Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần



Ngày xưa, má tôi thường nói: “Anh em xa, không bằng láng giềng gần”. Đúng vậy, quan hệ láng giềng - cần thiết lắm, hệ trọng lắm. Bởi đó là mối quan hệ gần gũi, gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, thân tộc, mà cao hơn là sự gắn kết cộng đồng hàng xóm láng giềng.

Trong cấu trúc làng xã truyền thống ở Việt Nam, hàng xóm láng giềng là một nhóm gia đình có mối quan hệ trong khu vực cư trú, nó rất gần gũi, thân thuộc. Đó là tình làng nghĩa xóm, là truyền thống đoàn kết, là tương thân tương ái, được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt cộng đồng, đã khẳng định giá trị nhân văn trường tồn từ bao đời nay.

Chính vì vậy, mà từ rất xa xưa, ông cha ta đã sớm xây dựng những thỏa thuận, những Quy ước nhằm thống nhất hóa, chuẩn hóa các mối quan hệ xã hội. Nhờ thế mà tránh được những va chạm, mâu thuẫn; củng cố thêm mối quan hệ tốt đẹp hàng xóm, láng giềng.

Gần đây, trong quan hệ ngoại giao, người ta thường dùng từ “láng giềng” để nói lên mối quan hệ hữu nghị, gần gũi, gắn kết giữa các nước. Đặc biệt, Trung Quốc đã khái quát thành phương châm “4 tốt”: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân hai nước có mối quan hệ láng giềng truyền thống lâu đời. Có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội…

Ngày 28 tháng 03 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về "tầm nhìn châu Á" đã nhắc lại câu tục ngữ "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, các đại dương của châu Á phải trở thành vùng biển hòa bình, đồng thời ông kêu gọi hợp tác an ninh chung toàn diện cho một châu Á bền vững.

Phát biểu tại tọa đàm hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung tại Lạng Sơn, Thượng tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng nhắc lại: “Anh em xa, không bằng láng giềng gần”

Đặc trưng của quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã được thể hiện rất rõ trong lịch sử bang giao hai nước.

Nhưng muốn xây dựng quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng chí, đối tác tốt, điều quyết định không phải là lời nói, là khẩu hiệu mà cần phải hành động trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cần có độ tin cậy nhất định.

Thực ra, ngay từ năm 1965, trong cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã nói: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore … Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản …” (theo sách Sự thật về quan hệ Việt – Trung, của NXB Sự Thật).

Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Cổ đại cho đến nay, từ các triều đại phong kiến phương Bắc cho đến nay không triều đại nào lại không đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Họ đã dốc toàn lực để chống phá, thậm chí còn kích động các láng giềng đem lực lượng phối hợp với họ để chốnǵ phá Việt Nam.

Những cuộc xâm lược đó được biết đến từ những truyền thuyết xa xưa, như truyền thuyết thời Hồng Bàng, quốc gia Văn Lang của Hùng Vương phải phòng vệ trước sự xâm lược của nhà Ân.

Năm 207 TCN, Tần Thủy Hoàng sai Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương, dẫn đến hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Mãi đến năm 938 khi Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân ta đánh bại giặc Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc Thuộc, mở đầu thời kỳ độc lập.

Một lần nữa người Việt giành được độc lập, tự chủ cho mình, nhưng tham vọng thôn tính của phương Bắc Trung Quốc không chấm dứt trong suốt hơn 1.000 năm tiếp theo, cho đến hiện tại, ông cha ta tiếp tục đứng lên chiến đấu chống lại các cuộc xâm lược từ Nhà Tống, Nhà Nguyên, Nhà Minh, Nhà Thanh cho đến thời cận hiện đại.

Thật vậy, ngày 19 tháng 01 năm 1974, lợi dụng tình hình ở miền Nam Việt Nam và thế giới, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc bắt 49 lính hải quân Việt Nam Cộng hòa làm tù binh. Sau trận hải chiến đó,Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho đến nay.

Ngày 17 tháng 02 năm 1979, Trung Quốc huy động hàng chục sư đoàn bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam với tuyên bố đầy tính giang hồ của Đặng Tiểu Bình là để "dạy cho Việt Nam một bài học". Cuộc chiến ấy kéo dài chỉ ba tuần nhưng khoảng 30.000 người Việt thiệt mạng, một số địa phương biên giới phía bắc Việt Nam gần như bị hủy diệt hoàn toàn.

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, 9 tàu chiến hải quân Trung Quốc có trang bị pháo hạm và lính thủy đánh bộ bất ngờ tấn công 3 tàu vận tải chở công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, khu vực đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Trung Quốc đã bắn chìm 3 tàu vận tải và giết chết 64 chiến sĩ Việt Nam.


Ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam. Đây là một bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.


Chưa dừng ở đó, ngay đầu năm, ngày 02 tháng 01 năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Và mới đây, Trung Quốc lại triển khai hỏa tiễn ở Hoàng Sa. Ngày 12 tháng 04 năm 2016, 2 máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-11 của Trung Quốc đã được điều động tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Đây lại thêm một bước leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc. Và điều đó là một mối đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Dư luận cộng đồng quốc tế đang bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông; Công luận cần phải có một thái độ mạnh mẽ hơn và đặc biệt cần kêu gọi cộng đồng các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, tỏ rõ thái độ rõ ràng, cương quyết hơn và mạnh mẽ hơn trước sự leo thang của Trung Quốc…

Người Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia, dân tộc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, sản xuất nhiều hàng hóa có chất lượng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đã giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.

Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đã là người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước đều phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc, vì lợi ích quốc gia dân tộc, xác định đúng bạn, thù; phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”, “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Người căn dặn chúng ta: “Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người”. Chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết, khoan dung, nhân hậu, vị tha.

Thường xuyên họp báo, hội thảo quốc tế về biển, đảo; tận dụng tất cả các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, báo viết, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là các tập đoàn truyền thông quốc tế, kể cả Internet, mạng xã hội để đưa những thông tin lịch sử, khoa học minh chứng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Việc tăng cường tiềm lực quốc phòng là cần thiết để phòng vệ.

Xét từ góc độ địa lý, Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam, của khu vực Đông Nam Á, và rộng hơn là toàn vùng Đông Á, là một nước lớn, là người láng giềng đặc biệt, là một quốc gia Châu Á có sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội trong khu vực.

Câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay “Anh em xa, không bằng láng giềng gần” để chỉ một lối hành xử trong quan hệ xã hội. Ở đây, là người Việt Nam không ai muốn phải “bán anh em xa”, mà luôn luôn với thiện chí “hợp tác với anh em xa, hoà thuận với láng giềng gần”.




Trần Thành Lập
Viết nhân ngày 01 tháng 05 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam

Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016

Ký ức về một mái trường

Ký ức về một mái trường

Chiến tranh kết thúc, qua rồi một thời đội bom, đạp đạn, tôi được cơ quan cử đi học bổ túc văn hóa. Bỏ lại sau lưng sự tàn khốc của chiến tranh, tôi lại được cấp sách đến trường- Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang.

Bốn mươi năm, hơn nửa đời người, những ký ức về mái trường xưa lại hiện về, tôi như được sống lại những ngày tháng cũ, những ngày học trò hồn nhiên thơ mộng.

Dù thời gian cứ trôi, dù cuộc sống đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè trong những tháng năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu vẫn mãi mãi còn đọng lại trong tôi...

Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 Hậu Giang được thành lập năm 1976. Bởi vì sau chiến tranh, nguồn cán bộ rất thiếu và yếu về văn hoá, việc thành lập Trường Bổ túc văn hóa đã thể hiện tầm nhìn và quan điểm mang ý nghĩa chiến lược của nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương.

Gọi là trường Bổ túc văn hóa Công nông vì mục đích đào tạo là nhằm nâng cao trình độ văn hóa (mỗi năm hai lớp) cho cán bộ đã tham gia kháng chiến và con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Bên cạnh việc học văn hóa, học viên còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luậ̣t, biết sống hòa đồng trong một tập thể, biết đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống, lao động và học tập, chuẩn bị nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài để xây dựng quê hương sau chiến tranh.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy ngôi trường tọa lạc trên khu đất rộng có 3 tòa nhà một trệt, một lầu (được tiếp quản từ chế độ Sài Gòn) với 40 phòng đáp ứng yêu cầu học ba buổi: sáng, chiều, tối cho học viên. Gần đó, có một thư viện với hàng nghìn đầu sách đủ điều kiện phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu giảng dạy, học tập của thầy cô giáo và học viên.

Khu nhà tập thể với trên 100 phòng (cũng được tiếp quản từ khu gia binh chế độ Sài Gòn) dành cho 400 học viên nội trú. Có nhà ăn tập thể được trang bị đơn sơ phục vụ yêu cầu 3 bữa ăn hàng ngày cho học viên nội trú.

Thời tôi học, mọi thứ còn rất khó khăn. Việc phân phối hàng lương thực, thực phẩm theo kế hoạch: gạo 15 kg/tháng, thịt heo 1 kg/tháng, đường 0,8 kg /tháng, bột ngọt 0,3 kg /tháng, vải mặc 5 m/năm. Riêng chị em nữ được phân phối thêm 1 m vải mùng (bao cấp mà).

Có những lúc quá khó khăn, thầy trò chúng tôi ăn uống kham khổ suốt nhiều tháng liền. Thiếu gạo phải ăn bo bo, bột mì, khoai lang. Thức ăn chủ yếu là cá biển, rau muống nấu với nước lã cho bột ngọt vào làm canh... Vất vả là thế, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tự tin, cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt.

Chúng tôi luôn tự hào, một thời đã được làm học trò của một ngôi trường luôn vượt lên trên mọi khó khăn, thách thức với một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên tâm huyết, tận tâm, tận lực, chí nghĩa, chí tình “tất cả vì học sinh thân yêu”.


“Không thầy đố mầy làm nên”. Đúng rồi, chính thầy cô đã cho chúng tôi tri thức, chính thầy cô đã dạy chúng tôi đạo lí làm người, chính thầy cô đã để lại tấm gương sáng về không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý cao cấp, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt...

Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy cô giáo, cán bộ quản lý, công nhân viên Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang!

Còn nhiều lắm, nhiều lắm những kỷ niệm về trường xưa… 40 năm nhìn lại, bâng khuâng với những kỷ niệm xưa, nghĩ về sự học ở hiện tại, kỳ vọng về một nền giáo dục trong tương lai!


Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm, ngày thành lập Trường Bổ túc văn hóa Công nông cấp 2-3 tỉnh Hậu Giang

Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Ký ức 40 năm tổng tuyển cử bầu Quốc hội 25-4-1976



Chiến tranh kết th́úc vào Mùa Xuân năm 1975, non sông đã về một mối, nhưng về tính pháp lý và địa vị quốc tế, ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước với hai chính phủ khác nhau, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Vì vậy, thống nhất đất nước vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nguyện vọng thiết tha bậc nhất của toàn thể nhân dân ở cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam, là kỳ vọng lớn lao của cả dân tộc về xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Từ kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị đại biểu nhân dân hai miền Nam - Bắc, Hội đồng bầu cử toàn quốc quyết định tổ chức Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất vào ngày 25-4-1976, theo những nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín;

Nhớ lại ngày ấy, Chủ nhật 25/4/1976 là thời khắc quan trọng với những ký ức không thể phai mờ. Với tư cách là một công dân của một quốc gia độc lập, là một cử tri, tôi rất phấn chấn, háo hức khi lần đầu tiên sau chiế́n tranh được cầm lá phiếu trên tay đi bầu Quốc hội. Thực sự tôi đã không giấu nổi cảm xúc vinh dự, tự hào xen lẫn những kỳ vọng lớn lao vào Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất!


Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân tộc Việt Nam. Trong không khí tưng bừng với cờ hoa, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước, thực hiện quyền tự quyết bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam; nhà nước của một dân tộc vừa giành được độc lập, tự do!

Kết quả của Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội càng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh: “độc lập, tự do của dân tộc chỉ trở lên cao quý khi đó là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn và bền vững”. “Độc lập phải gắn với quyền tự quyết của dân tộc, các dân tộc không phân biệt lớn, nhỏ đều có quyền tự quyết định vận mệnh của mình”;

Độc lập dân tộc phải gắn với cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Có như vậy mới mang lại một nền độc lập thực sự, bền vững; độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do, dân chủ cho nhân dân, vì theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập chẳng ý nghĩa gì”.

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội đã phản ánh đậm nét tính dân chủ nhân dân và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân đã giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân thì phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc; phải có tấm lòng khoan dung, độ lượng với con người. Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”, “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Người căn dặn chúng ta: “Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người”. Chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời của tinh thần đoàn kết, khoan dung, nhân hậu, vị tha.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, với tư cách là một công dân, là một cử tri, tôi tin tưởng và kỳ vọng lớn lao vào Quốc hội khoá mới nhanh chóng triển khai hiện thực đầy đủ, có hiệu quả lời dạy của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương của Đảng:

“Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác trên tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển của đất nước về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội, hướng tới tương lai tươi sáng của dân tộc”.

Xác định đúng bạn, thù, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất!

Như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ kỷ niệm Ngày 30/4: "Mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc".


Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm, ngày Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam (25/4/1976-25/4/2016)

Cần Thơ, ngày 22 tháng 04 năm 2016

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Thư gửi cháu nội mới chào đời


Cần Thơ, ngày 09 tháng ̣04 năm 2016

Cháu MiNa bé nhỏ của ông!

Ngày 27 tháng 03, tại bệnh viện Phụ Sản Quốc Tế Phương Châu, TP. Cần Thơ, cả gia đình mình hồi hộp, đợi chờ khoảnh khắc cháu chào đời!

Cháu thật hạnh phúc! Có đầy đủ các thành viên trong gia đình, từ ông bà nội ngoại, cha Hiếu, chú Út Thảo cững chạy xe đạp đến, cả anh hai MiLo đều mong ngóng và chờ đón cháu với tư cách là thành viên mới trong gia đình. Cha Hiếu có vẻ lo lắng, chạy tới, chạy lui lo cho mẹ cháu. Anh hai MiLo thì vui lắm, chạy đùa giỡn khắp nơi.

Mẹ cháu vào phòng sanh khoảng chừng 40 phút sau thì cô y tá bước ra thông báo: Sanh rồi, đúng 7 giờ, con gái, nặng 3,3 kg. Chúc mừng “mẹ tròn, con vuông”!


Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc, ngập tràn niềm vui khi đón nhận tin “mẹ tròn, con vuông!” Chắc chắng rồi, cha Hiếu và mẹ Yến là những người hạnh phúc nhất. Bà nội thở phào sung sướng, chú Út Thảo thì mừng vui ra mặt!

Thật cảm động, chính bà ngoại là người cho cháu bú giọt sữa đầu tiên đó!
Cháu biết không, cách đây hơn 25 năm, mẹ cháu cũng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại. Cháu khó hình dung được ông bà ngoại đã cực khổ thế nào để nuôi mẹ cháu lớn khôn, với tình thương vô bờ bến đã nuôi nấng và dạy dỗ để có mẹ cháu như ngày hôm nay.

Và nay, hàng ngày bà ngoại vẫn đến tấm cho cháu. Đó chính là tình cảm sâu nặng, một ân tình lớn lao mà ông bà ngoại dành cho mẹ cháu.

Do đó, sau này khi lớn khôn, cháu cần phải thể hiện tự đáy lòng mình sự tôn kính, khắc ghi và đền đáp những công ơn to lớn đó!

Còn bà nội thì luôn luôn có tình cảm sâu sắc, dịu dàng, nhân hậu, không ngại khó, ngại khổ, hết lòng yêu thương mẹ cháu và anh hai MiLo.

Ngày ngày, bà nội đều hỏi mẹ cháu muốn ăn gì để bà nội mua. Bà nội lo lắng, chăm sóc cho mẹ cháu chu đáo từ việc ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi để hai mẹ con cháu được khỏe mạnh.

Cháu biết không, dù mắt nhìn không tốt lắm, nhưng bà nội vẫn thường xuyên, chịu khó nhặt hết tạp chất trong tổ yến, để chưng cho mẹ cháu ăn.

Thật cảm động, lúc mẹ cháu mang bầu khoảng chừng 5 tháng, nhưng thèm ăn bánh mì xá xíu, dù ngoài trời đang mưa to lắm nhưng bà nội vẫn dầm mưa đi tìm mua cho được bánh mì về cho mẹ cháu.

Trong nhà, anh hai MiLo được bà nội thương yêu nhiều nhất, nhưng cũng là người cực nhất với anh hai MiLo. Thực ra, anh hai MiLo cũng khá ngoan và khỏe mạnh, nhưng đôi khi cũng hơi khó ngủ và biếng ăn.


Thi thoảng, bà nội phải vát trên vai đi từ trước ra sau, từ sau ra trước, vừa đi vừa ru, anh Hai mới chịu ngủ. Khi ăn, thì đôi khi ngồi lâu cả giờ đồng hồ mới xong.

Anh hai MiLo cững khá năng động và tự tin, nên dạy dỗ cũng khá vất vả. Lúc trái gió trở trời thì bà nội lo đến mất ăn, mất ngủ. Cực thì có cực nhưng bà nội vui và hạnh phúc lắm!

Ngày bác sĩ nói cháu được về nhà, cả gia đình vui mừng chào đón cháu với tư cách là thành viên mới trong “tam đại đồng đường”. Với gia đình, cháu là thành viên bé bỏng và xinh đẹp nhất! Đó là điều thật tuyệt vời và hạnh phúc!

Cháu MiNa của ông!

Hơn 60 năm cuộc đời, ông đã từng có rất nhiều chuyện đáng nhớ. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là trong ba năm về nhà nghỉ hưu ông có được hai cháu nội kháu khỉnh, khỏe mạnh. Ông rất thích anh hai MiLo gọi ông với biệt danh là “ông Ẵm”!

Ông muốn các cháu biết rằng ông bà, cha mẹ sẽ luôn luôn ở bên các cháu, cầu mong các cháu luôn vui, khỏe, chăm, ngoan, học giỏi. Hãy tin lời ông, những điều tuyệt vời sẽ theo bước các cháu!

Cuộc sống mới của các cháu đầy hứa hẹn! Lớn lên, các cháu hãy sống hòa đồng với mọi ngưới, hãy tự tin vào cuộc sống! Hãy luôn luôn thân thiện, luôn luôn quan tâm, luôn luôn cởi mở với tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là với cha mẹ và người thân của các cháu. Gia đình sẽ luôn luôn ở bên các cháu, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và yêu thương các cháu hết lòng.

Ông tin rằng, các cháu sẽ hạnh phúc trong cuộc sống, thành công trong công việc!

Nên nhớ, các cháu sinh ra trong một gia đình luôn yêu thương các cháu hết lòng – đừng bao giờ quên điều đó!

Thương các cháu nhiều!


Ông Ẵm
Cần Thơ, ngày 09 tháng ̣04 năm 2016