Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Làm người phải có lòng tự trọng!


Lòng tự trọng là nhân cách, là giá trị, là danh dự, là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người, giúp chúng ta sống và hoạt động theo chuẩn mực đạo đức và hành xử đúng mực.


Người có lòng tự trọng luôn có sự hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, ý thức thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật; luôn giữ gìn, bảo vệ phẩm giá, nhân cách của mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Người có lòng tự trọng biết xấu hổ khi lỡ làm điều sai trái và có ý thức sửa chữa đến cùng.

Người có lòng tự trọng nhờ có được sự giáo dục đúng đắn, chu đáo, tốt đẹp từ ngay trong gia đình, nhà trường và xã hội.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, lòng tự trọng, nhân phẩm, tự ti không còn nữa; bằng cấp, chức tước, của cải, vật chất, miếng ăn giờ nó cao hơn nhân phẩm con người.

Lòng tự trọng gần như bị xem thường, thì con người cũng không còn biết xấu hổ là gì.

Người có lòng tự trọng cũng không bao giờ theo lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, chạy theo đồng tiền, mua chức, bán danh hoặc luồn cúi, xu nịnh trước uy quyền để cầu cạnh lợi danh.

Tuy nhiên, từ thực trạng xã hội, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 nhận định: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Trong diển văn khai mạc của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục.”

Trong bài tham luận trước Đại hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nêu: "Trong báo cáo xây dựng Đảng tại đại hội lần này, trung ương cũng nhận định, nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”.


Trong xã hội còn có tình trạng “chạy tuổi” để được đề bạt, được vào cấp ủy, kéo dài thời gian công tác để hưởng bổng lộc”;

Lòng tự trọng là sự song hành giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm, thay vì hô hào, lý luận chung chung, mỗi người hãy tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện trong các mối quan hệ, trong cuộc sống; thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật. Đó mới là bản chất đích thực của lòng tự trọng.

Trần Thành Lập

Cần Thơ, ngày 28 tháng 04 năm 2016



Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Nhớ nhà


Sáng chớm lạnh,
Con gà thôi quên gáy
Con cún chẳng buồn sủa gâu gâu
Ngủ vùi trong xó bếp

Mẹ thức từ sáng sớm
Nhen bếp lửa hồng hong vội nồi cơm,
Nồi khoai chín, nứt vỏ thơm lừng
Gọi à ỉ "các con mau dậy!"

Sáng chớm lạnh,
Thương cha, còn rong rủi những nẻo đường xa
Mờ sương sớm, đôi vai người lạnh lắm
Bao nhập nhằn...
Và những lo toan cuộc sống,
In hằn lên đôi mắt
Khi con vẫn còn say giấc nồng, vẫn yên ấm mình con

Sáng nay gió giao mùa,
Vẫn chớm lạnh nhưng con không mặc ấm
Nghe cái lạnh
Xuyên qua trái tim, quay về tìm thức
Nghe cái lạnh trong hồn đang rạo rực...
Sáng năm nào mẹ còn cấy lúa
Cha còn xa thẳm
Vạn nẻo đường cha lạnh lắm không?"


Hướng Dương

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Các con sẽ thành đạt từ Hnoss Cần Thơ!

Đến dự khai trương HNOSS Cần Thơ ở số 86, đường Nguyễn Việt Hồng, thành phố Cần Thơ, cha rất vui vì thấy các con đã thực sự trưởng thành. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tự thân lập nghiệp!

Hơn 25 năm về trước, lúc mà các con chưa chào đời, vì kế sinh nhai, vì cuộc sống gia đình, vì tương lai của các con, cha và mẹ cũng bươn chải, vất vả, ngược xuôi để kiếm tiền.

Cha thì tranh thủ những kỳ nghỉ hè, nghỉ đông, vượt qua cái lạnh buốt da, xé thịt vào nhà máy làm hai ca, ba ca nơi đất khách, quê người. Mẹ thì làm đủ nghề như một nhà nông: nuôi ong, nuôi dê, nuôi cá, nuôi cút, nuôi gà, nuôi heo...

Thành công có, thất bại cũng có, nhưng nhờ siêng năng, chịu thương, chịu khó, cần kiệm, tích lũy nên cuộc sống gia đình dần dần cũng bớt vất vả hơn. Rồi cũng nhờ tiết kiệm, tích lũy mà mua được đất, cất được nhà, nuôi các con khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, nên người.

Giờ đây, hơn 25 năm sau, các con lại vất vả, lăn lộn trên thương trường cũng để kiếm tiền: hết bán hàng điện tử, máy tính, kính mát, dây lưng, xe đạp, đồ sành, đồ sứ... Bằng kiến thức và năng lực của chính mình các con tự thân lập nghiệp, tự chọn hướng đi cho mình, tự xây dựng lấy sự nghiệp riêng cho chính mình, không trông chờ, ỷ lại mẹ cha!

Cha tin, với kiến thức, kỹ năng sẵn có sẽ giúp các con nắm bắt cơ hội và tự tin quyết đoán trong công việc. Bằng kinh nghiệm và bản lĩnh sẽ giúp các con hạn chế được sự rủi ro trên thương trường. Thương trường sẽ giúp các con có thêm nhiều kinh nghiệm và các con sẽ trưởng thành hơn.

Kiếm tiền là mục tiêu của rất nhiều người, tiền không phải là chuyện “tự nhiên mà có”. Phải biết cách làm ra tiền và phải biết ứng xử với nó. Có tiền sẽ mua được nhiều thứ. Nhưng không mua được sức khỏe và hạnh phuc gia đình!

Vì vậy, tất cả những gì giờ đây Cha mẹ mong mỏi là các con thật khỏe mạnh, biết tự lo cho bản thân và lo cho gia đình riêng của mình; vợ chồng con hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy Xuân Trí khỏe mạnh, chăm ngoan là Cha và mẹ hạnh phúc lắm rồi!

Cha mẹ tin các con sẽ thành đạt từ Hnoss Cần Thơ!


Trần Thành Lập

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Hãy phát huy lòng tự trọng khi đi đường

Lòng tự trọng là nhân cách, là giá trị, là danh dự, là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người, giúp chúng ta sống và hoạt động theo chuẩn mực đạo đức và hành xử đúng mực.

Người có lòng tự trọng luôn có sự hiểu biết về các chuẩn mực xã hội, ý thức thượng tôn, tự giác và gương mẫu chấp hành pháp luật; biết điều chỉnh thái độ và hành vi ứng xử trong các mối quan hệ với cộng đồng khi tham gia giao thông.

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, ở đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những thông điệp tuyên truyền như nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ; chủ động xóa bỏ thói hư, tật xấu, tác phong tùy tiện khi tham gia giao thông; xây dựng ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông,...

Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng, chúng ta có thể thấy một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều; có không ít học sinh đi xe mô tô, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dừng, đậu xe không đúng qui định; đi xe hàng ba, hàng bốn, lạng lách, đánh võng; vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại…

Người có lòng tự trọng khi tham gia giao thông thường có thói quen dù nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ; dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông; không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ an toàn giao thông;

Người có lòng tự trọng khi lưu thông trên đường luôn thực hiện đúng luật, từ tốn, bình tĩnh, ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, biết xin lỗi, cảm ơn khi cần thiết.
Muốn làm được điều này, trước tiên các bậc cha mẹ phải dạy và luôn làm gương cho con trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác, chấp hành Luật giao thông đường bộ.

Ở trường, cần có các hình thức giáo dục phù hợp, dễ nhớ, hấp dẫn để các em ý thức được sự cần thiết và tự giác thực hiện các chuẩn mực khi tham gia giao thông.

Khi tham gia giao thông, lòng tự trọng có vai trò quan trọng. Nó không chỉ giúp chúng ta hành xử một cách đúng mực, mà còn góp phần bảo vệ an toàn cho chính mình và cộng đồng. Vì vậy, thay vì hô hào chung chung, mỗi người hãy phát huy lòng tự trọng: xử sự đúng luật, tôn trọng các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, về cái đẹp, cái thiện khi tham gia giao thông.



Bài dự thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ.

Cần Thơ, ngày 10 tháng 11 năm 2014

Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Đội nón bảo hiểm cho trẻ em-sự lựa chọn an toàn!


Đèn trước, đèn sau, đèn xi nhan bên phải, bên trái, nón bảo hiểm xe đạp Fornix, quần áo thể thao nghiêm chỉnh. Mỗi ngày như mọi ngày, đúng 5 giờ, ba cha con chạy vòng quanh công viên Cồn Cái Khế để rèn luyện sức khỏe.

Mọi người nhìn thấy đều khen, đây là gia đình có ý thức tự giác và gương mẫu về an toàn khi tham gia giao thông!

Thực ra, đây không phải là trường hợp hưởng ứng "phong trào" mà đã thành thói quen khi tham gia giao thông, là ý thức tự giác của bản thân, là sự lựa chọn an toàn cho chính mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức và có được sự tự giác như vậy. Gần nhà tôi có trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi. Vì là trường tiểu học, học sinh chưa thể tự đến trường, nên vào các giờ cao điểm đến lớp, tan trường là tấp nập phụ huynh, học sinh với đủ các loại phương tiện đưa đón. Lộn xộn, mất trật tự và thiếu an toàn !
Phần lớn cha mẹ chưa quan tâm đến việc đội nón bảo hiểm cho con em mình khi tham gia giao thông, vô tư vi phạm Luật giao thông đường bộ. Đây cũng chính là những nguy cơ ẩn họa tai nạn thương tích với trẻ em khi không may xảy ra tai nạn giao thông.

Việc đội nón bảo hiểm cho con em mình khi tham gia giao thông là rất cần thiết, vì lợi ích của bản thân, không chỉ đảm bảo an toàn, mà còn tạo cho trẻ có thói quen đội nón bảo hiểm khi đi đường, có ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ ngay từ nhỏ.

Muốn làm được điều này, trước tiên các bậc cha mẹ phải dạy và luôn làm gương cho trẻ trong việc nâng cao ý thức tự giác, chấp hành Luật giao thông đường bộ.

Ở trường, cần có các hình thức giáo dục phù hợp, dễ nhớ, hấp dẫn để các em ý thức được sự cần thiết và tự giác đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.




Bài dự thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ.

Cần Thơ, ngày 02 tháng 11 năm 2014