Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015
Trở về nơi nuôi tôi khôn lớn
Chiến tranh kết thúc. Tiếp quản trụ sở làm việc, ổn định tổ chức, phân công lại nhiệm vụ cho cán bộ, phóng viên trong cơ quan, tôi và các anh chị đồng nghiệp được phân công trở về vùng căn cứ kháng chiến để thu thập thông tin về sự thay da, đổi thịt của những ngày, tháng đầu sau giải phóng. Đối với tôi, đây cũng là dịp để trở về quê hương, thăm viếng bà con, cô bác, những người đã một thời nuôi, dạy tôi khôn lớn.
Từ Cần Thơ theo liên tỉnh lộ 42 qua Long Mỹ đến Ngã Năm về Hồng Dân; dù đường đi lại còn khó khăn, nhưng một số tuyến đường được nâng cấp đem lại sự hồi sinh cho nhiều vùng xâu, vùng xa của tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu sau bao năm tháng chiến tranh tàn phá.
Theo tập quán, người dân nơi đây luôn bám lấy vệ đường để cất nhà. Mặt tiền dọc theo tuyến đường đi từ Cần Thơ qua huyện Long Mỹ đến thị trấn Ngã Năm nhiều căn nhà bán kiên cố, những tiệm tạp hóa, cơ sở sửa chữa máy đuôi tôm, nhà máy xây lúa đã được dựng lên trên những hố bom năm nào.
Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, phong trào san lấp hố bom, xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang, mở đất, khôi phục sản xuất, phát triển an sinh xã hội. Màu xanh của cây trái, màu vàng của lúa chín đang xóa dần sự hoang tàn bởi đạn bom và thuốc khai hoang.
Không bao lâu sau chiến tranh, người dân nơi đây đã tự cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Tinh thần lao động của người nông dân Nam Bộ làm năng suất trong sản xuất nông nghiệp vượt xa so với trước chiến tranh.
Phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào qui trình trồng lúa, cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh ở nhiều vùng nông thôn. Thanh niên nông thôn đi đầu trong việc tìm tòi sáng tạo các phương pháp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
Ở mỗi cánh đồng chúng tôi đi qua, chính là chứng tích lịch sử của chiến tranh, bởi mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, mỗi ngọn cỏ, mỗi bông lúa hay mỗi nhành hoa nơi đây đều thấm máu, xương của chiến sỹ và người dân vô tội.
Chúng tôi trở lại ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Sóc Trăng, nơi mà vào sáng sớm ngày 16/1/1973, nhiều máy bay B52 ném hàng loạt bom tấn, sát hại nhiều người dân vô tội. Trong đó có 8 nghệ sĩ, nhạc công của Đoàn cải lương Chuông Vàng, 2 giáo viên ở Tiểu ban giáo dục và rất nhiều người thương vong.
Về đây, chúng tôi còn tỏ lòng tri ân với chiến sĩ, bạn bè, đồng đội, người dân vô tội đã ngã xuống vì chiến tranh. Đứng trước anh linh những người đã khuất, chúng tôi thành kính thắp nén nhang, tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì hòa bình, tự do cho mảnh đất này.
Tại những nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt, những ngôi trường mới khang trang vừa được dựng lên. Trẻ em vùng quê đã được cấp sách đến trường. Dù còn có những ngôi trường tre lá tạm bợ nhưng trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Nhờ tinh thần học tập mà người dân nơi đây đã xây dựng lại quê hương từ trong đổ nát bởi đạn bom.
Chiến tranh đi qua, chúng tôi đã để lại phía sau lưng mình những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh với biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời đạn bom.
Trở về đây, chúng tôi không chỉ tìm lại những kỷ niệm xưa, mà còn chân thành cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của người dân nơi đây, bà con một thời giúp đỡ, yêu thương, dạy dỗ chúng tôi như con cháu của chính mình. Bà con là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm tình thương cho chúng tôi trong những tháng năm xa nhà!
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 29 tháng 01 năm 2015
Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015
Người Việt nghĩ nhỏ, khó làm việc lớn?
Là người Việt Nam khi đọc bài "Người Việt nghĩ nhỏ, khó làm việc lớn?" trên diễn đàn bbcvietnamese.com ngày 11 tháng 1 2015 của Nguyễn Lễ-phóng viên BBC, tôi thấy rất khó chịu vì nó chạm đến tính dân tộc của mình, dù đây là nhũng "chuyện nhỏ" trong cuộc sống. Đọc đi, đọc lại, tôi mới "thấm"! "Chuyện nhỏ nhưng không nhỏ". Do đó, tôi xin được trích đoạn để cho con cháu tham khảo:
̣
"Hà Nội có cây cầu mới. Phải nói là đẹp và hoành tráng nhất từ trước đến nay.
Năm trụ cầu vươn lên sừng sững giữa trời tượng trưng cho năm cửa ô hay năm cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân ngay dưới chân cầu.
Đừng nói chi người dân gốc Hà thành, nếu tôi có mặt ở Hà Nội lúc này tôi cũng muốn đứng giữa cầu để ghi lại khoảnh khắc mình được chứng kiến một lần thủ đô thay da đổi thịt.
Thế nhưng, cầu đã thông, xe đã chạy, đi bộ thì cấm thì chụp làm sao đây? Chỉ có nước chạy xe lên cầu rồi dừng lại mà chụp.
Y như rằng, chỉ một hai ngày sau báo chí đã la ầm lên về 'những hình ảnh xấu trên cây cầu đẹp'.
Họ tường thuật những chiếc xe dựng chình ình giữa cầu, nam thanh nữ tú làm dáng giữa dòng xe đang chạy hay dải lan can phân cách cheo leo là thế cũng bị trèo lên để lấy góc ảnh 'độc'.
Trước đó mấy ngày, báo chí còn đưa tin cầu Phú Mỹ trên sông Sài Gòn người dân dàn hàng xem pháo hoa mừng năm mới mặc kệ dòng xe bị chặn ngang giữa đường.
Cũng may chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Có lẽ cánh tài xế ở Việt Nam đã không còn lạ gì tập quán của dân mình.
Người Việt 'tùy tiện'
Những câu chuyện người Việt 'tùy tiện', 'vô kỷ luật' hay 'thiếu ý thức' như thế nhan nhản trên báo chí mà chúng ta chắc cũng không còn lạ gì.
Ở Việt Nam kẹt xe thì ai mà không chen? Ai cũng chen mình có muốn không chen cũng không được.
Dĩ nhiên đã kẹt thì càng chen lại càng kẹt. Nguyên tắc phải nhường mới đi được. Nhưng người Việt chỉ muốn đi chứ không muốn nhường. Ai cũng tìm khoảng trống mà lách thì không những không thoát được mà còn làm cho mình và mọi người chùm nhum cả nút.
Nhiều người đi bộ cầu vượt trước mắt đó nhưng không leo sợ cực chẳng thà phang ngang bất chấp tính mạng.
Chợ búa hàng rong thì phải ra lòng đường mới được. Người đi làm về tiện là tấp vào mua giữa đường giữa sá có kẹt xe tắc đường gì cũng kệ.
Rác rến ngoài đường tiện đâu vứt đó. Cực thân đi tìm thùng rác. Chẳng thà để nhếch nhác và mất công người khác quét dọn.
Nhà trên kênh rạch thì cứ thẳng tay ném hết xuống sông cho khỏe để rồi chính môi trường sống của mình bị hủy hoại.
Xem phim nghe nhạc thì mua băng chép đĩa lậu. Đỡ tiền thiệt nhưng giết chết luôn người vắt tim óc sáng tạo để rồi lần sau không còn cái mà coi.
Trộm chó hoành hoành gây náo loạn từ thôn quê đến thành thị thậm chí mất mạng người chỉ vì có nhiều người thích ăn thịt thú cưng của người khác nhưng không muốn mất người bạn trung thành của mình.
Đánh bắt thì tận diệt từ tôm cá, chim chóc thậm chí cho đến côn trùng rắn rít cũng không tha. Ngay miền Tây 'chim trời cá nước' mà giờ đây trong tự nhiên nhiều thứ đã cạn kiệt. Ăn một lúc rồi treo miệng cả đời.
Làm ăn buôn bán thì chụp giựt. Hám một chút lợi không đáng mà mất chữ Tín với khách hàng. Đã không giữ khách lâu dài thì chớ mà còn đuổi khách một đi không trở lại. Rốt cuộc tự mình đoản hậu giống như các nhà hàng chặt chém ở Vũng Tàu phải 'canh me' chộp từng 'con mồi'.
Còn những người bỏ hóa chất vào hàng hóa thực phẩm ăn được đồng một đồng hai mà không biết là mình đã làm thiệt hại không biết bao nhiêu đồng cho người khác và xã hội khiến người ta mang bệnh mang tật cả đời.
Tâm lý đố kị
Những trường hợp kể trên người ta đã ham nhỏ bỏ lớn, được một mà mất hai, thấy cái trước mắt mà không nghĩ đến cái lâu dài. Nói cách khác họ có cái nhìn hạn hẹp.
'Nghĩ nhỏ' như thế không những gây hại cho mình, cho người, cho đời mà còn dễ bị kẻ khác lợi dụng. Mọi thua thiệt mình lãnh đủ.
Cho nên thương lái Trung Quốc đi thu mua đỉa, móng trâu hay lá trà các thứ có trách họ thì cũng buồn cho dân Việt quá dễ dụ.
Nguyễn Hà Đông có bị người khác ghen ghét với thành công 'Flappy Bird'?
Và cũng chính vì nghĩ nhỏ nên nhiều người Việt thấy cái tôi quá lớn lấn át cái lớn thành ra nhỏ.
Người Việt rất thấm thía thói 'dìm hàng' nhau của dân mình. Thậm chí, có người còn ví xã hội Việt Nam như một rổ cua đồng - con nào leo lên sẽ bị con khác kéo xuống.
Cái tôi thì ai mà không có? Mỗi con người từ khi sinh ra đã là một thế giới và ai cũng muốn mình là trung tâm hơn tất cả mọi người. Lẽ thường ai cũng bị tổn thương khi thấy người khác hơn mình và sẽ có cảm giác dễ chịu khi chỉ trích để dìm người khác xuống và nâng mình lên.
Thế nhưng, người dân ở các nước phát triển biết quý trọng nhân tài thì ngoài cái tôi của bản thân người ta còn nghĩ đến lợi ích chung của xã hội mà người tài đem lại. Cho nên, sự ganh tỵ, đố kỵ nếu có cũng không thành cố tật như người Việt.
Nghĩ nhỏ thì nước nào cũng có nhưng để trở thành vết hằn trong tính cách dân tộc thì ắt hẳn nó bắt nguồn từ nếp sống và văn hóa của dân tộc đó.
Trong khi các người Hoa ở hải ngoại tạo thành một khối kết dính bền chặt bên trong không bung ra bên ngoài không phá vào được thì người Việt lại có tiếng là rời rạc, bất hợp tác, phân rã và triệt hạ lẫn nhau.
Đồng ý ganh tỵ là một cảm giác rất con người nhưng nếu nghĩ lớn hơn thì sẽ thấy ai thành tựu đều là nhờ khả năng và công sức của họ. Ghen ghét với họ tức là đã cho là mình không bằng họ và năng lượng để ghen ghét đó nên dành để phấn đấu được như họ. Suy cho cùng họ làm được cũng là đóng góp cho xã hội mà mình cũng có lợi ích trong đó.
Nghĩ nhỏ thì nước nào cũng có nhưng để trở thành vết hằn trong tính cách dân tộc thì ắt hẳn nó bắt nguồn từ nếp sống và văn hóa của dân tộc đó.
Người Việt gốc là nông nghiệp. Cuộc sống gắn chặt với ruộng vườn, thôn xóm, bờ đê, lũy tre không như phương Tây xuất thân du mục hoặc gắn bó với sóng biển, theo vó ngựa đi khắp nơi, hay theo cánh buồm vươn ra đại dương khám phá thế giới.
Không gian sinh tồn cố định đã đóng đinh tư duy người Việt. Họ có khuynh hướng ổn định, yên bình, không xáo trộn và tư duy lợi ích chỉ cần vụ mùa bội thu dư cơm đủ gạo. Người Hoa có truyền thống thương buôn nên tư duy lợi ích của họ không giới hạn - có một muốn được hai còn lòng tham không đáy.
Họ muốn có lớn, được nhiều thì cái lợi nhỏ không thể che khuất tầm nhìn của họ. Lã Bất Vi từ 2.300 năm trước đã biết buôn vua bán chúa đoạt thiên hạ. Nói đâu xa, người Hoa trong Chợ Lớn làm ăn rất coi trọng chữ tín nên nắm trong tay kinh tế thương mại cả một vùng..."
"...Cá nhân nghĩ nhỏ thì gây hại cho bản thân và người xung quanh còn lãnh đạo nghĩ nhỏ thì tác hại khôn lường đến tương lai đất nước, vận mệnh dân tộc..."
"...Và nếu nghĩ nhỏ đã thấm vào máu của người Việt rồi thì khó sửa lắm. Có điều nếu dân trí người dân nâng cao thì tầm nhìn của họ cũng mở rộng hơn. Cho nên mong chờ các thế hệ sau trong điều kiện giáo dục tốt hơn sẽ nghĩ lớn hơn người đi trước.
Điều tối quan trọng là người lãnh đạo phải nghĩ lớn hơn, phải thoát ra khỏi sự ràng buộc về tư tưởng để lấy lợi ích của dân của nước làm trọng. Từ đó mới thấy được cái gì có lợi cho dân thì làm và cái gì có hại thì quyết phải tránh."
Nguyễn Lễ
bbcvietnamese.com
11 tháng 1 2015
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)