Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Làm người phải có lòng tự trọng!


Lòng tự trọng là nhân cách, là giá trị, là danh dự, là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người, giúp chúng ta sống và hoạt động theo chuẩn mực đạo đức và hành xử đúng mực.


Người có lòng tự trọng luôn có sự hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, ý thức thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật; luôn giữ gìn, bảo vệ phẩm giá, nhân cách của mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Người có lòng tự trọng biết xấu hổ khi lỡ làm điều sai trái và có ý thức sửa chữa đến cùng.

Người có lòng tự trọng nhờ có được sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp từ ngay trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, lòng tự trọng, nhân phẩm, tự ti không còn nữa; bằng cấp, chức tước, của cải, vật chất, miếng ăn giờ nó cao hơn nhân phẩm con người.

Lòng tự trọng gần như bị xem thường, thì con người cũng không còn biết xấu hổ là gì.

Người có lòng tự trọng cũng không bao giờ theo lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, mua chức, bán danh hoặc luồn cúi, xu nịnh trước uy quyền để cầu cạnh lợi danh.

Tuy nhiên, từ thực trạng xã hội, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 nhận định: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Trong diển văn khai mạc của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục.”

Trong bài tham luận trước Đại hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nêu: "Trong báo cáo xây dựng Đảng tại đại hội lần này, trung ương cũng nhận định, nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”.


Trong xã hội còn có tình trạng “chạy tuổi” để được đề bạt, được vào cấp ủy, kéo dài thời gian công tác để hưởng bổng lộc”;

Lòng tự trọng là sự song hành giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm, thay vì hô hào, lý luận chung chung, mỗi người hãy tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống; thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật. Đó mới là bản chất đích thực của lòng tự trọng.

Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét