Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Tuổi thơ tôi và lời ru của má



Cuộc sống vốn dĩ rất bộn bề. Nhưng khi phải đối diện với những ngã rẽ của cuộc đời, ta lại mơ, lại nhớ về với năm tháng êm đềm của tuổi thơ.

Tuổi thơ - mỗi khi nhắc đến ai cũng bồi hồi cảm xúc với những kỷ niệm vui, buồn …


Tuổi thơ tôi cũng lớn lên bằng hơi ấm của ba, bằng tình thương của má! "Ba", "Má" hai tiếng quá gần gũi, quá thân thương ngay từ những tiếng nói bập bẹ đầu đời.

Tuổi thơ tôi cũng có biết bao kỷ niệm bên chiếc võng đu đưa, kẽo kẹt, nhịp nhàng lẫn trong tiếng ru ngân nga giữa trời đêm tĩnh mịch ở thôn quê nghe mênh mông rì rào tình cảm biết chừng nào...


"Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi…”

Chiếc cầu tre nó lắt lẻo, nó gập ghềnh nên có lần tôi bị trượt chân té xuống kinh, bị dòng nước cuốn ra sông, nhưng nhờ anh Hai hàng xóm cứu, chứ không thì tôi đã vĩnh viễn đi theo ông bà rồi.

Khó đi là vậy, nhưng:

“Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học
Ầu ơ, con đi trường học
Mẹ đi trường đời… "

Những lời ru ấy nghe mộc mạc nhưng thiết tha, tình cảm cũng như chính cuộc đời của má quanh năm lam lũ, tảo tần hy sinh cho chồng, cho con...

Tuổi thơ tôi cũng gắn liền với sông nước nặng tình phù sa, với những cánh đồng trải dài vô tận, thẳng cánh cánh cò bay.

“Ầu ơ...Gió đưa gió đẩy…về rẫy ăn còng về sông ăn cá…
Ầu ơ… về sông ăn cá...về đồng ăn cua…”

Tuổi thơ tôi cũng lắm nhọc nhằn, vất vả với những công việc của con nhà nông. Chị em tôi phải thức khuya, dậy sớm để đi cấy đổi lấy công cày, dù rôm sảy đầy mình, trời lạnh đến thấu xương!

“Ầu ơ người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên bể lặng
Ầu ơ…trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”

Bởi cánh đồng là nơi mưu sinh, là sân chơi với nhiều kỷ niệm ngọt ngào và trong sáng, là nơi có những niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ tôi...

“Ầu ơ ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất
Ầu ơ bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu
Ầu ơ ầu ơ”

Ngay từ khi còn nhỏ, chị em tôi đã được ba má dạy phải biết thương người với cái nghĩa, cái tình:

“ầu ơ...tìm vàng tìm bạc dễ tìm chứ tìm câu nhân nghĩa
ầu ơ...tìm câu nhân nghĩa khó tìm lắm thay”

Qua lời ru, má dạy chúng tôi về cách đối nhân xử thế;

“Ơ ầu ơ ơ con người có cội mà có tông
Ơ như cây có cội
Ơ ầu ơ ơ như cây có cội ơ ầu ơ
Ơ như cây có cội như sông có nguồn”

Lời ru của má chính là lời dạy bảo, lời nhắn nhủ, là ước mong, là khát vọng của má mong các con sẽ khôn lớn thành người.

“Ơ ầu ơ ơ ầu ơ… ơ cây xanh thì lá.... nó cũng xanh
chứ cha mẹ hiền lành ơ.... ầu... ơ
ơ cha mẹ hiền lành để đức... cho con”

“Ơ... ầu... ơ…ơ trồng cây mong ước cây xanh
chứ cha mẹ sinh thành
Ơ.. ầu... ơ…ơ cha mẹ sinh thành mong ước con khôn
ơ... ầu... ơ… ơ.. ầu.. ơ”

Má còn dạy chúng tôi biết hiếu hạnh, lễ nghĩa, biết tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống đời thường:

“Ơ ầu ơ
Ơ chim khôn tránh bẫy tránh lồng
Chứ người khôn tránh tiếng
Ơ ầu ơ
Ơ người khôn tránh tiếng
hồ đồ mới khôn"

“Ầu ơ...tôm càng lột vỏ bỏ đuôi, giã gạo cho trắng
Ầu ơ... Giã gạo cho trắng… mà nuôi mẹ già…”

Đời đã hai màu tóc, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về tuổi thơ, nhớ những luống cày, nhớ màu xanh non của mạ, nhớ cánh đồng vàng của mùa lúa chín, nhớ cả mùi rơm thơm khi đốt đồng, nhớ cả tiếng chim chiều, nhớ nhất là lời ru của má:

“Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau…”

“Chiều chiều” rồi lại “chín chiều”, cái điệp khúc buồn ấy đã làm tim tôi se lại…Nhớ má!

Trần Thành Lập
Viết nhân mùa Vu Lan

Cần Thơ, ngày 12 tháng ̣9 năm 2016

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Suy nghĩ trước khi nói


Lời dạy của thánh nhân

Khoảnh khắc con người ta tức giận, chỉ số IQ về zero. Đây là lúc bạn dễ dùng khẩu ngôn để sát thương người khác, lời nói có thể “giết chết” người.

Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày.

Vì thế ngay cả lúc đầu óc tỉnh táo nhất hay lúc tức giận cũng cần ghi nhớ không thể nói những lời này ra. Nếu không “hậu quả” sẽ khó lường…


1. Điều thương tâm, đừng gặp ai cũng nói
Khi đang buồn bã, có ý muốn chia sẻ, nhưng nếu gặp bất cứ ai cũng thổ lộ sẽ rất dễ làm cho người nghe bị áp lực tâm lý, đồng thời nảy sinh nhiều mối nghi ngờ, cảm thấy nhàm chán. Ấn tượng trước đây của bạn trong mắt người khác cũng sẽ bị mai một, khiến người ta xa lánh vì sợ bạn lại trút khổ lên họ.

2. Việc của mình, lắng nghe lời khuyên của mọi người
Những việc của mình nên lắng nghe quan điểm của người ngoài cuộc, một mặt có thể tạo ấn tượng khiêm tốn, mặt khác mọi người sẽ nghĩ rằng bạn là người thấu tình đạt lý.

3. Việc không thể làm, thì đừng nói
Không được dễ dãi cam kết những việc ngoài tầm tay. Phải để cho người ta tin rằng bạn nói được thì sẽ làm được.

4. Oán trời, trách đất cũng là cách làm tổn hại nhanh phúc báo
Người hay phàn nàn, không hài lòng với số mệnh, ích kỷ và ganh ghét đố kỵ thường hay oán trời, trách đất. Họ không trân trọng những gì vốn có của bản thân nên mới cảm thấy bất bình, thông qua cái miệng mà suốt ngày ca cẩm. Đây cũng là một cách làm tổn hại phúc báo rất nhanh, cũng là một dấu hiệu của người bạc mệnh hiện tại hoặc sau này.

5. Điều không chắc, nên nói thật thận trọng
Đối với những điều không nắm bắt rõ, nếu bạn không lên tiếng, đôi khi người ta nghĩ bạn đạo đức giả hoặc thiếu hiểu biết, không có chính kiến. Chi bằng diễn đạt một cách cẩn thận, mọi người sẽ cảm thấy rằng bạn là một người đáng tin cậy.

6. Miệng muốn nói lời hay, lời tốt thì tâm phải tốt, phải đẹp
Miệng muốn nói lời hay ý đẹp thì trong lòng phải thực sự tốt, phải có hảo tâm, vì vậy người đó sẽ phát ra từ trường tốt xung quanh mình. Những thứ tốt đẹp sẽ tìm đến với người này và họ có phúc báo. Vậy hảo tâm là gì? Trước tiên cần biết đủ và biết cảm ơn. Biết đủ là một loại thành tựu. Những người có đức luôn tự hài lòng, đối với hoàn cảnh nào cũng chấp nhận, cũng thấy thỏa mãn và biết ơn. Khi người ta biết đủ, biết thỏa mãn, người ta sẽ không nói những lời không tốt hay phàn nàn vì trong tâm họ đã bình an rồi.

7. Việc gấp, nói từ tốn
Gặp phải trường hợp khẩn cấp, nếu có thể dằn lòng một phút để suy nghĩ, sau đó nói chậm rãi, không vội vàng hấp tấp thì người nghe cũng sẽ thấy ổn định mà không cuống cuồng, “tá hỏa” theo. Bình thản ngay trong lúc khẩn cấp sẽ giúp bạn chiếm được niềm tin của người khác, cho thấy bạn là người có năng lực thực sự, khó “xung động” và là chỗ dựa của mọi người xung quanh.

8. Điều vô căn cứ thì đừng nói hàm hồ
Trên đời tệ nhất là kẻ ngậm máu phun người, vì thế đừng nói những điều vô căn cứ hoặc thêu dệt. Hãy chứng tỏ mình là người trưởng thành, có nhân cách, có gì nói nấy, thành khẩn trong từng lời nói.

9. Chuyện của người khác, nói thật cẩn thận
Cần giữ một khoảng cách an toàn giữa người với người, đừng bình phẩm hay đồn thổi chuyện của người khác mà tạo ra những hiểu lầm tai hại.

10. Không nói lời tổn thương người khác
Chúng ta có thể không nóng nảy với người ngoài nhưng lại hay trút giận lên người thân, vì bạn cho rằng người nhà sẽ chấp nhận mọi khuyết điểm của mình. Đây là sai lầm lớn, đối với gia đình, bạn càng cần phải yêu thương và tiết chế những lời nói cay nghiệt, không đáng có. Nói lời tổn thương người khác thì mình sẽ bị khinh thường.

(Sưu tầm)

Theo Khỏe&đẹp

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Những việc không nên làm


(Lời dạy của thánh nhân)
1. Đừng trốn tránh trách nhiệm giải quyết vấn đề, hãy nhìn thẳng vào khó khăn và cố gắng đi qua
Mọi người đều biết, để làm được điều này quả thực là không hề dễ dàng. Thật khó để mỗi khi gặp khó khăn lại có thể dùng tâm thái bình thản, tĩnh tại để đối diện với nó. Nhưng thực sự là khi gặp khó khăn, chỉ có bình tĩnh đối diện với nó thì mới giải quết được vấn đề, còn trốn tránh nó thì chỉ làm lãng phí thêm thời gian và sự lo lắng cho bản thân mà thôi!


2. Đừng cố trở thành một người không phải là mình
Có một điều mà con người luôn phạm phải đó là luôn nhìn người khác rồi ngưỡng mộ và mong muốn bản thân mình trở thành người ta. Một người xinh đẹp, thông minh, trẻ trung, thành đạt hơn mình… nhưng có một sự thật là họ không phải là mình. Hãy đừng luôn ao ước trở thành người khác, hãy là chính bản thân mình và cố gắng hết sức mình để trở thành một người tốt, lương thiện, thật thà, bao dung người khác. Khi ấy bạn cũng trở thành người “đáng ngưỡng mộ” trong mắt người khác!

3. Đừng tự lừa dối bản thân
Đừng huyễn hoặc để lừa gạt bản thân mình, hãy dùng con mắt chuẩn xác để nhìn nhận bản thân mình. Người luôn tự lừa dối bản thân mình sẽ khó nhận ra được khả năng và vị trí của mình ở đâu. Muốn gặp được những cơ hội tốt, hãy bắt đầu từ việc chân thành đối đãi với chính bản thân mình.

4. Đừng lãng phí thời gian vào nhầm người
Đời người rất ngắn ngủi, cho nên đừng đem những ngày tháng quý giá của mình lãng phí vào nhầm người. Nếu như người khác cần bạn, họ sẽ dành cho bạn một khoảng không gian. Nhiều lúc, chúng ta không cần phải “giãy giụa” trong đau khổ mà thay vào đó hãy chọn cách “buông bỏ”. Hãy nhớ kỹ, bạn bè tốt là người luôn xuất hiện bên bạn những lúc bạn cần. Những người mà khi bạn đang ở vào thời điểm huy hoàng mới đến kết giao thì đó chưa chắc là bạn chân chính.

5. Đừng mải sống trong quá khứ
Nếu một người cứ mãi đắm mình trong “bóng ma” quá khứ thì người đó sẽ không có cách nào bắt đầu một cuộc đời mới!

6. Đừng mãi trách cứ sai lầm của bản thân
Bạn có thể yêu quý nhầm người hay cũng có thể khóc vì những sự việc không đáng nhưng có một điểm là hãy biết tha thứ cho bản thân mình, đừng mãi nhìn vào sai lầm của bản thân để rồi trách cứ mình. Bởi vì những sai lầm ấy, ít nhất nó cũng giúp bạn biết tránh khi lần sau gặp lại, từ đó giúp bạn trưởng thành hơn. Hãy nhớ rằng, mỗi một sai lầm hôm nay sẽ là kinh nghiệm trong tương lai giúp bạn hoàn thiện bản thân mình, thay vì mãi trách cứ bản thân, chi bằng hãy sửa chữa nó.

7. Đừng sợ phạm sai lầm mà không dám làm gì
Trong cuộc đời, để đạt được thành công, hỏi có mấy người là không từng trải qua sai lầm? Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng, đôi khi điều khiến bản thân hối hận “mãi không thôi” không phải làm một việc sai lầm, mà là không dám làm nó.

8. Đừng chuyên “thu hoạch” hạnh phúc từ người khác
Nếu như bạn luôn cảm thấy không thỏa mãn về chính bản thân mình thì đứng ở góc độ lâu dài mà xét, cho dù bạn ở chung với ai đi nữa, bạn cũng sẽ cảm thấy không vui vẻ. Cho nên, trước khi ở chung với người khác, bạn cần tự làm cho bản thân mình trở nên tốt đẹp. Người ta nói rằng, có yêu bản thân mình mới yêu được mọi người xung quanh!

9. Đừng đáp ứng hết nhu cầu của bản thân
Trong cuộc sống này, những thứ mà chúng ta ngày đêm mong muốn là vô cùng nhiều bởi vì dục vọng của con người gần như là vô tận. Tuy nhiên, những thứ mà thực sự khiến chúng ta thỏa mãn đôi khi lại rất ít và rất đơn giản như nụ cười, sự cho đi… Hãy tu tâm dưỡng thân để biết nhu cầu nào là cần thiết và nhu cầu nào là không.

10. Đừng quá cố chấp để tranh luận
Có rất nhiều người không nhận thức được rằng mình cũng có sai phạm, mà luôn hy vọng mình vĩnh viễn đúng. Thực tình là đã không biết rằng, điều này là rất nguy hiểm trong các mối quan hệ với người khác. Ngoài ra nó còn đem lại cho chúng ta và cả người khác áp lực và sự thống khổ lớn. Vì vậy, lúc mà bạn muốn vùi đầu mình vào để tranh luận đúng sai, hãy hỏi lại mình xem làm như vậy có thực sự tốt không? Nó thực sự đem lại lợi ích cho cả mình và người khác sao?
Lời dạy của thánh nhân
(Sưu tầm)