi công du khắp thế giới, nhiệm vụ của tôi là gặp lãnh đạo các nước. Điều này rất quan trọng. Nhưng một trong những phần thú vị trong các chuyến công du là ra khỏi các văn phòng chính phủ và dành thời gian với các bạn trẻ giống như các bạn ở đây”.
“Những dịp như thế này thật thú vị, giúp tôi lạc quan về tương lai vì các bạn luôn tràn đầy năng lượng và luôn nỗ lực mong muốn đưa khu vực lên tầm cao mới. Các bạn khiến tôi tràn trề hi vọng về tương lai ASEAN và tương lai của thế giới”, ông Obama nói.
Khép lại bài phát biểu trước hàng ngàn người ở Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đọc hai câu Kiều như khẳng định lòng tin: "Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trước khi lên chuyên cơ rời Việt Nam vào đầu giờ chiều 25-5, Tổng thống Barack Obama đặt tay lên trái tim mình và nói: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế”.
(Nguồn Báo NLĐ ngày 25/5/2016)
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 28 tháng 05 năm 2016
Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016
Ký ức về một thời lưu học sinh tại Liên bang Xô viết
Năm 1979 tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa, tôi thi vào Trường Đại Học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tự tin với kiến thức và hài lòng với bài thi của mình.
Sau một thời gian, bạn bè đều đã nhận giấy báo trúng tuyển. Tôi thì không. Chờ đợi, lo lắng! Rớt sao? Vô lý! Ngày lại qua, tuần lại qua, tôi vẫn tiếp tục chờ. Gần như không còn hy vọng, thì bất ngờ, tôi nhận giấy báo nhập học. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc!
Thế là tôi chính thức trở thành sinh viên Trường Đại Học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Lại còn được Ban Giám hiệu Trường chỉ định làm lớp trưởng.
Một năm học rất vất vã cũng qua đi. Với kết quả tốt khá toàn diện, tôi được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chọn đưa đi du học ở Liên Xô. Đây là niềm tự hào, vinh dự của gia đình và quê hương tôi.
Trước khi đi du học, chúng tôi phải học tiếng Nga một năm ở Trường Đại học ngoại ngữ 97 Võ Văn Tần, thành phố Hồ Chí Minh. Trong số du học sinh có nhiều người như tôi là sinh viên xuất sắc năm thứ nhất từ các trường đại học.
Vượt qua biết bao khó khăn, vất vã, tinh thần học tập của chúng tôi ngày đó rất sôi nỗi, khẩn trương, cuối cùng chúng tôi cũng đạt được trình độ tiếng Nga để đi du học.
Những năm đó đi du học khó lắm. Lý lịch bản thân và gia đình tôi rất tốt. Chỉ có điều tôi mang họ Trần, nên cơ quan chức năng phải xác minh nhiều nơi để làm hồ sơ cấp hộ chiếu. Do đó, đến đầu tháng 10 tôi mới được bay sang thủ đô Moscow (trể hơn bạn bè gần một tháng).
Thế là cuộc đời bắt đầu chuyển sang một bước ngoặt mới. Tạm biệt quê hương, tạm biệt người thân, phải nén lòng nhớ má, nhớ ba, nhớ người thân, nhớ bạn bè để lo cho sự học.
Chiếc máy bay IL 86 của Hãng hàng không quốc gia Aeroflot Xô Viết chở chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế She-re-men-che-vơ Moscow vào sáng mùa thu khi những cánh rừng bạch dương đã ngã sang màu vàng tuyệt đẹp.
Đúng là mùa thu vàng! Thiên nhiên đã ban tặng cho Moscow mùa thu vàng tuyệt diệu khiến những ai đã đi qua nơi đây phải lay động, thổn thức tâm hồn.
Đại diện Ban quản lý lưu học sinh đón chúng tôi từ sân bay về ký túc xá Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov Moscow. Chúng tôi, những lưu học sinh lại phải trải qua một năm đào tạo về ngôn ngữ, gọi là năm học dự bị ở Moscow.
Trong năm học này các lưu học sinh được học theo một chương trình đào tạo đặc biệt để có thể nắm bắt được ngôn ngữ đứng thứ ba về độ khó so với các ngôn ngữ khác.
Thời gian đầu tiếp xúc với người Nga và được học chung với các bạn sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới, tôi mới hiểu được sự hạn chế về mặt ngoại ngữ của mình.
Nhờ cần cù, chịu khó nên khả năng độc tài liệu, viết bài thu hoạch thì tạm được, nhưng kỹ năng nghe và phát biểu bằng tiếng Nga thì quả là một vấn đề lớn đối với tôi, do không có năng khiếu học ngoại ngữ và bởi đặc trưng ngôn ngữ đơn âm của tiếng Việt.
Tôi thật sự cảm thấy thất vọng và bi quan, nhưng nhờ được thầy cô giáo giúp đỡ hết sức nhiệt tình và vô tư không chỉ trong truyền thụ kiến thức mà cả trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn ở, đi lại, học hành nên chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua, lấy lại được sự tự tin và niềm đam mê trong học tập.
Từ một sinh viên chưa biết tiếng Nga, sau một năm học tập, tôi đã có thể nghe, nói được kha khá và sau học kỳ đầu của năm thứ nhất đã có thể phần nào theo được chương trình học đại học cùng với sinh viên các nước.
Học tiếng Nga, sống cùng các bạn Nga, tôi càng hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa các dân tộc thuộc Liên bang Xô Viết.
Từ những ngày đầu tiên tôi đã bắt gặp những ánh mắt, nụ cười thánh thiện, nhân hậu của người dân Xô Viết; được sống êm đềm, vui vẻ trong tình thương yêu của thầy cô.
Moscow đẹp lắm! ngăn nắp, sạch sẽ và hiện đại! Tôi đã có dịp đến thăm những công trình kiến trúc nỗi tiếng thế giới như: Quảng Trường Đỏ, Điện Kremli, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, tháp truyền hình Octankino, khu triển lãm kinh tế quốc dân, đồi Lê Nin, tàu điện ngầm, những tòa nhà chọc trời, những công viên rộng lớn rợp bóng cây xanh. Con sông Moscow quanh co uốn lượn giữa lòng thủ đô như làm tăng thêm vẽ đẹp thơ mộng của Moscow.
Sau một năm học dự bị, lưu học sinh chúng tôi bắt đầu vào học năm thứ nhất cùng với sinh viên các nước tại Trường Đại học Tổng Hợp Leningrat. Đây thật sự là một trong những giai đoạn khó khăn nhất cần phải vượt qua.
Thành phố Leningrat rất rộng và từng là thủ đô của nước Nga, có nhiều di tích lịch sử đẹp nổi tiếng thế giới như Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè, Bảo tàng Puskin, Chiến hạm Rạng Đông, mà tôi cũng đã có dịp đến thăm đôi lần!
Lưu học sinh Việt Nam thời đó không chỉ được học tiếng Nga, khoa học xã hội, khoa học cơ bản, khoa học quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến mà còn hiểu sâu sắc về nền văn hóa, lịch sử về đất nước và con người Nga với biết bao chiến công oai hùng trong lịch sử.
Tôi thích tham gia các buổi seminar, vì mọi người góp ý rất nhiều, đặt câu hỏi, nhận xét, tranh luận. Nhất là các buổi seminar có liên quan đến Học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin; hay các chủ đề có liên quan đến kinh tế kế hoạch (còn được gọi là nền kinh tế kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế chỉ huy) hay là kinh tế phi kế hoạch. Từ cơ sở khoa học và thực tiễn, cả thầy và trò tranh luận sôi nổi, quyết liệt.
Lưu học sinh Việt Nam thời đó được các trường đại học Liên Xô cho hưởng chế độ học bổng 90 rúp/tháng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và toàn tâm cho việc học tập.
Nhưng vào các dip hè hoặc nghỉ đông, tôi tranh thủ đi làm thêm, có khi làm cả ca hai, ca ba với thời tiết có lúc –35 độ C, để vừa thực hành hoàn hảo những kiến thức, kỹ năng đã được học ở nhà trường, vừa có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình.
Học hành và thi cử cũng lắm bận, nhiều phen, cố gắng vượt qua được những lần thi thố khó khăn, vất vã bằng tiếng người, ở xứ người, và rồi cũng cập bến bờ của sự thành công trong học tập!
Sáu năm là lưu học sinh Việt Nam được sống và học tập ở Liên Xô. Tôi đã rất tự hào về một Liên bang Xô Viết thịnh vượng, là thành trì của hòa bình thế giới…
Những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội… đã để lại làm nền tảng vững chắc cho những bước phát triển mạnh mẽ của nước Nga hiện nay và cả mai sau.
Tôi luôn cảm nhận rằng đất nước Liên Xô rất vĩ đại, đất nước Nga ngày nay cũng vậy. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, nước Nga vẫn đứng vững và phát triển.
Tôi rất khâm phục tinh thần yêu nước của nhân dân Nga, ý chí và lòng tự tôn dân tộc, kiên cường vượt mọi khó khăn, thử thách.
Bà mẹ Nga cũng giống như mẹ Việt Nam, hiền lành, đôn hậu, nhân ái, sẵn sàng sẻ chia mẩu bánh cuối cùng của mình cho bạn bè trong lúc khó khăn.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn đau đáu về nước Nga, về Bà mẹ Nga - Đó là vì ở trên đất Liên Xô khi ấy tôi đã được sống, được học, được bao bọc trong tấm lòng nhân hậu của người Nga, được nhận tình cảm nồng ấm từ bạn bè, và trong sự dạy dỗ của thầy cô.
Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy cô giáo, cảm ơn đất nước Nga, Bà mẹ Nga!
Trần Thành Lập
Viết nhân 30 năm, ngày tốt nghiệp Đại học. Tạm biệt Trường Đại học Tổng Hợp Leningrat.
Cần Thơ, ngày 28 tháng 05 năm 2016
Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016
Hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần
Ngày xưa, má tôi thường nói: “Anh em xa, không bằng láng giềng gần”. Đúng vậy, quan hệ láng giềng - cần thiết lắm, hệ trọng lắm. Bởi đó là mối quan hệ gần gũi, gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, thân tộc, mà cao hơn là sự gắn kết cộng đồng hàng xóm láng giềng.
Trong cấu trúc làng xã truyền thống ở Việt Nam, hàng xóm láng giềng là một nhóm gia đình có mối quan hệ trong khu vực cư trú, nó rất gần gũi, thân thuộc. Đó là tình làng nghĩa xóm, là truyền thống đoàn kết, là tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng, đã khẳng định giá trị nhân văn trường tồn từ bao đời nay.
Chính vì vậy, mà từ rất xa xưa, ông cha ta đã sớm xây dựng những thỏa thuận, những Quy ước nhằm thống nhất hóa, chuẩn hóa các mối quan hệ xã hội. Nhờ thế mà tránh được những va chạm, mâu thuẫn; củng cố thêm mối quan hệ tốt đẹp hàng xóm, láng giềng.
Gần đây, trong quan hệ ngoại giao, người ta thường dùng từ “láng giềng” để nói lên mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, gắn kết giữa các nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã khái quát thành phương châm “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ láng giềng truyền thống lâu đời. Có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…
Ngày 28 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về "tầm nhìn châu Á" đã nhắc lại câu tục ngữ "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, các đại dương của châu Á phải trở thành vùng biển hòa bình, đồng thời ông kêu gọi hợp tác an ninh chung toàn diện cho một châu Á bền vững.
Phát biểu tại tọa đàm hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung tại Lạng Sơn, Thượng tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng nhắc lại: “Anh em xa, không bằng láng giềng gần”
Đặc trưng của quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử bang giao hai nước.
Nhưng muốn xây dựng quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí, đối tác tốt, điều quyết định không phải là lời nói, là khẩu hiệu mà cần phải hành động trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cần có độ tin cậy nhất định.
Thực ra, ngay từ năm 1965, trong cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore … Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản …” (theo sách Sự thật về quan hệ Việt – Trung, của NXB Sự Thật).
Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Cổ đại cho đến nay, từ các triều đại phong kiến phương Bắc cho đến nay không triều đại nào lại không đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Họ đã dốc toàn lực để chống phá, thậm chí còn kích động các láng giềng đem lực lượng phối hợp với họ để chốnǵ phá Việt Nam.
Những cuộc xâm lược đó được biết đến từ những truyền thuyết xa xưa, như truyền thuyết thời Hồng Bàng, quốc gia Văn Lang của Hùng Vương phải phòng vệ trước sự xâm lược của nhà Ân.
Năm 207 TCN, Tần Thủy Hoàng sai Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương, dẫn đến hơn 1.000 năm Bắc thuộc.
Mãi đến năm 938 khi Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân ta đánh bại giặc Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc Thuộc, mở đầu thời kỳ độc lập.
Một lần nữa người Việt giành được độc lập, tự chủ cho mình, nhưng tham vọng thôn tính của phương Bắc Trung Quốc không chấm dứt trong suốt hơn 1.000 năm tiếp theo, cho đến hiện tại, ông cha ta tiếp tục đứng lên chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược từ Nhà Tống, Nhà Nguyên, Nhà Minh, Nhà Thanh cho đến thời cận hiện đại.
Thật vậy, ngày 19 tháng 01 năm 1974, lợi dụng tình hình ở miền Nam Việt Nam và thế giới, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc bắt 49 lính hải quân Việt Nam Cộng hòa làm tù binh. Sau trận hải chiến đó,Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho đến nay.
Ngày 17 tháng 02 năm 1979, Trung Quốc huy động hàng chục sư đoàn bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam với tuyên bố đầy tính giang hồ của Đặng Tiểu Bình là để "dạy cho Việt Nam một bài học". Cuộc chiến ấy kéo dài chỉ ba tuần nhưng khoảng 30.000 người Việt thiệt mạng, một số địa phương biên giới phía bắc Việt Nam gần như bị hủy diệt hoàn toàn.
Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 9 tàu chiến hải quân Trung Quốc có trang bị pháo hạm và lính thủy đánh bộ bất ngờ tấn công 3 tàu vận tải chở công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Trung Quốc đã bắn chìm 3 tàu vận tải và giết chết 64 chiến sĩ Việt Nam.
Ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam. Đây là một bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.
Chưa dừng ở đó, ngay đầu năm, ngày 02 tháng 01 năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Và mới đây, Trung Quốc lại triển khai hỏa tiễn ở Hoàng Sa. Ngày 12 tháng 04 năm 2016, 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc đã được điều động tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Đây lại thêm một bước leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc. Và điều đó là một mối đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Dư luận cộng đồng quốc tế đang bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông; Công luận cần phải có một thái độ mạnh mẽ hơn và đặc biệt cần kêu gọi cộng đồng các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, tỏ rõ thái độ rõ ràng, cương quyết hơn và mạnh mẽ hơn trước sự leo thang của Trung Quốc…
Người Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia, dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất nhiều hàng hóa có chất lượng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh.
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đã giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.
Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đã là người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc, vì lợi ích quốc gia dân tộc, xác định đúng bạn, thù; phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”, “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Người căn dặn chúng ta: “Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người”. Chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết, khoan dung, nhân hậu, vị tha.
Thường xuyên họp báo, hội thảo quốc tế về biển, đảo; tận dụng tất cả các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, báo viết, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là các tập đoàn truyền thông quốc tế, kể cả Internet, mạng xã hội để đưa những thông tin lịch sử, khoa học minh chứng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là cần thiết để phòng vệ.
Xét từ góc độ địa lý, Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á, và rộng hơn là toàn vùng Đông Á, là một nước lớn, là người láng giềng đặc biệt, là một quốc gia Châu Á có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội trong khu vực.
Câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay “Anh em xa, không bằng láng giềng gần” để chỉ một lối hành xử trong quan hệ xã hội. Ở đây, là người Việt Nam không ai muốn phải “bán anh em xa”, mà luôn luôn với thiện chí “hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần”.
Trần Thành Lập
Viết nhân ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam
Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016
Ký ức về một mái trường
Ký ức về một mái trường
Chiến tranh kết thúc, qua rồi một thời đội bom, đạp đạn, tôi được cơ quan cử đi học bổ túc văn hóa. Bỏ lại sau lưng sự tàn khốc của chiến tranh, tôi lại được cấp sách đến trường- Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang.
Bốn mươi năm, hơn nửa đời người, những ký ức về mái trường xưa lại hiện về, tôi như được sống lại những ngày tháng cũ, những ngày học trò hồn nhiên thơ mộng.
Dù thời gian cứ trôi, dù cuộc sống đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè trong những tháng năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu vẫn mãi mãi còn đọng lại trong tôi...
Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang được thành lập năm 1976. Bởi vì sau chiến tranh, nguồn cán bộ rất thiếu và yếu về văn hoá, việc thành lập Trường Bổ túc văn hóa đã thể hiện tầm nhìn và quan điểm mang ý nghĩa chiến lược của nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương.
Gọi là trường Bổ túc văn hóa Công nông vì mục đích đào tạo là nhằm nâng cao trình độ văn hóa (mỗi năm hai lớp) cho cán bộ đã tham gia kháng chiến và con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh việc học văn hóa, học viên còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luậ̣t, biết sống hòa đồng trong một tập thể, biết đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, lao động và học tập, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương sau chiến tranh.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ngôi trường tọa lạc trên khu đất rộng có 3 tòa nhà một trệt, một lầu (được tiếp quản từ chế độ Sài Gòn) với 40 phòng đáp ứng yêu cầu học ba buổi: sáng, chiều, tối cho học viên. Gần đó, có một thư viện với hàng nghìn đầu sách đủ điều kiện phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và học viên.
Khu nhà tập thể với trên 100 phòng (cũng được tiếp quản từ khu gia binh chế độ Sài Gòn) dành cho 400 học viên nội trú. Có nhà ăn tập thể được trang bị đơn sơ phục vụ yêu cầu 3 bữa ăn hàng ngày cho học viên nội trú.
Thời tôi học, mọi thứ còn rất khó khăn. Việc phân phối hàng lương thực, thực phẩm theo kế hoạch: gạo 15 kg/tháng, thịt heo 1 kg/tháng, đường 0,8 kg /tháng, bột ngọt 0,3 kg /tháng, vải mặc 5 m/năm. Riêng chị em nữ được phân phối thêm 1 m vải mùng (bao cấp mà).
Có những lúc quá khó khăn, thầy trò chúng tôi ăn uống kham khổ suốt nhiều tháng liền. Thiếu gạo phải ăn bo bo, bột mì, khoai lang. Thức ăn chủ yếu là cá biển, rau muống nấu với nước lã cho bột ngọt vào làm canh... Vất vả là thế, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tự tin, cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt.
Chúng tôi luôn tự hào, một thời đã được làm học trò của một ngôi trường luôn vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức với một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên tâm huyết, tận tâm, tận lực, chí nghĩa, chí tình “tất cả vì học sinh thân yêu”.
“Không thầy đố mầy làm nên”. Đúng rồi, chính thầy cô đã cho chúng tôi tri thức, chính thầy cô đã dạy chúng tôi đạo lí làm người, chính thầy cô đã để lại tấm gương sáng về không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt...
Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy cô giáo, cán bộ quản lý, công nhân viên Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang!
Còn nhiều lắm, nhiều lắm những kỷ niệm về trường xưa… 40 năm nhìn lại, bâng khuâng với những kỷ niệm xưa, nghĩ về sự học ở hiện tại, kỳ vọng về một nền giáo dục trong tương lai!
Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm, ngày thành lập Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang
Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016
Chiến tranh kết thúc, qua rồi một thời đội bom, đạp đạn, tôi được cơ quan cử đi học bổ túc văn hóa. Bỏ lại sau lưng sự tàn khốc của chiến tranh, tôi lại được cấp sách đến trường- Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang.
Bốn mươi năm, hơn nửa đời người, những ký ức về mái trường xưa lại hiện về, tôi như được sống lại những ngày tháng cũ, những ngày học trò hồn nhiên thơ mộng.
Dù thời gian cứ trôi, dù cuộc sống đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè trong những tháng năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu vẫn mãi mãi còn đọng lại trong tôi...
Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang được thành lập năm 1976. Bởi vì sau chiến tranh, nguồn cán bộ rất thiếu và yếu về văn hoá, việc thành lập Trường Bổ túc văn hóa đã thể hiện tầm nhìn và quan điểm mang ý nghĩa chiến lược của nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương.
Gọi là trường Bổ túc văn hóa Công nông vì mục đích đào tạo là nhằm nâng cao trình độ văn hóa (mỗi năm hai lớp) cho cán bộ đã tham gia kháng chiến và con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh việc học văn hóa, học viên còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luậ̣t, biết sống hòa đồng trong một tập thể, biết đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, lao động và học tập, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương sau chiến tranh.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ngôi trường tọa lạc trên khu đất rộng có 3 tòa nhà một trệt, một lầu (được tiếp quản từ chế độ Sài Gòn) với 40 phòng đáp ứng yêu cầu học ba buổi: sáng, chiều, tối cho học viên. Gần đó, có một thư viện với hàng nghìn đầu sách đủ điều kiện phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và học viên.
Khu nhà tập thể với trên 100 phòng (cũng được tiếp quản từ khu gia binh chế độ Sài Gòn) dành cho 400 học viên nội trú. Có nhà ăn tập thể được trang bị đơn sơ phục vụ yêu cầu 3 bữa ăn hàng ngày cho học viên nội trú.
Thời tôi học, mọi thứ còn rất khó khăn. Việc phân phối hàng lương thực, thực phẩm theo kế hoạch: gạo 15 kg/tháng, thịt heo 1 kg/tháng, đường 0,8 kg /tháng, bột ngọt 0,3 kg /tháng, vải mặc 5 m/năm. Riêng chị em nữ được phân phối thêm 1 m vải mùng (bao cấp mà).
Có những lúc quá khó khăn, thầy trò chúng tôi ăn uống kham khổ suốt nhiều tháng liền. Thiếu gạo phải ăn bo bo, bột mì, khoai lang. Thức ăn chủ yếu là cá biển, rau muống nấu với nước lã cho bột ngọt vào làm canh... Vất vả là thế, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tự tin, cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt.
Chúng tôi luôn tự hào, một thời đã được làm học trò của một ngôi trường luôn vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức với một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên tâm huyết, tận tâm, tận lực, chí nghĩa, chí tình “tất cả vì học sinh thân yêu”.
“Không thầy đố mầy làm nên”. Đúng rồi, chính thầy cô đã cho chúng tôi tri thức, chính thầy cô đã dạy chúng tôi đạo lí làm người, chính thầy cô đã để lại tấm gương sáng về không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt...
Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy cô giáo, cán bộ quản lý, công nhân viên Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang!
Còn nhiều lắm, nhiều lắm những kỷ niệm về trường xưa… 40 năm nhìn lại, bâng khuâng với những kỷ niệm xưa, nghĩ về sự học ở hiện tại, kỳ vọng về một nền giáo dục trong tương lai!
Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm, ngày thành lập Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang
Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)