Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016
Hồ sơ Biển Đông: Chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Theo báo Philippines, ngày 7 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) có thể sẽ đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò trên Biển Đông và sẽ có tác động đến các bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam.
Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng tình huống mới đó sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam vận động quốc tế chống lại ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.
“Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để phá vỡ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.”
Trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc, nhiều tổ chức quốc tế đã chính thức lên tiếng phản đối ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.
Kết thúc hai ngày hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản ngày 27 tháng 5 năm 2016, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập đến vấn đề an ninh hàng hải.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.
“Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền”, tuyên bố nhấn mạnh.
Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố thống nhất quan điểm với Mỹ về cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Đại diện thường trực của Pháp ở cộng đồng Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Pháp sẽ hành động khi Trung Quốc vượt ranh giới".
Tại hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ngày 14 tháng 6 năm 2016, các ngoại trưởng ASEAN khẳng định : « Chúng ta không thể bỏ qua những diễn biến trên Biển Đông vì điều đó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc ».
Các nước trong khu vực từ Philippines, Singapore, Indonesia đến Việt Nam, và nhiều quốc gia khác, từ Mỹ, Nhật, Úc, cho đến Đức, Pháp, tất cả đều đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt những hoạt động gây hấn trên Biển Đông và phải tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Trong khi đó, giới học giả cũng chia sẻ nhiều ý kiến về việc đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án quốc tế. Các hãng thông tấn, các tập đoàn truyền thông thế giới đã tỏ rõ thái độ, lên án mạnh mẽ trước sự leo thang và xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực vận động của Trung Quốc một vài quốc gia, nhất là Nga một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết, ủng hộ lập trường của họ tại Biển Đông.
Theo đó, hãng thông tấn Nga Itar TASS ngày 21 tháng 6 năm 2016 dẫn lời ông Denisov nói với báo chí rằng, những cáo buộc Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không có cơ sở thực tế.
Ngày 21 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không ủng hộ phán quyết của PCA.
"Đây không phải là vấn đề về luật pháp, nó hoàn toàn về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa", AFP hôm qua dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.
Trước đó, Báo Nikkei của Nhật Bản, ngày 29 tháng 5 năm 2016, tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông
Tuy nhiên, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng: “Việt Nam cần phải nói đó là vấn đề an ninh khu vực và thế giới, không phải song phương. Trung Quốc lấy đảo của Việt Nam, giết người Việt Nam đúng là dính đến Việt Nam nhưng bây giờ là vấn đề quốc tế.”
“Nếu Việt Nam đưa lý luận này ra trước quốc tế thì theo tôi nghĩ không những được sự ủng hộ của thế giới mà còn làm cho sự manh động của Trung Quốc cũng bớt đi.” RFI dẫn lời giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Nhiều chuyên gia cho rằng lời nói và việc làm của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với nhau và từ đặc trưng của quan hệ láng giềng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chúng ta nên tranh thủ sự đoàn kết khu vực và quốc tế mới có thể chặn đứng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Vì chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 25 tháng 06 năm 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét