Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Lời nói từ tâm


Người bệnh, ngoài việc điều trị từ bác sĩ, chế độ ăn uống bồi dưỡng, rất cần sự quan tâm, thăm hỏi, động viên, chia sẻ từ người thân, bạn bè. Một ánh mắt, một nụ cười, một vẻ mặt thành tâm cũng nói lên rất nhiều điều giúp bệnh nhân có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua cơn đau.

Mấy ngày nay, tôi bị đau lưng do thoát vị đĩa điệm, nên đi lại rất khó khăn. Để bớt đau, tôi thường nằm nghỉ ngơi. Có lần, vừa đi học (mẫu giáo) về, chạy nhanh vào phòng hởi tôi: “ông Ẩm ơi, ông Ẩm hết đau lưng chưa ?”


Một câu nói ngay thơ của cháu, làm tôi vô cùng xúc động, mọi cơn đau dường như biến mất, bởi đây là lời nói từ tâm của cháu tôi (tôi biết không ai bảo cháu nói lời đó).

Đối với người thân, bạn bè, sự thăm hỏi kịp thời, một lời động viên chân thành bao giờ và luôn luôn là một nghĩa cử bình dị nhưng có nghĩa, có tình, là thái độ ứng xử đẹp trong mối quan hệ giữa người và người.

Cũng cần lưu ý, lời ăn, tiếng nói, cử chỉ khi hỏi thăm bệnh không nên khách sáo, không như ban ơn cũng không là quyền lực, quan trọng ở sự thành tâm.

Trần Thành Lập

Viết cho con

Cần Thơ, ngày 30 tháng 06 năm 2016

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Chúng tôi có một đại gia đình


Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng có gia đình và có một quê hương để mà thương mà nhớ. Nơi ấy là nơi ta cất tiếng khóc chào đời có nhiều kỷ niệm của tuổi thơ với biết bao niềm vui, nổi buồn cho đến khi trưởng thành.

Tôi cũng sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo, nghèo lắm. Tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Chị em tôi phải thức khuya, dậy sớm để đi cấy đổi lấy công cày, dù rôm sảy đầy mình, trời lạnh đến thấu xương!

Tuổi thơ tôi lớn lên bằng hơi ấm của ba, bằng tình thương của má! Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được ba má dạy rằng: chị em các con phải biết thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống.

Từ lúc còn bé xíu xiu, tôi rất yêu cái cảm giác được cùng gia đình quây quần bên mâm cơm bốc khói, vừa thưởng thức những hương vị thơm ngon của món canh chua cá lóc do má nấu. Ăn canh chua cá lóc, nhấm nháp vị chua đặc trưng của me hòa lẫn vị thơm thơm bùi bùi của thịt cá lóc, vị thơm ngọt ngào của rau thơm, rau quế, vị mặn mà của nước mắm nguyên chất của quê hương.

Những ngày Tết, tôi thích nhất là nồi thịt kho với hột vịt do má nấu. Thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ, nước thịt trong ngần vương lớp mỡ trong veo, miếng thịt thơm, mềm mà không ngấy mới ngon. Nồi thịt kho ngon để nửa tháng vẫn còn thơm lừng. Món này ăn với cơm trắng và dưa giá rất ngon.


Khi trưởng thành, dù mỗi người mỗi nơi, nhưng năm nào cùng vậy, cứ ngày mùng một Tết là anh chị em chúng tôi về nhà để đón Tết cùng ba má. Con cháu về đông đủ, má tôi mừng ra mặt. Ngày Tết là ngày ba má, gia đình tôi vui vẻ nhất. Các anh, chị, em chúng tôi đều tề tựu đông đủ để vui Xuân, đón Tết cùng gia đình.

Hạnh phúc nhất, vui vẻ nhất trong những ngày Tết có lẽ là được ông bà, ba má lì xì, chúc phúc̀. Rồi các cháu, các con xúm lại quanh ba má tôi để mừng tuổi ông bà. Niềm hân hoan, niềm vui lúc này dâng trào nơi khoé mắt má tôi.

Có nỗi nhớ nào hơn là nỗi nhớ nhà, nhớ ba, nhớ má. 16 năm rồi, lúc đó tôi không còn nhỏ, đủ để hiểu mất mát ấy lớn thế nào! Đến nay, tôi vẫn chưa tin rằng, gia đình mình đã vĩnh viễn mất Ba!

Có những đêm dài thèm nghe lời ru của má, những lời ru nghe mộc mạc nhưng thiết tha, tình cảm cũng như chính cuộc đời của má quanh năm lam lũ, tảo tần hy sinh cho chồng, cho con... Nhưng đã 6 năm rồi gia đình mình vắng má. Không ai tin là má đã đi xa…!

Nhưng nhờ ơn đức của má ba, chúng tôi còn có một gia đình, một đại gia đình. Ở đây có anh, có chị, các em, các cháu. Đây vừa là cái nôi, vừa là mái ấm, vừa là trường học cho mọi thành viên trong đại gia đình.

Theo lối sinh hoạt đã thành thông lệ, mỗi tuần gặp gỡ nhau vào thứ bảy và chủ nhật, Đây cũng là dịp sum họp gia đình, vừa ăn uống vui vẻ, vừa chia sẻ niềm vui, nổi buồn, vừa động viên con cháu học tập và rèn luyện nhân cách. Đây là truyền thống của gia đình tôi!

Thèm lắm được một lần trở về với gia đình tuổi thơ, nơi đó có hơi ấm của ba, có tình thương của má, có tiếng cười đùa của chị em tôi!



Viết nhân Ngày Gia đình Việt Nam
Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 27 tháng 06 năm 2016

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Hồ sơ Biển Đông: Chính nghĩa thuộc về Việt Nam.


Theo báo Philippines, ngày 7 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) có thể sẽ đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò trên Biển Đông và sẽ có tác động đến các bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam.

Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.


Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng tình huống mới đó sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam vận động quốc tế chống lại ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.

“Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để phá vỡ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.”

Trước những động thái quyết đoán của Trung Quốc, nhiều tổ chức quốc tế đã chính thức lên tiếng phản đối ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc.

Kết thúc hai ngày hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản ngày 27 tháng 5 năm 2016, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập đến vấn đề an ninh hàng hải.

Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi rất quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.

“Bất cứ tuyên bố chủ quyền nào cũng đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và các nước cần tránh các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để tuyên bố chủ quyền”, tuyên bố nhấn mạnh.

Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố thống nhất quan điểm với Mỹ về cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Đại diện thường trực của Pháp ở cộng đồng Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Pháp sẽ hành động khi Trung Quốc vượt ranh giới".

Tại hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ngày 14 tháng 6 năm 2016, các ngoại trưởng ASEAN khẳng định : « Chúng ta không thể bỏ qua những diễn biến trên Biển Đông vì điều đó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc ».

Các nước trong khu vực từ Philippines, Singapore, Indonesia đến Việt Nam, và nhiều quốc gia khác, từ Mỹ, Nhật, Úc, cho đến Đức, Pháp, tất cả đều đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt những hoạt động gây hấn trên Biển Đông và phải tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Trong khi đó, giới học giả cũng chia sẻ nhiều ý kiến về việc đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án quốc tế. Các hãng thông tấn, các tập đoàn truyền thông thế giới đã tỏ rõ thái độ, lên án mạnh mẽ trước sự leo thang và xem thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực vận động của Trung Quốc một vài quốc gia, nhất là Nga một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết, ủng hộ lập trường của họ tại Biển Đông.

Theo đó, hãng thông tấn Nga Itar TASS ngày 21 tháng 6 năm 2016 dẫn lời ông Denisov nói với báo chí rằng, những cáo buộc Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không có cơ sở thực tế.

Ngày 21 tháng 6 năm 2016, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không ủng hộ phán quyết của PCA.

"Đây không phải là vấn đề về luật pháp, nó hoàn toàn về chính trị. Tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ phán quyết nào của tòa", AFP hôm qua dẫn lời thủ tướng Campuchia nói.

Trước đó, Báo Nikkei của Nhật Bản, ngày 29 tháng 5 năm 2016, tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông

Tuy nhiên, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc Đại học Maine ở Hoa Kỳ cho rằng: “Việt Nam cần phải nói đó là vấn đề an ninh khu vực và thế giới, không phải song phương. Trung Quốc lấy đảo của Việt Nam, giết người Việt Nam đúng là dính đến Việt Nam nhưng bây giờ là vấn đề quốc tế.”

“Nếu Việt Nam đưa lý luận này ra trước quốc tế thì theo tôi nghĩ không những được sự ủng hộ của thế giới mà còn làm cho sự manh động của Trung Quốc cũng bớt đi.” RFI dẫn lời giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Nhiều chuyên gia cho rằng lời nói và việc làm của Trung Quốc không bao giờ đi đôi với nhau và từ đặc trưng của quan hệ láng giềng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chúng ta nên tranh thủ sự đoàn kết khu vực và quốc tế mới có thể chặn đứng tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Vì chính nghĩa thuộc về Việt Nam.


Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 25 tháng 06 năm 2016

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Quan hệ láng giềng và lợi ích Quốc gia



Khi tôi viết bài “Hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần” đăng trên mạng xã hội, có không ít ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng, quan hệ tốt với hàng xóm, láng giềng là một lối sống tốt đẹp của người Việt Nam từ xưa nay. Đó là tình làng nghĩa xóm, là truyền thống đoàn kết, là tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng.

Không ít người thì cho rằng, ngày nay để giữ được mối quan hệ “bình thường” với hàng xóm, láng giềng điều không đơn giản. Mình muốn tốt nhưng người ta không muốn, đôi khi chỉ vì một chút quyền lợi mà cãi cọ, bất hòa, tranh chấp, kiện tụng…

Gần đây, trong quan hệ ngoại giao, người ta thường dùng từ “láng giềng” để nói lên mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, gắn kết giữa các nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã khái quát thành phương châm “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng đặc biệt, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ láng giềng truyền thống lâu đời. Có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…

Ngày 28 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về "tầm nhìn châu Á" đã nhắc lại câu tục ngữ "bán anh em xa, mua láng giềng gần".

Nhưng muốn xây dựng quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí, đối tác tốt, điều quyết định không phải là lời nói, là khẩu hiệu mà cần phải hành động trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cần có độ tin cậy nhất định.

Sáng ngày 6 tháng 11 năm 2015, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Người thân thì mong người thân tốt, láng giềng thì mong láng giềng tốt. Đã là láng giềng khó tránh xảy ra va chạm, nhưng hai bên cần xuất phát từ đại cục hai nước".

Đặc trưng của quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử bang giao hai nước.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam nói ở Paris, “Trong lần tụi tôi dự hội thảo về biển Đông nhưng đã nói rằng Việt Nam và Trung Quốc giờ muốn đổi lại hàng xóm thì đâu có được. Mình không thể thay đổi thực trạng là Việt Nam có một hàng xóm như là Trung Quốc. " Dĩ nhiên, với lịch sử của hàng nghàn năm nay, người Việt Nam biết Trung Quốc như thế nào rồi.”

Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Cổ đại cho đến nay, từ các triều đại phong kiến phương Bắc cho đến nay không triều đại nào lại không đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Họ đã bằng mọi cách, dốc toàn lực để chống phá, thậm chí còn lôi kéo, kích động các nước láng giềng phối hợp với họ để chống phá Việt Nam.


Đặc biệt, gần đây cộng đồng quốc tế đang bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông.

Tiếp xúc cử tri ngày 01 tháng 7 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Biển Đông là vấn đề lớn, quan trọng, hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân và nhiều nước trên thế giới quan tâm, cũng là vấn đề liên quan đến sự ổn định, phát triển của đất nước sắp tới, cũng như việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc, “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

Tổng bí thư chia sẻ: “Trong lịch sử đã nhiều lần, ta luôn phải tìm cách chung sống hòa bình, thân thiện, hợp tác, phát triển, đồng thời giữ được độc lập, chủ quyền”, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là việc khó.

Thật vậy, xuất phát từ truyền thống đoàn kết, hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, như:"Dĩ hòa vi quý", "Một điều nhịn, chín điều lành", "Chín bỏ làm mười"… hay thói quen của cộng đồng trong việc giải quyết tranh chấp là không muốn đưa các tranh chấp ra trước các cơ quan tài phán để phán xử như: "Vô phúc đáo tụng đình", vì không muốn "Vạch áo cho người xem lưng" mà chủ yếu là "đóng cửa bảo nhau".

Nhưng Tổng bí thư cũng chỉ ra: “Ta đấu tranh toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trên tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, chiến tranh, đồng thời giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...”


“Đây là việc khó khăn, ta phải kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, sai một ly đi một dặm, mặt nào không tốt đều ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển đất nước”.

Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh: "đấu tranh bằng mọi biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý, không mong muốn chiến tranh, xung đột xảy ra nhưng phải chuẩn bị tất cả mọi phản ứng."

Sắp tới đây, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) sẽ đưa ra phán quyết về đường lưỡi bò trên Biển Đông và sẽ có tác động đến các bên tranh chấp, trong đó có Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ), với tư cách là một nước có lãnh thổ và bờ biển dài nhất, tức là có vùng đặc quyền kinh tế rộng nhất trong khu vực, cộng thêm với thực tế là nước chiếm hữu nhiều thực thể địa lý nhất ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam cần khéo léo tranh thủ phán quyết của tòa án quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc mình.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long khẳng định: “Phán quyết của Tòa Án Thường Trực lần này nếu định nghĩa rõ ràng là yêu sách đường lưỡi bò không có cơ sở luật pháp và Trung Quốc không được dùng cái “chủ quyền có tự ngàn xưa” này để cản trở lưu thông trên biển và trên không trong khu vực Biển Đông, thì ảnh hưởng sẽ rất tích cực đối với Việt Nam.”


Theo các nhà quan sát, phán quyết sắp tới không chỉ tác động đến Philippines và Trung Quốc, mà sẽ có ảnh hưởng trên các nước tranh chấp khác, từ Malaysia, Philippines, cho đến Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Báo Nikkei của Nhật Bản hôm qua, ngày 29 tháng 5 năm 2016 tường thuật rằng Thủ Tướng Lào Thongloun Sisoulith đưa ra lời kêu gọi đàm phán song phương giữa các nước tranh giành chủ quyền để giải quyết các cuộc tranh chấp Biển Đông.

Asia Nikkei Review dẫn lời ông Thongloun nói :“Trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ dồn mọi nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi cho đối thoại tích cực giữa các nước liên quan.”

Đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Thời buổi này, ai cũng phải nghĩ đến lợi ích quốc gia dân tộc mình, nên tạo sự ủng hộ của quốc tế cũng cần thực chất, thực lòng.”

Nhưng theo Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong: “nên giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.


Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 01 tháng 06 năm 2016