Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014
Ác mộng về chiến tranh
Chiến tranh đã khép lại gần 40 năm, nhân dân Việt Nam phải vượt qua bao khó khăn để xây dựng lại quê hương. Những đổi thay đang xoá dần sự đổ nát của một thời đạn bom, hàn gắn lại vết thương chiến tranh.
Nhưng có những vết thương mà gần nữa đời người rồi vẫn chưa hàn gắn được. Nỗi ám ảnh bởi những gì trải qua trong chiến tranh luôn gây cho tôi những cơn ác mộng khủng khiếp.
Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ rung trời của bom tấn, tiếng rền vang, xé gió của pháo bầy. Đồng đội, bạn bè, người dân vô tội đã ngã xuống vì đạn bom. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, tang thương chất chồng!
Chiến tranh là điều khủng khiếp và tàn nhẫn. Nó đã cướp đi thời niên thiếu của chúng tôi.
Mới 6 tuổi đầu, tôi đã chứng kiến một cuộc thảm sát kinh hoàng! Ngày 17 tháng 05 năm 1962, 24 người ở quê tôi, ấp Định Hòa, xã Gia Hòa, huyện Mỹ Xuyên đã bị lính biệt kích giết chết. Trong đó có 4 em nhỏ ở đoàn ca múa Ánh Hồng.
Họ bị giết bằng hành động rất dã man như: mổ mật, moi gan, cắt đầu, kéo xác thả trôi sông. Tiếng khóc tìm chồng, gọi cha nghe thảm thiết, xót thương!
Năm 16 tuổi, má đưa tôi vào chiến khu, theo ba tham gia cách mạng.
Chiến tranh vẫn ác liệt, trước khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Lấn đất, giành dân, bom cày, đạn xới, bom chồng hố bom, nhằm hủy diệt sự sống bằng vũ khí tối tân, hiện đại.
Tôi vẫn còn kinh hoàng, vào sáng sớm ngày 16/1/1973, nhiều máy bay B52 ném hàng loạt bom tấn xuống ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng sát hại nhiều người dân vô tội. Trong đó có 8 nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn cải lương Chuông Vàng, 2 giáo viên ở Tiểu ban giáo dục và rất nhiều người thương vong.
Tôi đã đọc nhiều tài liệu viết về "Cuộc chiến Việt Nam”. Tất cả đều cho rằng đây là cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu và đầy nước mắt. Gần tám triệu người Việt Nam bị chết và bị thương tật. Hơn 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam - đi-ô-xin trong đó hơn một triệu người đã chết và hơn 150.000 trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc đang từng ngày đau đớn. 58 nghìn binh lính Mỹ bị thiệt mạng, 300 nghìn người Mỹ bị tàn phế. Hàng chục nghìn người Mỹ và quân lính các nước chư hầu chịu hậu quả chất độc hóa học và di chứng chiến tranh tại Việt Nam...
Sống sót sau chiến tranh với những ký ức mà tôi không thể nào quên được. Bom, đạn đã làm tôi hết cả tuổi xuân.
Vết thương trên da thịt có thể được chữa lành, nhưng vết thương lòng của nhiều thế hệ vẫn còn rỉ máu. Lòng người vẫn chia cắt, hận thù vẫn còn là một hố sâu ngăn cách chưa thể hàn gắn. Hậu quả của chiến tranh nó cứ ám ảnh, day dứt lòng người.
Hãy tiếp tục tự chữa lành những vết thương lòng và hãy tha thứ, quên đi những bi kịch đau buồn của cuộc chiến tranh. Vì nó đã gây ra đau thương cho rất nhiều người!
Người ta sinh ra để mưu cầu hạnh phúc, chứ không phải đánh nhau và làm một cuộc chiến nhiều máu để giành quyền lực!
Các dân tộc cần được sống để thương yêu, hợp tác, giúp nhau cùng phát triển trong hòa bình!
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 26 tháng 04 năm 2015
Viết nhân 40 năm, ngày giải phóng miền Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét