Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần



Ngày xưa, má tôi thường nói: “Anh em xa, không bằng láng giềng gần”. Đúng vậy, quan hệ láng giềng - cần thiết lắm, hệ trọng lắm. Bởi đó là mối quan hệ gần gũi, gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, thân tộc, mà cao hơn là sự gắn kết cộng đồng hàng xóm láng giềng.

Trong cấu trúc làng xã truyền thống ở Việt Nam, hàng xóm láng giềng là một nhóm gia đình có mối quan hệ trong khu vực cư trú, nó rất gần gũi, thân thuộc. Đó là tình làng nghĩa xóm, là truyền thống đoàn kết, là tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng, đã khẳng định giá trị nhân văn trường tồn từ bao đời nay.

Chính vì vậy, mà từ rất xa xưa, ông cha ta đã sớm xây dựng những thỏa thuận, những Quy ước nhằm thống nhất hóa, chuẩn hóa các mối quan hệ xã hội. Nhờ thế mà tránh được những va chạm, mâu thuẫn; củng cố thêm mối quan hệ tốt đẹp hàng xóm, láng giềng.

Gần đây, trong quan hệ ngoại giao, người ta thường dùng từ “láng giềng” để nói lên mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, gắn kết giữa các nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã khái quát thành phương châm “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ láng giềng truyền thống lâu đời. Có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…

Ngày 28 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về "tầm nhìn châu Á" đã nhắc lại câu tục ngữ "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, các đại dương của châu Á phải trở thành vùng biển hòa bình, đồng thời ông kêu gọi hợp tác an ninh chung toàn diện cho một châu Á bền vững.

Phát biểu tại tọa đàm hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung tại Lạng Sơn, Thượng tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng nhắc lại: “Anh em xa, không bằng láng giềng gần”

Đặc trưng của quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử bang giao hai nước.

Nhưng muốn xây dựng quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí, đối tác tốt, điều quyết định không phải là lời nói, là khẩu hiệu mà cần phải hành động trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cần có độ tin cậy nhất định.

Thực ra, ngay từ năm 1965, trong cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore … Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản …” (theo sách Sự thật về quan hệ Việt – Trung, của NXB Sự Thật).

Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Cổ đại cho đến nay, từ các triều đại phong kiến phương Bắc cho đến nay không triều đại nào lại không đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Họ đã dốc toàn lực để chống phá, thậm chí còn kích động các láng giềng đem lực lượng phối hợp với họ để chốnǵ phá Việt Nam.

Những cuộc xâm lược đó được biết đến từ những truyền thuyết xa xưa, như truyền thuyết thời Hồng Bàng, quốc gia Văn Lang của Hùng Vương phải phòng vệ trước sự xâm lược của nhà Ân.

Năm 207 TCN, Tần Thủy Hoàng sai Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương, dẫn đến hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Mãi đến năm 938 khi Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân ta đánh bại giặc Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc Thuộc, mở đầu thời kỳ độc lập.

Một lần nữa người Việt giành được độc lập, tự chủ cho mình, nhưng tham vọng thôn tính của phương Bắc Trung Quốc không chấm dứt trong suốt hơn 1.000 năm tiếp theo, cho đến hiện tại, ông cha ta tiếp tục đứng lên chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược từ Nhà Tống, Nhà Nguyên, Nhà Minh, Nhà Thanh cho đến thời cận hiện đại.

Thật vậy, ngày 19 tháng 01 năm 1974, lợi dụng tình hình ở miền Nam Việt Nam và thế giới, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc bắt 49 lính hải quân Việt Nam Cộng hòa làm tù binh. Sau trận hải chiến đó,Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho đến nay.

Ngày 17 tháng 02 năm 1979, Trung Quốc huy động hàng chục sư đoàn bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam với tuyên bố đầy tính giang hồ của Đặng Tiểu Bình là để "dạy cho Việt Nam một bài học". Cuộc chiến ấy kéo dài chỉ ba tuần nhưng khoảng 30.000 người Việt thiệt mạng, một số địa phương biên giới phía bắc Việt Nam gần như bị hủy diệt hoàn toàn.

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 9 tàu chiến hải quân Trung Quốc có trang bị pháo hạm và lính thủy đánh bộ bất ngờ tấn công 3 tàu vận tải chở công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Trung Quốc đã bắn chìm 3 tàu vận tải và giết chết 64 chiến sĩ Việt Nam.


Ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam. Đây là một bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.


Chưa dừng ở đó, ngay đầu năm, ngày 02 tháng 01 năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Và mới đây, Trung Quốc lại triển khai hỏa tiễn ở Hoàng Sa. Ngày 12 tháng 04 năm 2016, 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc đã được điều động tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Đây lại thêm một bước leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc. Và điều đó là một mối đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Dư luận cộng đồng quốc tế đang bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông; Công luận cần phải có một thái độ mạnh mẽ hơn và đặc biệt cần kêu gọi cộng đồng các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, tỏ rõ thái độ rõ ràng, cương quyết hơn và mạnh mẽ hơn trước sự leo thang của Trung Quốc…

Người Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia, dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất nhiều hàng hóa có chất lượng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đã giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.

Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đã là người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc, vì lợi ích quốc gia dân tộc, xác định đúng bạn, thù; phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”, “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Người căn dặn chúng ta: “Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người”. Chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết, khoan dung, nhân hậu, vị tha.

Thường xuyên họp báo, hội thảo quốc tế về biển, đảo; tận dụng tất cả các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, báo viết, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là các tập đoàn truyền thông quốc tế, kể cả Internet, mạng xã hội để đưa những thông tin lịch sử, khoa học minh chứng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là cần thiết để phòng vệ.

Xét từ góc độ địa lý, Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á, và rộng hơn là toàn vùng Đông Á, là một nước lớn, là người láng giềng đặc biệt, là một quốc gia Châu Á có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội trong khu vực.

Câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay “Anh em xa, không bằng láng giềng gần” để chỉ một lối hành xử trong quan hệ xã hội. Ở đây, là người Việt Nam không ai muốn phải “bán anh em xa”, mà luôn luôn với thiện chí “hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần”.




Trần Thành Lập
Viết nhân ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam

Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét