Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

" Dạy con từ thuở còn thơ"


Ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho con. Đó là kiến thức, kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong gia đình.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con cháu thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, kính trên, nhường dưới, quí trọng thầy cô…


Có người nói với tôi rằng, những lời dạy ấy "xưa" lắm rồi. Không. Không "xưa" đâu!

Có "xưa" không khi ta nói lời "cám ơn", "xin lỗi" bởi đó là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp của mỗi người.

Nói “cảm ơn” để bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó với mình.

Nói “xin lỗi” khi ta vô ý làm tổn thương ai đó, hay vô tình làm ảnh hưởng đến người khác.

Vì vậy, lời "cảm ơn" "xin lỗi" tưởng như rất đơn giản nhưng nó là quan hệ xã hội, là đạo đức, là phép lịch sự giữa người và người, rất có ý nghĩa trong cuộc sống.

Chỉ với hai từ “xin lỗi”, những mâu thuẫn, giận hờn phút chốc cũng sẽ được hóa giải, khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiện hơn!

Ngày xưa, ông bà ta còn dạy "đi thưa, về trình", chỉ có bốn chữ ngắn gọn thôi, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày với mọi người xung quanh cần phải lễ phép, kính trên nhường dưới, như thế mới là người có giáo dục.


Thật hài lòng, khi con nói: "thưa ba, thưa má con đi học" "thưa ông, thưa bà cháu đi làm việc"; "cháu mời ông, bà ăn cơm"…

Lời nói ấy, cử chỉ ấy, chắc chắn làm hài lòng bất cứ ai, dù khó tính tới đâu, dù người xưa hay người nay!

Cha mẹ cũng cần uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, thiếu lịch sự của con cháu.

Kết hợp giữa giáo dục "xưa" và "nay" để cái tốt, cái đẹp, cái thiện, lòng nhân ái, tính trung thực đâm chồi phát triển./.



Trần Thành Lập

Viết cho con

Cần Thơ, ngày 31 tháng 03 năm 2015

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

“Học ăn học nói…”


Ngày xưa, má tôi thường nói muốn nên người phải học: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Có lẽ không ít người sẽ hỏi: tại sao "chuyện nhỏ" vậy mà phải học?


Vâng, cuộc sống rất phong phú, muốn làm người tốt thì phải học, dù là "chuyện nhỏ", thậm chí rất nhỏ. Không chỉ học chữ, mà còn học làm người, học những điều hay, lẽ phải, biết đối nhân xử thế, biết tôn trọng phong tục, tập quán của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, thượng tôn các chuẩn mực giá trị của con người, của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống...

Chúng ta, ai cũng biết ăn uống là dịp biểu lộ rõ rệt nhất tính cách của một con người. Qua việc ăn uống, chúng ta có thể biết con người ấy thuộc hạng người nào, giáo dục gia đình ra sao? Thế nhưng hiện nay, ăn uống, nói năng, giao tiếp đang có nhiều vấn đề cần bàn.

Thật sốt ruột khi nghe các quan chức khoe, họ thường dùng những chai rượu ngoại có giá hàng nghìn USD, hút một điếu xì gà có giá cả trăm USD, mà “xì gà, thú chơi của những “vị vua”, chỉ có đại gia mới đủ tiền “xài” nó”.

Có người còn tự hào nói trong nhà họ có đủ thứ của quý như mật gấu, nhân sâm, mật bò tót và cả máy mài để... mài sừng tê giác cho khách, nếu có say thì uống vào giải độc, giã rượu…

"Ăn" phải học, " nói " càng phải học. Vì "lời nói" là ngôn ngữ, là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp, nó là một phần quan trọng trong ứng xử giữa con người với nhau.


Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nói chuyện gì? Nói với ai? Nói ở đâu? Nói lúc nào? Vì vậy, khi giao tiếp, tùy theo đối tượng phải lựa lời mà nói, nói ngắn gọn, trọng tâm, chính xác, súc tích, dễ hiểu sẽ hấp dẫn và làm cho người nghe hài lòng.

Hãy nói những gì cần nói, đừng tranh giành để nói quá nhiều, quá khích. Người ít chữ thì hay nói nhiều; nhưng càng nói thì lại càng "lộ" ra một cái thùng "rỗng". Nói dai, nói dài, nói dại... chính là như vậy!

Một người khiêm tốn, cởi mở, chân thành, tự tin và thoải mái tốt hơn là một người quá sức khoe khoang, khoác lác, ngạo mạn. Biết lắng nghe cũng là cách để học, đồng thời cũng là sự khiêm tốn "tiếp thu" ý kiến của người khác.

Muốn nói hay thì phải học cách nói của nhiều người và tự mình rèn luyện, gọt giũa lời nói, diễn đạt lưu loát một cách tự tin. Nói bằng chính cái tâm, bằng kiến thức của chính mình. Rất tiếc, có nhiều người khi trước đám đông chỉ đọc những bài do người khác viết trước nên rất ít sức thuyết phục.

Trong giao tiếp hằng ngày cần sự cởi mở nhưng không quá ồn ào. Nên biết ca ngợi, biểu dương những mặt tốt của người khác. Khi làm phiền ai điều gì thì phải nói lời "xin lỗi" và ai giúp mình thì phải biết "cảm ơn" dù là điều nhỏ nhất.

Học ăn học nói, học gói học mở là học cách sống, phong cách ứng xử lịch thiệp, học những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, nó liên quan đến vị thế với tư cách là một con người của xã hội. Tất nhiên, ngoài năng lực cần phải có cả cái tâm và cái tầm, sự dũng cảm, dám nhận trách nhiệm trước công việc.

“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là lời khuyên không bao giờ cũ. Thế nhưng gần đây, những phát ngôn của quan chức luôn là nguyên nhân khiến dư luận dậy sóng như: “lỗi vắc-xin thì xử lý vắc-xin” "thiếu giường bệnh thì phải hỏi nhà nước"?! Hay "Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì…” khiến dư luận vừa tức, vừa buồn cười.

Câu nói của dân gian có tác dụng răn dạy, giáo dục con người rất hay trong cuộc sống. Đó là bài học quý báu của cha ông để lại cho chúng ta những điều hay lẽ phải, muốn đạt kết quả cao phải luôn luôn học tập, rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng bản thân...


Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 25 tháng 03 năm 2015

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Má tôi dạy : "ăn trông nồi, ngôi trông hướng"


Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được má dạy: làm người phải biết thương người với cái nghĩa, cái tình, biết kính trên, nhường dưới; giáo dục chúng tôi có thói quen “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; biết tôn trọng các chuẩn mực giá trị về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống đời thường!

Lâu nay, chúng ta nói nhiều và hình như quá chú trọng tới những phẩm chất cao siêu của con người. Đúng rồi, đó là "chuyện lớn" rất quan trọng! Nhưng có những "chuyện nhỏ" mà không hề nhỏ! Đó chính lại là chuyện: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"

Những "chuyện nhỏ" vậy mà còn phải học? Và chúng ta nên bắt đầu học từ những chuyện rất nhỏ thôi: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng"

Khởi đầu từ những việc rất cụ thể như vậy: ăn thế nào? ngồi thế nào? Nhưng hàm ý sâu xa không còn chỉ là chuyện ăn, chuyện ngồi và cũng không chỉ là thái độ, cử chỉ, hành vi của một người trong một tình huống nhất định. Mà còn là phong cách ứng xử và kỹ năng giao tiếp của con người.

Xấu hổ vì cảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy khi ăn nhà hàng tự chọn, tranh ăn sushi miễn phí; hàng trăm người hôi beer mang về nhà trong tiếng van xin bất lực của người lái xe ở Biên Hòa;

Ra nước ngoài, một bộ phận không nhỏ cũng ít chịu xếp hàng ở những nơi đông người. Vào nhà hàng ăn cứ chen ngang và lấy đồ ăn thừa mứa, ăn không hết thì bỏ lung tung, quá lãng phí; cười nói ồn ào, xỉa răng, xả rác bừa bãi, mất vệ sinh...

Đáng buồn hơn, nhiều người lại chưa học được lối hành xử đúng mực và hợp cách khi sử dụng các phương tiện và tiện ích công cộng. Cảnh tượng tranh nhau, chèn lấn; bước vào thang máy thì sấn sổ vội vàng, đi thang cuốn thì đứng ngay giữa lối; lên tàu điện, đi xe buýt thì ít khi tự giác dành chỗ ngồi cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ em...

Ăn uống, đi lại, sinh hoạt là chuyện nhỏ, chuyện riêng của mỗi người. Nhưng đó cũng là phong cách ứng xử. Chính vì vậy, cách ăn, cách ngồi cũng quyết định ý thức của con người.

Cho nên, các bậc làm cha, làm mẹ phải biết dạy cho con những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy. Để khi bước vào đời, chúng luôn có ý thức về hành vi của mình. Giá trị của mỗi người trong cộng đồng tùy thuộc ở ý thức ấy.

Hãy dạy con ngồi vào bàn ăn đúng bữa, ăn uống gọn gàng, lịch sự mời ông bà, cha mẹ và mọi người cùng ăn. Ăn uống nên từ tốn, biết kính trên, nhường dưới, không nói chuyện to, không nói tục, không xả rác, không khạc nhổ quanh mâm cơm.

Tùy ở cương vị, giới tính và tuổi tác. Trong gia đình và ngoài xã hội. Biết kính trên, nhường dưới; biết tôn trọng các quy tắc ứng xử ở những nơi công cộng, tôn trộng phong tục, tập quán của mỗi địa phương, dân tộc; luôn có sự hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, ý thức thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật; biết điều chỉnh thái độ và hành vi ứng xử trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, trước hết hãy là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Hãy tôn trọng các chuẩn mực giá trị của con người, của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống./.




Viết cho con

Cần Thơ, ngày 22 tháng 03 năm 2015

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Hoàn thiện nhân cách từ bài học làm gương


Nhân cách là những nét đặc trưng tiêu biểu của con người. Nhân cách là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng mối quan hệ giữa con người với con người, quan hệ với gia đình và quan hệ xã hội.

Sự hình thành và phát triển nhân cách gắn liền với sự phát triển của con người qua quá trình giáo dục, tự giáo dục và hoạt động thực tiễn. Trong đó, gương tốt của ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn ở cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng.


Từ nhiều năm trở lại đây, phải chăng, vì lo cho cơm áo, gạo tiền hay do nguyên nhân gì mà nền tảng đạo đức, nhân cách rõ ràng đã mờ nhạt đi.

Điều đáng lo ngại là tình trạng đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên không bình thường, từ thái độ học tập, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật của nhà trường, quan hệ thầy trò, chấp hành pháp luật đến những hành vi tiêu cực trong học tập và sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào học đường.

Ngoài xã hội thì đi đâu cũng thấy cảnh làm ăn chộp giật; sản xuất, mua, bán, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm, động vật hoang dã, phá rừng hay tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, cuộc sống cứ bon chen, chèn ép lẫn nhau, mạnh được, yếu thua…

Ra nước ngoài, một bộ phận người Việt cũng ít chịu xếp hàng. Vào nhà hàng ăn cứ chen ngang và lấy đồ ăn thừa mứa, lãng phí. Vào thang máy hay lên tàu điện, thậm chí đi vệ sinh cũng chẳng chịu nhường ai.

Các thói quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, nói lớn tiếng, khoe của, khoái phô trương, hình thức vẫn tồn tại ở nhiều nơi công cộng.

Có rất nhiều nguyên nhân của vấn đề này, bắt nguồn từ sự thiếu gương mẫu của ông bà, cha mẹ trong gia đình, của thầy cô giáo trong trường học.

Còn có một bộ phận không ít cán bộ lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị có lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, mua chức, bán danh, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ, làm giàu bất chính, quan liêu, gia trưởng, thiếu dân chủ trong giải quyết sự khác biệt với mình bằng cách hành xử thiếu văn minh của người lớn đang là tấm gương rất xấu cho giới trẻ hiện nay...

Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội thì: “Sự gương mẫu trong cách ứng xử, lối sống, trong làm việc… của cha mẹ chính là phương pháp giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất tới con cái. Những bậc cha mẹ sống với nhau hòa thuận, chung thủy và có tình nghĩa là tấm gương sáng cho con cái noi theo”.


Cùng với gia đình, trường học cần có nội qui, quy định cụ thể những chuẩn mực giá trị trong các mối quan hệ đối với học sinh sinh viên và giữa thầy cô với các em học sinh mang tính lâu dài để nâng cao nhận thức, hướng học sinh - sinh viên đến việc hình thành nhân cách, sống đẹp, tôn trọng thầy cô, chân tình, thân thiện, ứng xử đẹp với bạn bè.

Đối với cán bộ lãnh đạo phải nghiêm khắc với chính mình, làm gương cho gia đình mình, làm gương cho con cháu mình. Cán bộ càng cao, càng cần phải làm gương, vì sự làm gương của cấp trên sẽ là tấm gương cho cán bộ cấp dưới và cho toàn thể cán bộ, đảng viên làm theo.

Gương mẫu mạnh hơn lời nói. Và chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, gần gũi nhân dân, vì nước, vì dân. Người nói: “Cán bộ là công bộc của dân” nên “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Để từng bước hoàn thiện nhân cách, ngoài giáo dục từ gia đình, trong trường học, hệ thống chính trị phải đảm bảo “pháp luật thượng tôn”. Nếu không, sẽ khó bàn về giáo dục và phát triển nhân cách.


Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 17 tháng 03 năm 2015

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Hãy nuôi chí làm giàu chân chính!

Dân giàu nước mạnh vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Mong ước được sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần luôn là mong ước ngàn đời của nhân loại. Giàu có là mong muốn tự thân và chính đáng của bất cứ ai, ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng thế nào là giàu và làm giàu như thế nào?

Ngày nay, sự giàu không có nghĩa là có nhiều tiền, nhiều của cải, vật chất thông thường. Người giàu đúng nghĩa phải là người có kiến thức sâu rộng, có trách nhiệm xã hội và tiềm lực kinh tế chân chính. Một người giàu đúng nghĩa phải hiểu được ý nghĩa đích thực của sự giàu có, cảm nhận được niềm vui, ý thức được trách nhiệm xã hội trong quá trình làm giàu.

Ngày nay, rất nhiều người có lý tưởng, có khát vọng làm giàu và quan trọng nhất là có kiến thức, năng lực biến lý tưởng, khát vọng đó thành hiện thực. Nhiều doanh nhân rất thành đạt, giàu có, đóng góp nhiều cho sự phát triển chung của xã hội.

Nhiều tấm gương, có cả cán bộ công chức, dù có thất bại, nhưng nhờ siêng năng, chịu thương, chịu khó, cần kiệm, tích lũy nên cuộc sống gia đình dần dần cũng bớt vất vả, khó khăn. Rồi cũng nhờ tiết kiệm, tích lũy mà mua được đất, cất được nhà, nuôi các con khỏe mạnh, học giỏi, nên người. Thật đáng trân trọng!

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn là trong xã hội hiện tại có nhiều kẻ giàu lên nhờ buôn lậu hàng cấm, sản xuất, mua bán hàng giả, trốn lậu thuế làm đình đốn sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Một bộ phận nhỏ cán bộ chuyên môn thì chạy dự án đầu tư công, mua sắm tài sản, thông đồng với đối tác nâng khống giá trị gói thầu trong thực hiện hợp đồng kinh tế để hưởng hoa hồng; cấu kết, thông thầu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trúng thầu dự án, nâng khống khối lượng, lập chứng từ giả, rút ruột công trình để tham ô.

Không ít cán bộ, công chức thực thi công vụ thì bày vẻ thủ tục hành chính, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, hối lộ, làm giàu bất chính.

Một bộ phận khác có chức, có quyền, có trình độ, có quan hệ rộng, câu kết với nhau thành các nhóm lợi ích, mua quan, bán chức, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, đất đai...

Trong một môi trường như vậy thì làm giàu chân chính không phải dễ. Gây dựng cơ nghiệp lúc đầu có thể không khó nhưng đảm bảo cho cơ nghiệp đó ngày càng phát triển thì cần làm ăn bài bản. Do đó, cần phải không ngừng học tập, tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Người Do Thái có truyền thống coi kiến thức trí tuệ là thứ quý nhất của con người. "Của cải, tiền bạc của chúng ta đều có thể bị kẻ khác tước đoạt nhưng kiến thức, trí tuệ trong đầu óc ta thì không ai có thể cướp nổi". Với phương châm đó, họ đặc biệt coi trọng việc giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành;

Vì vậy, khi các con còn trẻ phải xác định được định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của mình, kiên trì và nhiệt huyết để đạt được nó.

Hãy tích lũy thật nhiều kiến thức, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và hãy làm giàu bằng chính kiến thức, năng lực của mình, chỉ có như vậy thì các con không những làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình mà còn góp phần phát triển xã hội.



Cần Thơ, ngày 11 tháng 03 năm 2015


Viết cho con

Trần Thành Lập


Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Tiền bạc chỉ là phương tiện

Cha lại muốn trao đổi với các con về vấn đề "tiền bạc". Vì theo cha, tiền bạc rất là quan trọng với tất cả chúng ta. Kiếm tiền là mục tiêu của rất nhiều người, tiền không phải là chuyện “tự nhiên mà có”. Nhưng, phải biết cách làm ra tiền và phải biết ứng xử với nó.

Hơn 25 năm về trước, lúc mà các con chưa chào đời, vì kế sinh nhai, vì cuộc sống gia đình, vì tương lai của các con, cha và mẹ phải thức khuya, dậy sớm, làm lụng, vất vả để kiếm tiền.

Giờ đây, hơn 25 năm sau, các con lại bươn chải, ngược xuôi trên thương trường, cũng để kiếm tiền. Dù các con đã học hành tử tế, có chuyên môn nghiệp vụ và quan trọng là các con đã có việc làm ổn định, thu nhập khá tốt.

Điều đáng quý là các con kiếm tiền bằng kiến thức và sức lực của chính mình và cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm, có ích cho xã hội. Tiền bạc mà các con kiếm được không phải là bất chính, không do tham nhũng, không do lợi dụng chức quyền, không do chạy chọt bất hợp pháp mà có. Điều này, chính bản thân cha cũng rất tự hào!

Tiền bạc rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Tiền bạc chỉ là phương tiện. Kiếm tiền để phục vụ cho những nhu cầu của cuộc sống chứ không để tiền bạc chi phối quá mức, lệ thuộc quá nhiều. Phải biết kiểm soát đồng tiền. Phải biết tiết kiệm trong chi tiêu. Biết mình dùng tiền cho việc gì. Các Con phải sử dụng hợp lý từng đồng tiền mà các con phải khó khăn, vất vả mới kiếm được.

Cha mẹ đã về hưu, chắc chắn có nhiều thay đổi trong sinh hoạt, trong đời sống kinh tế gia đình, nhất là về thu nhập thường xuyên của gia đình. Đúng rồi, thu nhập của gia đình mình đã giảm nhiều so với lúc còn đi làm. Tất nhiên rồi, về hưu rồi mà!

Chính vì thế, cha mẹ và các con cũng phải cân đối lại các nhu cầu chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm trong chi tiêu, ưu tiên chi chăm sóc sức khỏe ông bà ngoại, học hành của Trung Thảo, lo cho sức khỏe, học hành của Xuân Trí. Phải vậy thôi, nhưng các con cũng đừng quá bận tâm, cha cũng cũng còn một “Thẻ ATM tiết kiệm” để vững tâm hơn trong cuộc sống.

Có tiền sẽ mua được nhiều thứ. Nhưng không mua được sức khỏe và hạnh phuc gia đình!

“Sức khỏe là vàng”, “có sức khỏe là có tất cả”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta có những so sánh như vậy. Sức khỏe chính là một trong những thứ tài sản quý nhất mà chính cha lúc còn trẻ cũng ít quan tâm, để bây giờ mới thấy tiếc nuối.

Cha thường hay nói vui "còn trẻ lấy sức khỏe đi kiếm tiền, về già lấy tiền để kiếm sức khỏe". Cho nên, làm gì thì làm, các con cũng phải biết giữ gìn sức khỏe của chính mình. Sức khỏe tốt, cuộc sống lạc quan, suy nghĩ tích cực sẽ biến khó khăn thành cơ hội để thành công trên đường đời!

Tất cả mọi người trên thế gian đều cần hạnh phúc. Mọi người đều có nhận thức khác nhau về hạnh phúc. Nhưng trong mỗi người khi sinh ra và lớn lên, gia đình là nơi cho chúng ta nhiều hạnh phúc nhất.

Cha rất hạnh phúc khi ngày về hưu cũng là lúc các con đã trưởng thành. Trung Hiếu và Bảo Yến - cả hai đều học hành tử tế, có công ăn, việc làm ổn định, thu nhập khá, không phải nhận trợ cấp từ cha mẹ; Trung Thảo thì ngoan, không đua đòi, chăm chỉ học hành, thi cử đỗ đạt cao là niềm vui và hạnh phúc của mẹ cha. Đặc biệt, cha mẹ còn có cháu nội ngoan, khỏe mạnh thêm vui cửa, vui nhà.

Hạnh phúc hơn, các con còn có một gia đình, một đại gia đình. Ở đây có cô, dượng, có chú bác, có anh, có chị, các em, các cháu. Đây vừa là cái nôi, vừa là mái ấm, vừa là trường học cho mọi thành viên trong đại gia đình.

Theo lối sinh hoạt đã thành thông lệ, thành truyền thống của gia đình mình. Mỗi tuần gặp gỡ nhau vào thứ bảy và chủ nhật, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách. Đây là truyền thống của gia đình mình. Cha mong các con hãy phát huy truyền thống tốt đẹp ấy!

Cha luôn tin, với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh sẵn có sẽ giúp các con thành đạt trong cuộc sống!

Một lần nữa, tất cả những gì giờ đây Cha mẹ mong mỏi là các con thật khỏe mạnh, biết tự lo cho bản thân và lo cho gia đình của mình; vợ chồng các con hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy Xuân Trí khỏe mạnh, chăm ngoan là Cha và mẹ hạnh phúc lắm rồi!

Cần Thơ, ngày 05 tháng 03 năm 2015

Viết cho con.

Trần Thành Lập