Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Ký ức về một mái trường

Ký ức về một mái trường

Chiến tranh kết thúc, qua rồi một thời đội bom, đạp đạn, tôi được cơ quan cử đi học bổ túc văn hóa. Bỏ lại sau lưng sự tàn khốc của chiến tranh, tôi lại được cấp sách đến trường- Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang.

Bốn mươi năm, hơn nửa đời người, những ký ức về mái trường xưa lại hiện về, tôi như được sống lại những ngày tháng cũ, những ngày học trò hồn nhiên thơ mộng.

Dù thời gian cứ trôi, dù cuộc sống đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè trong những tháng năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu vẫn mãi mãi còn đọng lại trong tôi...

Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang được thành lập năm 1976. Bởi vì sau chiến tranh, nguồn cán bộ rất thiếu và yếu về văn hoá, việc thành lập Trường Bổ túc văn hóa đã thể hiện tầm nhìn và quan điểm mang ý nghĩa chiến lược của nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương.

Gọi là trường Bổ túc văn hóa Công nông vì mục đích đào tạo là nhằm nâng cao trình độ văn hóa (mỗi năm hai lớp) cho cán bộ đã tham gia kháng chiến và con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh việc học văn hóa, học viên còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luậ̣t, biết sống hòa đồng trong một tập thể, biết đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, lao động và học tập, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương sau chiến tranh.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ngôi trường tọa lạc trên khu đất rộng có 3 tòa nhà một trệt, một lầu (được tiếp quản từ chế độ Sài Gòn) với 40 phòng đáp ứng yêu cầu học ba buổi: sáng, chiều, tối cho học viên. Gần đó, có một thư viện với hàng nghìn đầu sách đủ điều kiện phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và học viên.

Khu nhà tập thể với trên 100 phòng (cũng được tiếp quản từ khu gia binh chế độ Sài Gòn) dành cho 400 học viên nội trú. Có nhà ăn tập thể được trang bị đơn sơ phục vụ yêu cầu 3 bữa ăn hàng ngày cho học viên nội trú.

Thời tôi học, mọi thứ còn rất khó khăn. Việc phân phối hàng lương thực, thực phẩm theo kế hoạch: gạo 15 kg/tháng, thịt heo 1 kg/tháng, đường 0,8 kg /tháng, bột ngọt 0,3 kg /tháng, vải mặc 5 m/năm. Riêng chị em nữ được phân phối thêm 1 m vải mùng (bao cấp mà).

Có những lúc quá khó khăn, thầy trò chúng tôi ăn uống kham khổ suốt nhiều tháng liền. Thiếu gạo phải ăn bo bo, bột mì, khoai lang. Thức ăn chủ yếu là cá biển, rau muống nấu với nước lã cho bột ngọt vào làm canh... Vất vả là thế, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tự tin, cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt.

Chúng tôi luôn tự hào, một thời đã được làm học trò của một ngôi trường luôn vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức với một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên tâm huyết, tận tâm, tận lực, chí nghĩa, chí tình “tất cả vì học sinh thân yêu”.


“Không thầy đố mầy làm nên”. Đúng rồi, chính thầy cô đã cho chúng tôi tri thức, chính thầy cô đã dạy chúng tôi đạo lí làm người, chính thầy cô đã để lại tấm gương sáng về không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt...

Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy cô giáo, cán bộ quản lý, công nhân viên Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang!

Còn nhiều lắm, nhiều lắm những kỷ niệm về trường xưa… 40 năm nhìn lại, bâng khuâng với những kỷ niệm xưa, nghĩ về sự học ở hiện tại, kỳ vọng về một nền giáo dục trong tương lai!


Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm, ngày thành lập Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang

Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét