Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014
Nhớ về mái trường xưa
Dù thời gian cứ trôi, dù cuộc sống đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp về những tháng năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu mang tên người thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám vẫn mãi mãi còn đọng lại trong tôi...
Năm 16 tuổi, má đưa tôi vào chiến khu, theo ba tham gia cách mạng. Được mấy chú cho đi học văn hóa ỏ trường Lê Văn Tám thuộc Tiểu ban Giáo dục, Ban Tuyên huấn Tỉnh Sóc Trăng.
Khi học viên đã tập trung đầy đủ, các chú ở Tiểu ban Giáo dục triển khai chủ trương, nhiệm vụ của lớp, địa điểm cất trường và kế hoạch học tập...
Đây là lớp học đặc biệt, chỉ đào tạo văn hóa cho học viên sau này về công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh Sóc Trăng.
Lớp có 20 học viên, 4 nữ, 16 nam, tuổi từ 13 đến 16, cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", chủ yếu là con em cán bộ, bộ đội và gia đình cách mạng.
Lớp được chia thành 3 tổ, tôi được giao nhiệm vụ làm lớp trưởng. Thầy Quốc Việt vừa là giáo viên giảng dạy vừa phụ trách chung, cô Lài phụ trách y tế của lớp.
Sau khi nhận nhiệm vụ, thầy Quốc Việt cùng một vài anh em trong chúng tôi bơi xuồng tìm địa điểm, cây, lá để chuẩn bị cất trường.
Chúng tôi quyết định chọn vàm Cái Chanh, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân làm địa điểm cất trường.
Đây là khu rừng vùng sâu, chủ yếu là rừng tràm và lá dừa nước, không còn người ở vì sự ác liệt của đạn bom.
Chúng tôi chia nhau thành nhiều nhóm. Nhóm mấy anh nam, sức khỏe tốt thì lội vào rừng đốn tràm về làm cột, kèo, đòn tay, rui, mè; nhóm thì vào rừng đốn lá dừa nước về chầm lại để lợp nhà; nhóm khác thì phát hoang lau sậy, đào đấp nền trường, nhà ăn, nhà ở, hầm tránh bom. Chiến tranh mà! Còn cô Lài cùng các bạn nữ thì lo hậu cần, cơm nước.
Vất vả lắm vì công việc quá với sức của lứa tuổi chúng tôi. Nhưng rất vui vì mỗi người một việc, ai cũng cố gắng hết mình, đoàn kết, thương yêu, giúp nhau trong lao động.
Sau hơn một tuần khẩn trương, vất vả của thầy trò chúng tôi thì phòng học, nhà ăn, nhà ở cho học viên nam, nữ được dựng lợp hoàn chỉnh, khang trang, sạch đẹp. Hầm tránh bom cũng đào đắp xong, được ngụy trang rất cẩn thận, an toàn. Những con đường từ nhà ở, nhà ăn đến phòng học được nối với nhau bằng những cây cầu tràm.
Tôi vẫn luôn nghĩ, đây là ngôi trường đẹp đối với chúng tôi; ngôi trường với mái lá đơn sơ do thầy trò cùng xây cất, ngôi trường giản dị mà ẩn chứa biết bao điều tốt đẹp thân thương; nó gắn liền với tuổi mới xa gia đình, hòa vào cuộc sống lao động tập thể, chan chứa niềm tin và hy vọng.
Chiến tranh vẫn ác liệt, bom cày, đạn xới, vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, ngày ngày, chúng tôi lên lớp tiếp thu nhiều kiến thức quý báu từ người thầy kính yêu.
Thầy truyền thụ cho chúng tôi nhiều kiến thức vô cùng quý báu. Chúng tôi như nuốt lấy từng lời, từng chữ, từng câu. Đêm đêm, khi không nghe tiếng máy bay do thám, chúng tôi chia tổ học thêm bên những ngọn đèn dầu.
Không chỉ học văn hóa, chúng tôi còn phải học cách sử dụng súng trường, tuần tra cách gác, phòng gian bảo mật...Chiến tranh mà!
Có những giai đoạn chiến tranh ác liệt, thiếu gạo, thầy trò chúng tôi ăn uống kham khổ suốt nhiều tháng liền. Thức ăn chủ yếu là khô cá mặn, khoai rạng hoặc rau dệu nấu với nước lã cho bột ngọt vào làm canh...
Vất vả là thế, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tự tin, cố gắng trong học tập và rèn luyện.
Sau đó, trường chúng tôi được quyết định chuyển sang xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân.
Ở đây, chúng tôi mượn nhà bà con làm phòng học, sống chung với gia đình bà con - cùng ăn, cùng ở, cùng làm.
Thật đáng quý trước những nghĩa cử cao đẹp của người dân nơi đây, bà con sẵn sàng giúp đỡ, yêu thương, dạy dỗ chúng tôi như con cháu của chính mình. Bà con là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm tình thương cho chúng tôi trong những tháng năm xa nhà!
Một năm học tập và rèn luyện, chúng tôi không chỉ đã biết đọc, biết viết, biết làm toán mà còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, lao động, biết sống hòa đồng trong một tập thể, biết đoàn kết, thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống, lao động và học tập; biết "yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ " và học được bài học làm người...
Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm chấm dứt chiến tranh
Cần Thơ, ngày 22 tháng 12 năm 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét