Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014
Nhiệm vụ đầu tiên của tôi-ghi tin đọc chậm
Kết thúc khóa học, trở về cơ quan, tôi được các chú lãnh đạo Tiểu ban Thông tấn-Báo chí quyết định phân công nhiệm vụ: ghi tin đọc chậm. Được trang bị tập, bút và một chiếc radio hiệu National.
Tôi vui lắm vì đây được xem là nhiệm vụ cách mạng- nhiệm vụ đầu tiên được các chú tin tưởng giao cho mình.
Nhưng cũng rất lo vì trình độ chữ nghĩa, văn chương còn kém lắm và cũng chưa có kinh nghiệm ghi chép, nhất là ghi tin đọc chậm, nên tôi phải hết sức cố gắng, khiêm tốn học hỏi, nghiêm túc và tận tụy trong công việc.
Để kịp thời cung cấp thông tin, mỗi ngày Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đều có buổi phát thanh đọc chậm để các địa phương, đơn vị ghi chép phục vụ cho công tác tuyên truyền.
Năm 1972 chiến tranh rất ác liệt, diễn ra trên diện rộng cả Nam và Bắc Việt Nam, có sự tham gia của quân đội Mỹ với hải, lục, không quân.
Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng liên tục phát đi các bản tin thời sự nóng hổi từ chiến trường Đông Nam Bộ, Bắc Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế; Đồng bằng Nam Bộ, Trung Trung Bộ; các trận đánh trên không ỏ Hà Nội, Hải phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Vinh và các vùng lân cận.
Mỗi ngày tôi phải hết sức cố gắng, tập trung ghi chép đầy đủ, chính xác thông tin, trình duyệt kịp thời là đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công
Đầu tháng 5 năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin: "thị xã Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng". Chép xong bản tin, tôi trình ngay cho đồng chí Tổng biên tập duyệt qua để kịp phát hành.
Sau này, tôi nghe kể lại, trong 81 ngày đêm, nhiều chiến sĩ đã mãi mãi hóa thân vào dòng sông Thạch Hản, dưới lòng đất Thành cổ Quảng Trị đầy máu và xương. Linh hồn của các anh trở thành hồn thiêng sông nước.
Chiến tranh thật khốc liệt. Biết bao máu xương của người Việt đã đổ trên mảnh đất này. Và nếu có thể, trong tương lai, đừng có thêm những “81 ngày đêm” kia nữa.
Ngày 17 tháng 12 năm 1972, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin không quân Mỹ lại đánh bom miền Bắc Việt Nam. Người Mỹ gọi đây là chiến dịch Linebacker II nhằm "đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá" Họ huy động 197 trên tổng số 400 chiếc B-52, gần một phần hai số máy bay chiến thuật và một phần tư số tàu sân bay.
Nhưng sau 12 ngày đêm, 34 máy bay B-52 đã bị bắn rơi. Nhiều phi cơ chiến lược khác của Mỹ cũng chịu chung số phận.
Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc và họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Chiến tranh vẫn ác liệt, lấn đất, giành dân, bom cày, đạn xới, bom chồng hố bom, nhằm hủy diệt sự sống bằng vũ khí tối tân, hiện đại.
Không khuất phục được ý chí cách mạng của dân tộc Việt Nam, ngày 27.1.1973, Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi toàn văn Hiệp định Paris thì từ thành thị đến nông thôn cờ hoa rợp trời, niềm vui như vỡ òa. Ai cũng tin rằng, chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại ở Việt Nam.
Nhưng Hiệp định vừa ký chưa ráo mực, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành “Kế hoạch tràn ngập lãnh thổ”, phá hoại Hiệp định, chiếm đất, giành dân, xoá vùng giải phóng, tiêu diệt lực lượng và cơ sở cách mạng.
Trên địa bàn Tây Nam Bộ, giao tranh rất ác liệt với hàng trăm tiểu đoàn của nhiều sư đoàn, trung đoàn, lữ đoàn chủ lực, với các loại máy bay chiến đấu hiện đại và các loại bom pháo rải thảm dày đặc, khốc liệt.
Trong bối cảnh cực kỳ ác liệt và phức tạp đó, quân và dân khu 9 liên tục phản công, đánh trả quyết liệt để giữ đất, bảo vệ dân, giành quyền làm chủ, giành thắng lợi.
Năm 1974, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng liên tục đưa tin chiến sự và chiến thắng của quân và dân miền Nam. Chiến thắng Đức Phong, Bù Đăng, Bù Đốp, giải phóng Bù Na, Đồng Xoài, Phước Bình, Phước Long;
Đầu năm 1975, giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam Trung Bộ; tiếp đến là Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi cũng được giải phóng.
Quen dần với công việc và từ những tin chiến thắng ngoài mặt trận giúp tôi tự tin hơn, ghi chép đầy đủ tin tức chiến sự, bình luận, xã luận, kịp thời trình duyệt để in ấn, phát hành, làm tài liệu tuyên truyền cho cán bộ ở các đơn vị và địa phương.
Và đầu năm 1975, tôi được phân công đi cùng với lực lượng vũ trang để thu thập thông tin từ chiến trường.
Đầu tháng tư năm 1975 Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng đồng loạt đưa tin "chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu". Tin tức thời sự liên tục phát đi "Dinh Độc Lập" bị đánh bom; giải phóng Xuân Lộc, Phan Rang...
Mỹ tuyên bố "Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ", Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống của Chính phủ Việt Nam cộng hòa.
11 giờ 30 phút, tôi nhận được tin từ Đài Phát thanh Giải phóng "Sài gòn được giải phóng" lá cờ cách mạng tung bay trên nóc "Dinh Độc Lập". Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Trên đà chiến thắng, các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt tiến công và nổi dậy, các đảo và cả miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.
Vậy là chiến tranh đã kết thúc! Một cảm xúc nghẹn ngào, một niềm vui khó tả. Không có ngôn ngữ nào diễn đạt được tâm trạng vui mừng của những người đã trải qua khói lửa của đạn bom.
Hoà bình rồi! Chiến tranh kết thúc rồi! Chúng tôi ôm nhau khóc, cười như trẻ thơ, bàng hoàng, ngất ngây.
Mình được sống rồi! Má ơi! Mình được sống rồi!
Tôi trưỏng thành từ cái "nghề" ghi tin đọc chậm.
40 năm chiến tranh đã khép lại. Những đổi thay đang xóa dần sự đổ nát của một thời đạn bom. Nhưng hậu quả của chiến tranh nó cứ ám ảnh, làm day dứt lòng người, vì nó đã gây ra đau thương cho rất nhiều người!
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 26 tháng 12 năm 2014
Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014
Nhớ về mái trường xưa
Dù thời gian cứ trôi, dù cuộc sống đã trải qua bao thăng trầm, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp về những tháng năm học tập và rèn luyện dưới mái trường thân yêu mang tên người thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám vẫn mãi mãi còn đọng lại trong tôi...
Năm 16 tuổi, má đưa tôi vào chiến khu, theo ba tham gia cách mạng. Được mấy chú cho đi học văn hóa ỏ trường Lê Văn Tám thuộc Tiểu ban Giáo dục, Ban Tuyên huấn Tỉnh Sóc Trăng.
Khi học viên đã tập trung đầy đủ, các chú ở Tiểu ban Giáo dục triển khai chủ trương, nhiệm vụ của lớp, địa điểm cất trường và kế hoạch học tập...
Đây là lớp học đặc biệt, chỉ đào tạo văn hóa cho học viên sau này về công tác ở Ban Tuyên huấn Tỉnh Sóc Trăng.
Lớp có 20 học viên, 4 nữ, 16 nam, tuổi từ 13 đến 16, cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", chủ yếu là con em cán bộ, bộ đội và gia đình cách mạng.
Lớp được chia thành 3 tổ, tôi được giao nhiệm vụ làm lớp trưởng. Thầy Quốc Việt vừa là giáo viên giảng dạy vừa phụ trách chung, cô Lài phụ trách y tế của lớp.
Sau khi nhận nhiệm vụ, thầy Quốc Việt cùng một vài anh em trong chúng tôi bơi xuồng tìm địa điểm, cây, lá để chuẩn bị cất trường.
Chúng tôi quyết định chọn vàm Cái Chanh, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân làm địa điểm cất trường.
Đây là khu rừng vùng sâu, chủ yếu là rừng tràm và lá dừa nước, không còn người ở vì sự ác liệt của đạn bom.
Chúng tôi chia nhau thành nhiều nhóm. Nhóm mấy anh nam, sức khỏe tốt thì lội vào rừng đốn tràm về làm cột, kèo, đòn tay, rui, mè; nhóm thì vào rừng đốn lá dừa nước về chầm lại để lợp nhà; nhóm khác thì phát hoang lau sậy, đào đấp nền trường, nhà ăn, nhà ở, hầm tránh bom. Chiến tranh mà! Còn cô Lài cùng các bạn nữ thì lo hậu cần, cơm nước.
Vất vả lắm vì công việc quá với sức của lứa tuổi chúng tôi. Nhưng rất vui vì mỗi người một việc, ai cũng cố gắng hết mình, đoàn kết, thương yêu, giúp nhau trong lao động.
Sau hơn một tuần khẩn trương, vất vả của thầy trò chúng tôi thì phòng học, nhà ăn, nhà ở cho học viên nam, nữ được dựng lợp hoàn chỉnh, khang trang, sạch đẹp. Hầm tránh bom cũng đào đắp xong, được ngụy trang rất cẩn thận, an toàn. Những con đường từ nhà ở, nhà ăn đến phòng học được nối với nhau bằng những cây cầu tràm.
Tôi vẫn luôn nghĩ, đây là ngôi trường đẹp đối với chúng tôi; ngôi trường với mái lá đơn sơ do thầy trò cùng xây cất, ngôi trường giản dị mà ẩn chứa biết bao điều tốt đẹp thân thương; nó gắn liền với tuổi mới xa gia đình, hòa vào cuộc sống lao động tập thể, chan chứa niềm tin và hy vọng.
Chiến tranh vẫn ác liệt, bom cày, đạn xới, vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, ngày ngày, chúng tôi lên lớp tiếp thu nhiều kiến thức quý báu từ người thầy kính yêu.
Thầy truyền thụ cho chúng tôi nhiều kiến thức vô cùng quý báu. Chúng tôi như nuốt lấy từng lời, từng chữ, từng câu. Đêm đêm, khi không nghe tiếng máy bay do thám, chúng tôi chia tổ học thêm bên những ngọn đèn dầu.
Không chỉ học văn hóa, chúng tôi còn phải học cách sử dụng súng trường, tuần tra cách gác, phòng gian bảo mật...Chiến tranh mà!
Có những giai đoạn chiến tranh ác liệt, thiếu gạo, thầy trò chúng tôi ăn uống kham khổ suốt nhiều tháng liền. Thức ăn chủ yếu là khô cá mặn, khoai rạng hoặc rau dệu nấu với nước lã cho bột ngọt vào làm canh...
Vất vả là thế, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, tự tin, cố gắng trong học tập và rèn luyện.
Sau đó, trường chúng tôi được quyết định chuyển sang xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân.
Ở đây, chúng tôi mượn nhà bà con làm phòng học, sống chung với gia đình bà con - cùng ăn, cùng ở, cùng làm.
Thật đáng quý trước những nghĩa cử cao đẹp của người dân nơi đây, bà con sẵn sàng giúp đỡ, yêu thương, dạy dỗ chúng tôi như con cháu của chính mình. Bà con là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm tình thương cho chúng tôi trong những tháng năm xa nhà!
Một năm học tập và rèn luyện, chúng tôi không chỉ đã biết đọc, biết viết, biết làm toán mà còn được rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, lao động, biết sống hòa đồng trong một tập thể, biết đoàn kết, thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống, lao động và học tập; biết "yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ " và học được bài học làm người...
Trần Thành Lập
Viết nhân 40 năm chấm dứt chiến tranh
Cần Thơ, ngày 22 tháng 12 năm 2014
Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014
Ác mộng về chiến tranh
Chiến tranh đã khép lại gần 40 năm, nhân dân Việt Nam phải vượt qua bao khó khăn để xây dựng lại quê hương. Những đổi thay đang xoá dần sự đổ nát của một thời đạn bom, hàn gắn lại vết thương chiến tranh.
Nhưng có những vết thương mà gần nữa đời người rồi vẫn chưa hàn gắn được. Nỗi ám ảnh bởi những gì trải qua trong chiến tranh luôn gây cho tôi những cơn ác mộng khủng khiếp.
Tiếng gầm rú của máy bay, tiếng nổ rung trời của bom tấn, tiếng rền vang, xé gió của pháo bầy. Đồng đội, bạn bè, người dân vô tội đã ngã xuống vì đạn bom. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, tang thương chất chồng!
Chiến tranh là điều khủng khiếp và tàn nhẫn. Nó đã cướp đi thời niên thiếu của chúng tôi.
Mới 6 tuổi đầu, tôi đã chứng kiến một cuộc thảm sát kinh hoàng! Ngày 17 tháng 05 năm 1962, 24 người ở quê tôi, ấp Định Hòa, xã Gia Hòa, huyện Mỹ Xuyên đã bị lính biệt kích giết chết. Trong đó có 4 em nhỏ ở đoàn ca múa Ánh Hồng.
Họ bị giết bằng hành động rất dã man như: mổ mật, moi gan, cắt đầu, kéo xác thả trôi sông. Tiếng khóc tìm chồng, gọi cha nghe thảm thiết, xót thương!
Năm 16 tuổi, má đưa tôi vào chiến khu, theo ba tham gia cách mạng.
Chiến tranh vẫn ác liệt, trước khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam. Lấn đất, giành dân, bom cày, đạn xới, bom chồng hố bom, nhằm hủy diệt sự sống bằng vũ khí tối tân, hiện đại.
Tôi vẫn còn kinh hoàng, vào sáng sớm ngày 16/1/1973, nhiều máy bay B52 ném hàng loạt bom tấn xuống ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng sát hại nhiều người dân vô tội. Trong đó có 8 nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn cải lương Chuông Vàng, 2 giáo viên ở Tiểu ban giáo dục và rất nhiều người thương vong.
Tôi đã đọc nhiều tài liệu viết về "Cuộc chiến Việt Nam”. Tất cả đều cho rằng đây là cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu và đầy nước mắt. Gần tám triệu người Việt Nam bị chết và bị thương tật. Hơn 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam - đi-ô-xin trong đó hơn một triệu người đã chết và hơn 150.000 trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc đang từng ngày đau đớn. 58 nghìn binh lính Mỹ bị thiệt mạng, 300 nghìn người Mỹ bị tàn phế. Hàng chục nghìn người Mỹ và quân lính các nước chư hầu chịu hậu quả chất độc hóa học và di chứng chiến tranh tại Việt Nam...
Sống sót sau chiến tranh với những ký ức mà tôi không thể nào quên được. Bom, đạn đã làm tôi hết cả tuổi xuân.
Vết thương trên da thịt có thể được chữa lành, nhưng vết thương lòng của nhiều thế hệ vẫn còn rỉ máu. Lòng người vẫn chia cắt, hận thù vẫn còn là một hố sâu ngăn cách chưa thể hàn gắn. Hậu quả của chiến tranh nó cứ ám ảnh, day dứt lòng người.
Hãy tiếp tục tự chữa lành những vết thương lòng và hãy tha thứ, quên đi những bi kịch đau buồn của cuộc chiến tranh. Vì nó đã gây ra đau thương cho rất nhiều người!
Người ta sinh ra để mưu cầu hạnh phúc, chứ không phải đánh nhau và làm một cuộc chiến nhiều máu để giành quyền lực!
Các dân tộc cần được sống để thương yêu, hợp tác, giúp nhau cùng phát triển trong hòa bình!
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 26 tháng 04 năm 2015
Viết nhân 40 năm, ngày giải phóng miền Nam
Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014
Trở về với ký ức tuổi thơ
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, thuộc vùng đồng bằng sông nước Sóc Trăng. Lúc tôi còn nhỏ xíu xiu, thì ba tôi đã đi làm cách mạng, má tôi quanh năm chân lấm, tay bùn, thức khuya, dậy sớm, vất vả với ruộng đồng mà nuôi dạy 8 chị em tôi ăn học nên người!
Tuổi thơ tôi gắn liền với sông nước nặng tình phù sa, với những cánh đồng trải dài vô tận, thẳng cánh cánh cò bay.
Tôi luôn nhớ những luống cày, nhớ màu xanh non của mạ, nhớ cánh đồng vàng của mùa lúa chín, nhớ cả mùi rơm thơm khi đốt đồng, nhớ cả tiếng chim chiều, nhớ tiếng ếch nhái râm rang như khúc nhạc buồn trong đêm...
Cánh đồng là nơi mưu sinh, là sân chơi với nhiều kỷ niệm ngọt ngào và trong sáng, là nơi có những niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ tôi...
Tuổi thơ tôi lớn lên bằng hơi ấm của ba, bằng tình thương của má! "Ba", "Má" hai tiếng quá gần gũi, quá thân thương ngay từ những tiếng nói bập bẹ đầu đời. Là cả biển trời yêu thương, là sự hy sinh bất tận, là niềm vui, là hạnh phúc của đời tôi...
Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được ba má dạy rằng: chị em các con phải biết thương yêu, giúp nhau trong cuộc sống, biết thương người với cái nghĩa, cái tình, biết kính trên, nhường dưới; giáo dục chúng tôi có thói quen “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết lễ giáo quanh mâm cơm…; biết tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống đời thường!
Ba tôi là người sống có tình cảm, có trách nhiệm với các con! Dù ở xa, dù bận nhiều việc nước, chiến tranh hay hòa bình, lúc nào cũng quan tâm đến các con. Tết, ba tôi không về, viết thư cho má và các con:
"Riêng Hồng, Tỷ, Lập, Nghiệp, Sở, Bằng và Tổng, Thúy,
Ba mừng các con một tuổi lớn nhanh hơn!"
Tuổi thơ tôi còn có biết bao kỷ niệm bên chiếc võng đu đưa, kẽo kẹt, nhịp nhàng lẫn trong tiếng ru ngân nga giữa trời đêm tĩnh mịch ở thôn quê nghe mênh mông rì rào tình cảm biết chừng nào...
"Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi, khó đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về đồng ăn cua."
Những lời ru nghe mộc mạc nhưng thiết tha, tình cảm cũng như chính cuộc đời của má quanh năm lam lũ, tảo tần hy sinh cho chồng, cho con...
Má còn là tấm gương về sự công bằng. Vì đông con, nên mỗi lần má mua đồ ăn thì phải chia đều: mía mỗi người hai cây, khoai mỗi người hai củ, bánh in mỗi người hai cái...Gần đến Tết, má mua cho chị em tôi mỗi người một đôi dép, hai bộ quần áo mới để mặc đi thăm viếng ông, bà và để mặc cả năm.
Tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Ngày ngày bắt ốc, hái rau. Có lần tham ăn rau đắng đồng tươi non xào với tép. Ăn nhiều đến bội thực! Đến mùa nước nổi, thì bắt nhái, cấm câu, lỗ mũi đầy lọ bởi ngọn đèn dầu!
Chị em tôi phải thức khuya, dậy sớm để đi cấy đổi lấy công cày, dù rôm sảy đầy mình, trời lạnh đến thấu xương!
Thu hoạch lúa gặp lúc trời mưa thì rất vất vả. Lúa ướt vớt lên chưa kịp phơi đã có mộng là chuyện thường. Có lần, Chế và Hia tôi, đảy xuồng đi chở lúa về. Bó lúa còn dài hơn cả người, chở đầy, chìm xuồng, lúa ướt, kéo lên phơi cả tuần chưa khô...
Chiến tranh, gia đình ly tán. Khói lửa đạn bom đã cướp đi tuổi thơ tôi!
Tuổi thơ tôi là thế đấy! Thèm lắm được một lần quay trở lại với tuổi thơ để được nũng nịu trong tình thương của má, để được sự che chở của ba, để chị em cùng quay quần bên nồi bánh Tết!
Nhớ lắm tuổi thơ ơi!
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2014
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)