Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển năng động, bền vững



Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, cây ăn trái, sản xuất mía đường không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước.

Theo số liệu thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước, 55,6% sản lượng lúa, trên 50% sản lượng trái cây, 54% sản lượng thủy sản, 35% sản lượng đường tinh luyện, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước...Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,9 tỷ USD, xuất khẩu gạo đạt gần 2,8 tỷ USD.

Đó là những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng sự phát triển kinh tế toàn vùng chưa thực sự vững chắc, còn quá nhiều khó khăn.

Theo PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đặt vấn đề từ những nghịch lý về hiện trạng kinh tế-văn hóa-xã hội tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong vai trò là vựa lúa gạo, thủy hải sản và trái cây lớn, phong phú nhất nước, nhưng lại là nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, điều kiện sinh hoạt kém nhất và an sinh xã hội không đạt so với cả nước.

Những nhược điểm cố hữu ở Đồng bằng sông Cửu Long là ruộng đất được phân chia manh mún, khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thô sơ, khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, không gắn thị trường...

Theo các chuyên gia, hiện nay mức độ cơ giới hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, khoảng 1/3 so với Thái Lan và 1/4 so với Trung Quốc. Chất lượng máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp hầu hết đã qua sử dụng, nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản...

Theo đánh giá của các nhà khoa học, tổn thất sau thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn thất ở mức 25% tương đương với 5 triệu tấn, trị giá 25.000 tỷ đồng. Tổn thất về trái cây và thủy sản ở mức cao.

Các sản phẩm nông, thủy sản chế biến chủ yếu là: lúa gạo, rau quả, các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Hầu hết các sản phẩm chế biến ở dạng sơ chế, tỷ lệ tinh chế còn rất thấp.

Trên lĩnh vực công nghiệp, chế biến thủy sản là ngành công nghiệp mũi nhọn, luôn chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng sản phẩm chế biến chỉ dừng lại ở mức cá tra phi lê, tôm đông lạnh, mực đông lạnh... Ngành công nghiệp sản xuất chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm chế biến chuyên sâu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 51 khu công nghiệp và khoảng 200 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy và thuê đất mới chiếm khoảng trên 50%

Vướng mắc lớn nhất của khu, cụm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là không theo quy hoạch tổng thể của toàn vùng, mỗi địa phương phát triển theo một cách, từ đó dẫn đến sự lãng phí về đất đai!

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Ý tưởng điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, GS-TS Bruno De Meuider, Trường đại học K.U. Leuven (Bỉ), cho rằng: “Địa phương nào cũng đua nhau xây dựng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Đây thực sự là một định hướng phát triển sai, làm phân tán nguồn lực, không phát huy được tiềm năng kinh tế”.

Nguyên nhân chính của công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chậm phát triển do sự bất cập về hệ thống kết cấu hạ tầng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao, thiếu nguồn lao động có trình độ kỹ thuật, chi phí đầu tư cao...

Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năng động, hiện đại, ngày 12 tháng 2 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là:

"Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao"

Và mục tiêu chung cho Đồng bằng sông Cửu Long là xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Cần có chiến lược rõ ràng và chính sách ổn định trong thời gian dài khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quyền sử dụng đất, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm không giới hạn về quy mô.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đầu tư chiều sâu cho các nhà máy chế biến; khai thác, sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất hàng tiêu dùng; mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu.

Ưu tiên quy hoạch lại sản xuất nông, thủy sản theo hướng cơ giới hóa trong canh tác, hiện đại hóa công nghiệp chế biến, bảo quản; xây dựng thương hiệu hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; thích ứng với thị trường trong và ngoài nước.

Khuyến khích, hỗ trợ vốn đầu tư phát triển ngành cơ khí nông nghiệp, trang bị máy móc thiết bị sản xuất, chế biến nông, thủy sản, sản xuất phụ tùng lắp ráp máy động lực, các sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Trên cơ sở rà soát các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển, chính quyền cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất năng lượng, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin...

Nguồn nhân lực là một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia và cán bộ khoa học-công nghệ đầu đàn; đào tạo, phát triển lực lượng lao động kỹ thuật cao có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc, từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong lao động. Đây là khâu đột phá trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, năng động, cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống năng lượng, thuỷ lợi, hạ tầng mạng viễn thông, hệ thống khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đô thị. Hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ cho toàn vùng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường.

Tăng cường liên kết kinh tế vùng để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, khai thác hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; để hình thành vùng nguyên liệu tập trung phát triển sản xuất, khắc phục tình trạng không gian kinh tế vùng bị chia cắt theo địa giới hành chính, đầu tư dàn trải, lãng phí, cục bộ địa phương.

Từ tiềm năng, lợi thế, đánh giá đúng thực trạng, có giải pháp đồng bộ, được sự đồng thuận của xã hội với quyết tâm cao, tin tưởng rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển năng động, bền vững trong một tương lai không xa./.


Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 24 tháng 04 năm 2015

Bài viết cho Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang


Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Giải pháp nào để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững?


Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội. Phát triển sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho số đông dân cư.

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Sau khi giải phóng, miền Bắc tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Bên cạnh những thuận lợi thì ngành nông nghiệp đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Với mục tiêu xây dựng một đất nước có nền kinh tế phát triển với nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”.

Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương lần thứ 16 đã ra Nghị quyết về “Hợp tác hóa trong nông nghiệp” theo phương thức: sở hữu cộng đồng, lao động tập thể, phân phối theo lao động.

Tuy nhiên, ngay từ đầu mô hình này đã bộc lộ rõ sự yếu kém qua năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất không cao, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nông dân ngày càng cảm thấy bất mãn với hợp tác xã, dẫn tới nhiều nơi khoán hộ để nông dân thoát nghèo.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, ngày 10-9-1966, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68- NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã nông nghiệp hiện nay” đánh dấu sự ra đời “khoán hộ” ở Tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến cuối năm 1979, ở Miền Nam đã thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Vậy mà sang năm 1980 các tổ chức này đã tan rã. Hậu quả là sản xuất nông nghiệp không phát triển trong khi dân số tăng, gây ra cảnh thiếu lương thực khiến từ năm 1976 đến 1980 mặc dù trong hoàn cảnh hòa bình Việt Nam phải nhập cảng 5,6 triệu tấn thực phẩm.

Sau khi khảo sát thực tiễn, ngày 13 tháng 1 năm 1981, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 100-CT/TW: "Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp". Tuy nhiên, khoán 100 chỉ có tác động tích cực trong một vài năm đầu.

Chính thời điểm đó, ngày 05/4/1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TW về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân và xác định vai trò kinh tế hộ nông dân”.

Như vậy, từ đại hội V, Đảng đã xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, Đại hội VI đã cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương đó nên rất chú trọng nghiên cứu chính sách quản lý nông nghiệp.

Kết quả thật kì diệu, sau đó chỉ một năm, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 sản lượng lúa gạo đạt con số 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn gạo.

Nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta trong giai đoạn này mà công cuộc đổi mới phát triển đúng hướng và từ năm 1989 có được những thành tựu bước đầu. Năm 1989, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới.

Từ đó, Trung ương tuyên bố : “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế hộ cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của hộ cá thể tư nhân”.

Sự “cởi trói” chính thức có ý nghĩa giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, đem lại sinh khí mới cho nền nông nghiệp nước nhà.

Sản lượng lúa của cả nước ngày càng tăng; trong năm 2012, Việt Nam đạt con số 43,7 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn mang lại 3,5 tỉ USD, Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Việc tự do hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, đã giúp Việt Nam là nước thứ nhất trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Trong năm 2014, có khoảng 47,8% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, và thuỷ sản. Tốc độ tăng tổng giá trị sản lượng toàn ngành nông nghiệp đạt 3,6%, tốc độ tăng giá trị GDP đạt 3,3% trong khi năm 2012, 2013 đều đạt mức 2,67, 2,68%. Trong đó, sản xuất lúa được mùa cả 3 vụ, sản lượng đạt 45 triệu tấn, tăng 2,3%, ngô, sắn, cà phê, chè, tiêu... đều tăng từ 4,8-7,2%. Chăn nuôi tăng sản lượng, được giá với nhiều cơ sở kiểu công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Thủy sản tăng mạnh về khai thác xa bờ, tăng 3,9%, nuôi trồng tăng 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm nghiệp năm qua đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% với trên 10 mặt hàng trên 1 tỷ USD.
(Nguồn Báo điện tử Chính phủ)

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, vai trò trung tâm của kinh tế hộ gia đình không thể đưa nền nông nghiệp phát triển bởi thiếu lợi thế về quy mô; kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp, không gắn kết tốt với chuỗi giá trị từ khâu giống, sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường.

Các mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển khó khăn. Những mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

Những nhược điểm cố hữu vẫn tồn tại: ruộng đất manh mún khiến sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó cơ giới hóa, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thô sơ, khiến tỷ lệ thất thoát cao, hệ thống phân phối yếu kém, không gắn thị trường...

Vấn đề là phải khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, trúng mùa thì mất giá, được giá thì thất mùa, sản xuất không theo thị trường...

Do đó, việc tập họp nông dân lại thành tổ chức là một nhu cầu bức bách và là điều các chuyên gia và nhà kinh tế đã kêu gọi từ nhiều năm. Nhưng cho đến nay không thấy thay đổi bao nhiêu. Lý do phải chăng là vì nói đến "hợp tác xã", dù là kiểu mới, đã để lại những ấn tượng không hay. Nhưng cũng có thể lực cản là từ đặc điểm tâm lý của chính người nông dân Việt Nam?

Tại buổi tọa đàm xây dựng hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL (16/04/2015), GS.TS, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, mạnh mẽ để tạo đột phá phát triển của nông nghiệp Việt Nam hiện nay".

Với mô hình cánh đồng mẫu lớn, một số mô hình liên kết với doanh nghiệp theo phương thức: doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng hay nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất và trở thành những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương, nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất và nhận tiền lương khi lao động; doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, khoa học kỹ thuật và tổ chức quản trị kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng chiến lược rõ ràng và chính sách ổn định trong thời gian dài khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quyền sử dụng đất, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để cá nhân, doanh nghiệp phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm không giới hạn về quy mô.

Mục tiêu trong tương lai là cần xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thay vì chỉ chú trọng đến những tăng trưởng về lượng. Do vậy, cần quan tâm và khuyến khích sự hình thành, phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 có nhiều nội dung quan trọng phải giải quyết, từ ruộng đất (tích tụ ruộng đất), tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cơ cấu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, đào tạo nghề...

Trong bài viết nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “... cần thấy rõ rằng, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ giới hóa nông nghiệp tăng nhanh, sản xuất hàng hoá nông nghiệp phát triển ngày càng cao với quy mô lớn, có phương thức sản xuất hiện đại, vùng sản xuất lớn, cho nên cần coi trọng phát hiện, nhân rộng các mô hình tốt về hợp tác, liên kết trong đầu tư, sản xuất nông, lâm nghiệp và khai thác hải sản trên biển. Đó là xu thế phát triển khách quan trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là chúng ta tác động định hướng hiện thực hóa xu thế đó thế nào cho vững chắc để sớm đạt được hiệu quả cao nhất”.
(Nguồn: daibieunhandan.vn)



Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 18 tháng 04 năm 2015

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Tỉnh Hậu Giang phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

1. Nhiệm kỳ 5 năm 2010 -2015, bên cạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục thì bậc học nền tảng mầm non được chú trọng đặc biệt với kết quả HG đã xóa xã trắng không trường mầm non,là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL làm được điều này. Xin ông cho biết rõ hơn về chủ trương của tỉnh, quá trình thực hiện để đạt được kết quả này.


Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Quyết định số 239/QĐ-TTg, ngày 9/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hâu Giang ban hành Chương trình thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015,

Tỉnh Hậu Giang, nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng giáo dục cả nước, là một trong những tỉnh khó khăn nhất về cơ sở vật chất. Theo thống kê của ngành giáo dục, toàn tỉnh có đến 1.400 phòng học xuống cấp cần sửa chữa, 101 phòng tre lá phải học nhờ, học tạm và 7 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo. Hầu hết những trường có phòng học tạm đều là những ngôi trường “4 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh, không sân chơi. Trường học kiểu này thường rất chật hẹp, được xây cất tạm bợ bằng cây lá trên đất mượn của người dân.

Nhận thức đầy đủ về mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn, tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình trường, lớp; xây dựng hệ thống trường lớp đảm bảo đủ điều kiện trường đạt chuẩn quốc gia, Sau 4 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, cùng với sự vào cuộc của các chính quyền, các tổ chức chính trị, toàn ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, từ đó nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục mầm non được nâng lên, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng, bước đầu thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

Với quyết tâm đó và tinh thần chủ động, sáng tạo, Hậu Giang phấn đấu xây dựng 38 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đến 2015 hoàn thành 100% đơn vị cấp huyện và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2010-2015.

Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 đã vực dậy bậc học này để xứng đáng với vai trò là bậc học nền tảng. Đề án đã góp phần làm thay đổi sâu sắc nhận thức của lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương và xã hội để phát triển giáo dục mầm non trong những năm tiếp theo. Tại Hậu Giang, nơi luôn bị đánh giá là vùng trũng giáo dục cả nước, sau 4 năm thực hiện đề án, bên cạnh những thành quả ban đầu, nhưng rất quan trọng.


2.Dấu ấn từ những ngôi trường mầm non ở Hg có sự nỗ lực đầu tư từ ngân sách. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Hg trong việc ưu tiên cho bậc học mầm non?

Mặc dù hạn chế, khó khăn về nguồn lực tài chính, nhưng các ngành chức năng, các địa phương đã bám sát Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đã cân đối ngân sách hợp lý cùng với nguồn lực khác đầu tư xây dựng. Nguồn lực đầu tư phải xử lý từ nhiều nguồn như: xổ số kiến thiết, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn xã hội hóa, ngân sách tỉnh, huyện… từ đó mới tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục mầm non Hậu Giang.

Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, đã kết hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp học theo hướng kiên cố và đạt chuẩn, gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từng bước củng cố, mở rộng mạng lưới trường, lớp bậc mầm non. Hậu Giang có 83 trường mầm non, mẫu giáo phủ khắp 100% xã, phường, với hơn 1.300 giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

Hàng năm tỉnh vận động trẻ 5 tuổi đến lớp đạt trên 95%; trong đó có hơn 13.400 trẻ 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay tỉnh đã đầu tư gần 350 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động xã hội hóa hơn 169,2 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn đó, tỉnh đã đầu tư đồng bộ hệ thống trường lớp, trang thiết bị, kiện toàn đội ngũ giáo viên…đây là một trong những điều kiện cần- có để Hậu Giang thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo đúng kế hoạch

3.Kinh nghiệm trong xây dựng trường mầm non mẩu giáo ở Hg có hiệu ứng tích cực từ sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp ( cụ thể qua việc vận động công nhân viên chức lao động đóng góp 1 ngày lương, sự tài trợ của các ngân hàng ). Ý kiến của ông đánh giá về vấn đề này như thế nào ?

Sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người của toàn Đảng, toàn dân. Để sự nghiệp giáo dục phát triển, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 thành công thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, các doanh nghiệp phải vào cuộc, cán bộ công chức và toàn dân phải vào cuộc.

Vốn ngân sách hạn chế, khó khăn, cho nên phải có sự quan tâm đồng bộ của hệ thống chính trị và một lộ trình thực hiện cụ thể, cần có tính toán chi ly và có vốn phân kỳ đầu tư hàng năm.

Để khắc phục những khó khăn này, trong Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Hậu Giang đã có kế hoạch vận động cộng đồng chung tay xây dựng trường mầm non, mẫu giáo.

Nhiều gia đình ở địa phương với những nghĩa cử cao đẹp như hiến đất xây trường; cán bộ, công chức, người lao động của ít lòng nhiều cũng sẵn sàng đóng góp 1 ngày lương; doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trong nhiều năm qua đã đồng hành, đóng góp rất to lớn cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo, cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang.

Với tổng số vốn huy động trên 169tỷ đồng, các địa phương đã triển khai xây dựng 40 điểm trường, 149 phòng học, 78 phòng chức năng, nâng cấp sửa chữa 12 phòng và các hạng mục phụ trợ khác. Đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 32 điểm đang triển khai xây dựng 08 điểm khác.

Nguồn vốn ấy đã bổ sung đáng kể cơ sở vật chất cho ngành học mầm non, mẫu giáo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước nâng tỷ lệ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (năm 2010 có 05 trường đạt chuẩn, năm 2014 có 26 trường đạt chuẩn, tăng 21 trường so năm 2010). Đã đáp ứng từng bước thực hiện đề án phổ cập cho trẻ 5 tuổi, hiện nay có 70/74 xã, phường đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi đạt 92,6%.

Hiệu quả từ các công trình xây dựng bằng nguồn vốn vận động đã tăng cường cơ sở vật chất đối với ngành học mần non đã giải quyết không còn tình trạng các xã phường không có trường mầm non, mẫu giáo; tạo điều kiện tốt để huy động học sinh mẫu giáo được đến trường nhất là vùng khó khăn, vùng đân tộc do đó hàng năm tỷ lệ huy động học sinh mẫu giáo đều vượt chỉ tiêu.

Thành công của công tác phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi đã tạo ra diện mạo mới cho giáo dục mầm non Hậu Giang. Quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, 100% số xã có trường hoặc điểm trường mầm non; tổng số trẻ trong độ tuổi đến trường tăng nhanh; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được chú trọng đầu tư và đang từng bước được chuẩn hóa là tiền đề quan trọng để sự nghiệp giáo dục Hậu Giang phát triển bền vững./.


BTV Huỳnh Nga – Đài phát thanh truyền hình Hậu Giang ( 0978 204 699 )


Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Má tôi thường nói: "Miếng ăn là miếng tồi tàn..."


Ngày xưa, cái tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Ngày ngày bắt ốc, hái rau. Có lần tham ăn rau đắng đồng tươi non xào với tép. Ăn nhiều đến bội thực, không làm gì nổi, chỉ biết nằm thở và nghe Má mắng: "Miếng ăn là miếng tồi tàn...". Thực ra tôi không phải tham ăn hay giành ăn, mà thấy ngon, nên cố ăn cho hết và Má tôi cũng chỉ mắng "yêu" mà thôi.


Ngày nay, đọc báo thấy nhiều chuyện thật đáng buồn cũng chỉ vì " miếng ăn..." Cảnh nhiều người chen lấn, xô đẩy khi ăn nhà hàng tự chọn, tranh ăn sushi miễn phí; hàng trăm người hôi beer mang về nhà trong tiếng van xin bất lực của người lái xe ở Biên Hòa;

“Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Để được thưởng thức các món đặc sản, nhiều người đã phải chịu đựng những lời chửi mắng thô lỗ của chủ quán. “Cháo mắng”, “phở chửi”, “ốc lắm mồm”… đang được nhiều người nhắc tới như những thứ “thương hiệu” của quê hương.

Đáng xấu hổ, rất khó tin, nhưng có thật: chuyện 24 con dê, 1.250 con gà hỗ trợ cho hộ nghèo đã đi "lạc" vào nhà cán bộ. Số tiền hỗ trợ người nghèo mua bò, lợn...đã không đến tay người dân mà lần lượt theo nhau vào nhà cán bộ hoặc anh em, họ hàng của các cán bộ.

Những câu chuyện thật như bịa này đã khiến không ít người dân bức xúc, bất bình. Đến mức, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11-9, bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải thốt lên: "Họ ăn của dân không từ một cái gì"

"Miếng ăn là miếng tồi tàn..." đã chỉ ra tính chất thấp hèn của con người xem "miếng ăn" là giá trị cuộc sống, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sự thỏa mãn nhất thời về vật chất mà không quan tâm đến việc hoàn thiện tâm hồn.

Hơn thế nữa, nó còn là đầu mối khởi lên biết bao tranh chấp, giành giật trong xã hội, chỉ bởi vì thế thái nhân tình vẫn luôn nghĩ đến “miếng ăn”.

Một miếng sushi, một tô phở, một vài lon beer, một con dê, một vài con gà có thể làm cho họ ngon miệng trong chốc lát, có thu nhập khá hơn, nhưng tư cách, đạo đức của họ thì sao? Tranh giành "miếng ăn" cho mình thì liệu con cháu của mình sau này có hành xử như vậy hay không? Thật nhục nhã nhưng cũng thật đáng thương!

Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 08 tháng 04 năm 2015

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Má tôi thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua..."


Bạn tôi kể: Chuẩn bị về quê tảo mộ, tu chỉnh lại mộ phần tổ tiên với đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, sự hiếu hạnh, thành kính với tổ tiên, ông bà trong tiết Thanh minh. Đây cũng là dịp con cháu sum họp gia đình, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn, vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách.

Nhân dịp này, bạn tôi hỏi xin tiền bà xã ( vì lương hưu bà xã quản hết ) định mua về quê thùng beer và vài thứ linh tinh để "nhâm nhi" cùng con cháu.

Đang chờ xe đến rước, bà xã bạn tôi nói: "tiền mới đưa hết rồi sao? ", " còn mấy triệu để trả tiền điện, nước đó!" Tội nghiệp, bạn tôi cụt hứng, phải gọi tôi cầu cứu!

Thương cho bạn tôi, càng tội hơn cho vợ bạn. Vài trăm ngàn có giá trị gì mấy đâu, có đáng gì lắm đâu, mà cô ta lại buông lời nói như vậy. Mà lại nói trong cái cảnh "đạo nghĩa" thế này?


Một "lời nói" dù vô tình hay hữu ý, thì cũng làm bạn tôi chạnh lòng! Có còn lời nói nào khác hơn không? Hay hơn không? Tế nhị hơn nữa không? Có đó, nhiều, rất nhiều lời hay, ý đẹp. Nhưng phải học và phải biết "lựa lời mà nói ".

"Ăn" phải học, " nói " càng phải học. Vì " lời nói " là ngôn ngữ, là phương tiện chủ yếu được sử dụng trong giao tiếp, nó là một phần quan trọng trong ứng xử giữa con người với nhau.

Ông bà ta vẫn thường dạy: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Người khôn ngoan, chín chắn luôn nói lời hay, ý đẹp, tình cảm, dễ nghe.

" Lời nói " phản ánh vốn sống, sự hiểu biết, trình độ học vấn của mỗi người. " Lời nói " cũng là thước đo đạo đức của mọi người.

Ông bà ta quan niệm lời ăn, tiếng nói luôn gắn liền với lễ nghĩa, đạo lí, hiếu hỷ. Trong gia đình, ngoài xã hội, có người trên, kẻ dưới, có người già, người trẻ, cho nên muốn nói gì đều phải cân nhắc, phải “lựa lời”.

Tóm lại, trong trường hợp cụ thể này, nếu cô vợ bạn tôi nói: " đây, anh cầm mấy trăm mua quà về quê, còn một ít để em trả tiền điện, nước ". Tuyệt vời!



Viết cho con
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 07 tháng 04 năm 2015

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Dân hài lòng với hệ thống “một cửa điện tử” Hậu Giang

Hệ thống “một cửa điện tử” ở Hậu Giang không đơn thuần là công cụ mà còn là một trong những phương thức quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước hiệu quả, dân chủ, minh bạch, dân hài lòng.

Ngày 21 tháng 8 năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã Quyết định áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” cho tất cả các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Và ngày 4/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định công bố cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung 3 cấp với 2.744 TTHC. Trong đó, cấp tỉnh: 2.215 TTHC, cấp huyện: 389 TTHC và cấp xã: 140 TTHC.

Như vậy đến nay, tất cả các sở, ban ngành tỉnh, 7 huyện, thị, thành và 74 xã, phường, thị trấn đều đã triển khai áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” có tích hợp cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính dùng chung 3 cấp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, các mẫu đơn, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

Tổ chức và công dân có thể điền và gửi trực tiếp các mẫu đơn đến cơ quan cung cấp dịch vụ và theo dõi, kiểm tra tình trạng giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng.

Sau thời gian hoạt động, "Một cửa điện tử" Hậu Giang đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong năm 2014, đã tiếp nhận: 102.037 hồ sơ; trong đó,đã giải quyết đúng hạn: 99.555 hồ sơ, đạt 92%. Chỉ riêng tháng 3 năm 2015 tiếp nhận: 15.906 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn: 14.125 hồ sơ, đạt 96,9%. Từ kết quả bước đầu ấy, người dân rất hài lòng và có nhận xét tích cực.

Chị Nguyễn Thị Sơn Nữ, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, chia sẻ: “Đến đây chứng giấy, tôi thấy văn phòng một cửa hiện đại giống như trên UBND huyện, cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, tôi thấy rất hài lòng.”.

Ông Lê Quốc Khánh đi làm thủ tục sang tên nhà đất ở Thành phố Vị Thanh thì bất ngờ, vì “Tôi thấy khác quá, nơi làm việc hiện đại, thoáng mát, văn minh. Nhân viên ai cũng có máy vi tính và thái độ vui vẻ, lịch sự, nhiệt tình hướng dẫn nếu mình không biết”.

Còn chị Phạm Thị Hải ở Thị trấn Long Mỹ cho biết: “Muốn theo dõi hồ sơ của mình chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin SMS hoặc tra cứu thông tin trên internet để biết tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình”.

Giải thích thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Đình Tuân, người quản trị hệ thống "Một cửa điện tử" Hậu Giang cho biết: Tổ chức và công dân có thể điền và gửi trực tiếp các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và theo dõi, kiễm tra tình trạng giải quyết hồ sơ của các cơ quan công quyền qua môi trường mạng.

Và chỉ cần nhập họ tên, hoặc nhập số CMND, hoặc mã biên nhận hồ sơ, hệ thống “một cửa điện tử” sẽ tự động thông báo kết quả tiến độ giải quyết hồ sơ của khách hàng. Hệ thống còn hỗ trợ tra cứu thông tin xử lý hồ sơ bằng tin nhắn SMS với cú pháp TCHS MaBienNhan gởi 8088, người dân có thể biết tình trạng hồ sơ của mình.

Việc áp dụng "một cửa điện tử" là một bước chuyển đổi nhận thức quan trọng, có tính đột phá trong cải cách hành chính và bước đầu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính, hạn chế tối đa những tiêu cực, sách nhiễu, giảm phiền hà, người dân hài lòng.

Chủ tịch UBND thị trấn Ngã Sáu Nguyễn Minh Cần chia sẻ “Làm ở bộ phận một cửa đòi hỏi từng cán bộ phải năng động, nhiệt tình, giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải gọn lẹ, chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời”.

Nói về hiệu quả và tiện ích khi áp dụng một cửa điện tử, ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ tâm sự: “hệ thống “một cửa điện tử” giúp cán bộ thực hiện việc thống kê quá trình xử lý và tổng hợp các thủ tục hành chính kịp thời, chính xác trên từng lĩnh vực; lãnh đạo có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của cán bộ tại bộ phận một cửa; hồ sơ có thể lưu giữ lâu dài; tiện lợi cho người dân khỏi tốn chi phí đi lại, ngồi tại nhà có thể tra cứu hồ sơ nếu có mạng internet”. Hệ thống tự động thống kê tình hình tiếp nhận, giải quyết và quản lý hồ sơ chặt chẽ và hiệu quả khi tìm kiếm thông tin.

Có thể nói, những kết quả bước đầu từ việc áp dụng hệ thống “một cửa điện tử” đã chứng minh rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính ở Hậu Giang, tiến tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.



Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 31 tháng 03 năm 2015