Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016
Quan hệ láng giềng và lợi ích Quốc gia
Khi tôi viết bài “Hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần” đăng trên mạng xã hội, có không ít ý kiến trái chiều.
Nhiều người cho rằng, quan hệ tốt với hàng xóm, láng giềng là một lối sống tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa nay. Đó là tình làng nghĩa xóm, là truyền thống đoàn kết, là tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng.
Không ít người thì cho rằng, ngày nay để giữ được mối quan hệ “bình thường” với hàng xóm, láng giềng điều không đơn giản. Mình muốn tốt nhưng người ta không muốn, đôi khi chỉ vì một chút quyền lợi mà cãi cọ, bất hòa, tranh chấp, kiện tụng…
Gần đây, trong quan hệ ngoại giao, người ta thường dùng từ “láng giềng” để nói lên mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, gắn kết giữa các nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã khái quát thành phương châm “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng đặc biệt, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ láng giềng truyền thống lâu đời. Có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…
Ngày 28 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về "tầm nhìn châu Á" đã nhắc lại câu tục ngữ "bán anh em xa, mua láng giềng gần".
Nhưng muốn xây dựng quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí, đối tác tốt, điều quyết định không phải là lời nói, là khẩu hiệu mà cần phải hành động trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cần có độ tin cậy nhất định.
Sáng ngày 6 tháng 11 năm 2015, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Người thân thì mong người thân tốt, láng giềng thì mong láng giềng tốt. Đã là láng giềng khó tránh xảy ra va chạm, nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục hai nước".
Đặc trưng của quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử bang giao hai nước.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam nói ở Paris, “Trong lần tụi tôi dự hội thảo về biển Đông nhưng đã nói rằng Việt Nam và Trung Quốc giờ muốn đổi lại hàng xóm thì đâu có được. Mình không thể thay đổi thực trạng là Việt Nam có một hàng xóm như là Trung Quốc. " Dĩ nhiên, với lịch sử của hàng nghàn năm nay, người Việt Nam biết Trung Quốc như thế nào rồi.”
Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Cổ đại cho đến nay, từ các triều đại phong kiến phương Bắc cho đến nay không triều đại nào lại không đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Họ đã bằng mọi cách, dốc toàn lực để chống phá, thậm chí còn lôi kéo, kích động các nước láng giềng phối hợp với họ để chống phá Việt Nam.
Đặc biệt, gần đây cộng đồng quốc tế đang bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông.
Tiếp xúc cử tri ngày 01 tháng 7 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc, “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.
Tổng bí thư chia sẻ: “Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là việc khó.
Thật vậy, xuất phát từ truyền thống đoàn kết, hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, như:"Dĩ hòa vi quý", "Một điều nhịn, chín điều lành", "Chín bỏ làm mười"… hay thói quen của cộng đồng trong việc giải quyết tranh chấp là không muốn đưa các tranh chấp ra trước các cơ quan tài phán để phán xử như: "Vô phúc đáo tụng đình", vì không muốn "Vạch áo cho người xem lưng" mà chủ yếu là "đóng cửa bảo nhau".
Nhưng Tổng bí thư cũng chỉ ra: “Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...”
“Đây là việc khó khăn, ta phải kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, sai một ly đi một dặm, mặt nào không tốt đều ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển đất nước”.
Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh: "đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý, không mong muốn chiến tranh, xung đột xảy ra nhưng phải chuẩn bị tất cả mọi phản ứng."
Sắp tới đây, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) sẽ đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò trên Biển Đông và sẽ có tác động đến các bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), với tư cách là một nước có lãnh thổ và bờ biển dài nhất, tức là có vùng đặc quyền kinh tế rộng nhất trong khu vực, cộng thêm với thực tế là nước chiếm hữu nhiều thực thể địa lý nhất ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc mình.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long khẳng định: “Phán quyết của Tòa Án Thường Trực lần này nếu định nghĩa rõ ràng là yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở luật pháp và Trung Quốc không được dùng cái “chủ quyền có tự ngàn xưa” này để cản trở lưu thông trên biển và trên không trong khu vực Biển Đông, thì ảnh hưởng sẽ rất tích cực đối với Việt Nam.”
Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Báo Nikkei của Nhật Bản hôm qua, ngày 29 tháng 5 năm 2016 tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông.
Asia Nikkei Review dẫn lời ông Thongloun nói :“Trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ dồn mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho đối thoại tích cực giữa các nước liên quan.”
Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Thời buổi này, ai cũng phải nghĩ đến lợi ích quốc gia dân tộc mình, nên tạo sự ủng hộ của quốc tế cũng cần thực chất, thực lòng.”
Nhưng theo Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong: “nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 01 tháng 06 năm 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét