Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016
Những tràng vỗ tay vang xa hơn nhiều tiếng đại bác
Tổng thống Mỹ kết thúc bài phát biểu kéo dài nửa giờ trong tiếng vỗ tay vang dội của hàng ngàn người. Ông rời đi trong tiếng nhạc rộn ràng của một ca khúc về VN tươi đẹp.
Tổng thống Obama đã đến trong tiếng vỗ tay vang dội của cử tọa.
Ông lên ngay bục phát biểu và mở đầu bằng lời chào tiếng Việt: "Xin chào, xin chào Việt Nam!!!" và liên tục nói cảm ơn.
“Cám ơn những người trẻ tuổi, đại diện cho sự năng động của VN, đã đến đây.”
“Tối qua tôi đã ăn thử bún chả và uống bia Hà Nội. Nhưng phố phường HN đông như thế, tôi chưa từng thấy. Tôi chưa dám qua đường. Có lẽ lần sau trở lại, các bạn sẽ dạy tôi.”
"Không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN"
Tổng thống Obama dẫn "Nam quốc sơn hà" nổi tiếng của Lý Thường Kiệt trong bài phát biểu ở Trung tâm hội nghị quốc gia: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời.”
“Khi VN độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Không may, chiến tranh Lạnh và sự sợ hãi chủ nghĩa cộng sản đã khiến lịch sử hai nước đớn đau. Ở hai nước, gia đình các cựu chiến binh vẫn còn đau đớn vì những người thân đã mất.”
“Người dân hai nước đang gần nhau hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, du học sinh, khách du lịch đều tăng lên. Như nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát có lời: "Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người".
“Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. VN là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN.”
“Từ thơ Nguyễn Du, triết học Phan Chu Trinh, toán học Ngô Bảo Châu đều có thể đem ra thế giới. Ở VN và trên thế giới, phụ nữ sẽ có cơ hội phát triển, những phụ nữ là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.”
“Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ.”
“Hai nước đã từng chiến tranh, giờ chúng ta lại cùng nhau gìn giữ hòa bình thế giới. Mọi việc không phải sau một đêm là có. Có những khó khăn, thụt lùi. Nhưng tôi đứng đây, trước các bạn, rất lạc quan về tương lai của hai nước.”
“Như Trịnh Công Sơn đã viết "Nối vòng tay lớn", người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau. Một bác sĩ Việt kiều đã nói với tôi rằng ông đã thực hiện được giấc mơ Mỹ, ông tự hào là người Mỹ và cũng tự hào là người VN. Hôm nay ông có mặt ở đây để trở về giúp đỡ VN.”
“Thế hệ trẻ VN có cơ hội để phát triển đất nước, Hoa Kỳ ở đây để giúp đỡ các bạn, luôn bên các bạn. Sau này khi các bạn cùng người trẻ Mỹ hợp tác, các bạn sẽ nhớ phút này, tôi đứng ở đây.”
Khép lại bài phát biểu trước hàng ngàn người ở Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đọc hai câu Kiều như khẳng định lòng tin: "Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”.
(Trích nguồn VietNamNet ngày 24/5/2016)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trước khi lên chuyên cơ rời Việt Nam vào đầu giờ chiều 25-5, Tổng thống Barack Obama đặt tay lên trái tim mình và nói: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế”.
(Nguồn Báo NLĐ ngày 25/5/2016)
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 28 tháng 05 năm 2016
Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016
Chuyến thăm khẳng định lòng tin
Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Việt Nam ngày 25/5/2016, nhưng dư âm của chuyến thăm được coi là lịch sử này vẫn còn.
Báo chí Việt Nam và quốc tế vẫn tiếp tục đăng tải các bài bình luận liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama, trong khi trên các trang mạng xã hội, hình ảnh cũng như video về ông Obama vẫn xuất hiện dày đặc.
Xét về động cơ cũng như mục đích, các nhà phân tích chính trị, các học giả, các nhà báo và dư luận xã hội … đã đưa ra nhiều phân tích, nhận định, bình luận và dự báo về nhiều vấn đề liên quan đến chuyến thăm từ nhiều góc độ khác nhau, với những đánh giá khác nhau.
Tuy nhiên, đa số trên các phương tiện truyền thông đều xem chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama có tầm quan trọng đặc biệt, một sự kiện lớn, mang tầm quốc tế, vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao thông thường, đây là chuyến thăm khẳng định niềm tin của quan hệ song phương Việt Nam-Mỹ,
Đài BBC Việt ngữ hôm 3-5 dẫn nhận định của bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) nói rằng “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, vì nó đến vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Mỹ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau.”
Bà Phương Nguyễn nói tiếp: “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, vì nó đến vào thời điểm mà cả Mỹ và Việt Nam đã sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Để mối quan hệ song phương ngày càng vững chắc, Việt Nam và Mỹ cần liên tục bồi đắp lòng tin chiến lược với nhau”.
Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, Murray Hiebert cho biết: “Trong chuyến thăm, Tổng thống Obama sẽ tập trung xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai, xây dựng lòng tin, tạo lập một khuôn khổ nhằm duy trì sự tham gia của Mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau như hiện nay.”
Nói về cơ hội và thách thức từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu phê chuẩn và thực thi bởi tất cả các thành viên, bà Phương Nguyễn cho rằng đây sẽ là “cú hích” quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ – Việt: “Hiện tại, Mỹ mới chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Có sự mất cân bằng nhất định trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, do chủ yếu chỉ có hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. TPP sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm của Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, TPP hứa hẹn sẽ giúp những công ty khởi nghiệp của Việt Nam tiếp cận thị trường và doanh nghiệp Mỹ”.
TPP sẽ giúp các công ty nhỏ của Việt Nam vươn ra khỏi tầm khu vực và trở thành thương hiệu tên tuổi của thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá về những cơ hội hợp tác kinh tế được mở ra sau chuyến thăm:
“Đáng chú ý nhất là hai bên nhất trí cao lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tập trung hợp tác nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu.”
“Tổng thống khẳng định quyết tâm thúc đẩy quốc hội thông qua TPP trong năm 2016; tiếp tục mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa Việt Nam; xem xét thuận lợi việc nhập xoài, vú sữa.”
(Nguồn Báo NLĐ ngày 25/5/2016)
Người dân chào đón Tổng thống Obama. Ước tính hàng chục nghìn người đứng dọc theo các con phố, giương cao cờ Việt – Mỹ, và mang theo các biểu ngữ như “Welcome Obama. Chúng tôi yêu bạn "(Chào mừng Ong Obama. We yêu quý ông). We love you,” (Chào mừng ông Obama. Chúng tôi yêu quý ông).
Tổng thống Barack Obama khích lệ tuổi trẻ Việt Nam. Ông nói:
“Mỗi khi công du khắp thế giới, nhiệm vụ của tôi là gặp lãnh đạo các nước. Điều này rất quan trọng. Nhưng một trong những phần thú vị trong các chuyến công du là ra khỏi các văn phòng chính phủ và dành thời gian với các bạn trẻ giống như các bạn ở đây”.
“Những dịp như thế này thật thú vị, giúp tôi lạc quan về tương lai vì các bạn luôn tràn đầy năng lượng và luôn nỗ lực mong muốn đưa khu vực lên tầm cao mới. Các bạn khiến tôi tràn trề hi vọng về tương lai ASEAN và tương lai của thế giới”, ông Obama nói.
Khép lại bài phát biểu trước hàng ngàn người ở Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đọc hai câu Kiều như khẳng định lòng tin: "Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết trước khi lên chuyên cơ rời Việt Nam vào đầu giờ chiều 25-5, Tổng thống Barack Obama đặt tay lên trái tim mình và nói: “Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Chưa bao giờ tôi thấy gần gũi với Việt Nam như thế”.
(Nguồn Báo NLĐ ngày 25/5/2016)
Trần Thành Lập
Cần Thơ, ngày 28 tháng 05 năm 2016
Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016
Ký ức về một thời lưu học sinh tại Liên bang Xô viết
Năm 1979 tốt nghiệp cấp III bổ túc văn hóa, tôi thi vào Trường Đại Học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tự tin với kiến thức và hài lòng với bài thi của mình.
Sau một thời gian, bạn bè đều đã nhận giấy báo trúng tuyển. Tôi thì không. Chờ đợi, lo lắng! Rớt sao? Vô lý! Ngày lại qua, tuần lại qua, tôi vẫn tiếp tục chờ. Gần như không còn hy vọng, thì bất ngờ, tôi nhận giấy báo nhập học. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc!
Thế là tôi chính thức trở thành sinh viên Trường Đại Học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Lại còn được Ban Giám hiệu Trường chỉ định làm lớp trưởng.
Một năm học rất vất vã cũng qua đi. Với kết quả tốt khá toàn diện, tôi được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chọn đưa đi du học ở Liên Xô. Đây là niềm tự hào, vinh dự của gia đình và quê hương tôi.
Trước khi đi du học, chúng tôi phải học tiếng Nga một năm ở Trường Đại học ngoại ngữ 97 Võ Văn Tần, thành phố Hồ Chí Minh. Trong số du học sinh có nhiều người như tôi là sinh viên xuất sắc năm thứ nhất từ các trường đại học.
Vượt qua biết bao khó khăn, vất vã, tinh thần học tập của chúng tôi ngày đó rất sôi nỗi, khẩn trương, cuối cùng chúng tôi cũng đạt được trình độ tiếng Nga để đi du học.
Những năm đó đi du học khó lắm. Lý lịch bản thân và gia đình tôi rất tốt. Chỉ có điều tôi mang họ Trần, nên cơ quan chức năng phải xác minh nhiều nơi để làm hồ sơ cấp hộ chiếu. Do đó, đến đầu tháng 10 tôi mới được bay sang thủ đô Moscow (trể hơn bạn bè gần một tháng).
Thế là cuộc đời bắt đầu chuyển sang một bước ngoặt mới. Tạm biệt quê hương, tạm biệt người thân, phải nén lòng nhớ má, nhớ ba, nhớ người thân, nhớ bạn bè để lo cho sự học.
Chiếc máy bay IL 86 của Hãng hàng không quốc gia Aeroflot Xô Viết chở chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế She-re-men-che-vơ Moscow vào sáng mùa thu khi những cánh rừng bạch dương đã ngã sang màu vàng tuyệt đẹp.
Đúng là mùa thu vàng! Thiên nhiên đã ban tặng cho Moscow mùa thu vàng tuyệt diệu khiến những ai đã đi qua nơi đây phải lay động, thổn thức tâm hồn.
Đại diện Ban quản lý lưu học sinh đón chúng tôi từ sân bay về ký túc xá Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov Moscow. Chúng tôi, những lưu học sinh lại phải trải qua một năm đào tạo về ngôn ngữ, gọi là năm học dự bị ở Moscow.
Trong năm học này các lưu học sinh được học theo một chương trình đào tạo đặc biệt để có thể nắm bắt được ngôn ngữ đứng thứ ba về độ khó so với các ngôn ngữ khác.
Thời gian đầu tiếp xúc với người Nga và được học chung với các bạn sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới, tôi mới hiểu được sự hạn chế về mặt ngoại ngữ của mình.
Nhờ cần cù, chịu khó nên khả năng độc tài liệu, viết bài thu hoạch thì tạm được, nhưng kỹ năng nghe và phát biểu bằng tiếng Nga thì quả là một vấn đề lớn đối với tôi, do không có năng khiếu học ngoại ngữ và bởi đặc trưng ngôn ngữ đơn âm của tiếng Việt.
Tôi thật sự cảm thấy thất vọng và bi quan, nhưng nhờ được thầy cô giáo giúp đỡ hết sức nhiệt tình và vô tư không chỉ trong truyền thụ kiến thức mà cả trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn ở, đi lại, học hành nên chúng tôi đã nhanh chóng vượt qua, lấy lại được sự tự tin và niềm đam mê trong học tập.
Từ một sinh viên chưa biết tiếng Nga, sau một năm học tập, tôi đã có thể nghe, nói được kha khá và sau học kỳ đầu của năm thứ nhất đã có thể phần nào theo được chương trình học đại học cùng với sinh viên các nước.
Học tiếng Nga, sống cùng các bạn Nga, tôi càng hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa các dân tộc thuộc Liên bang Xô Viết.
Từ những ngày đầu tiên tôi đã bắt gặp những ánh mắt, nụ cười thánh thiện, nhân hậu của người dân Xô Viết; được sống êm đềm, vui vẻ trong tình thương yêu của thầy cô.
Moscow đẹp lắm! ngăn nắp, sạch sẽ và hiện đại! Tôi đã có dịp đến thăm những công trình kiến trúc nỗi tiếng thế giới như: Quảng Trường Đỏ, Điện Kremli, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, tháp truyền hình Octankino, khu triển lãm kinh tế quốc dân, đồi Lê Nin, tàu điện ngầm, những tòa nhà chọc trời, những công viên rộng lớn rợp bóng cây xanh. Con sông Moscow quanh co uốn lượn giữa lòng thủ đô như làm tăng thêm vẽ đẹp thơ mộng của Moscow.
Sau một năm học dự bị, lưu học sinh chúng tôi bắt đầu vào học năm thứ nhất cùng với sinh viên các nước tại Trường Đại học Tổng Hợp Leningrat. Đây thật sự là một trong những giai đoạn khó khăn nhất cần phải vượt qua.
Thành phố Leningrat rất rộng và từng là thủ đô của nước Nga, có nhiều di tích lịch sử đẹp nổi tiếng thế giới như Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè, Bảo tàng Puskin, Chiến hạm Rạng Đông, mà tôi cũng đã có dịp đến thăm đôi lần!
Lưu học sinh Việt Nam thời đó không chỉ được học tiếng Nga, khoa học xã hội, khoa học cơ bản, khoa học quản lý, khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến mà còn hiểu sâu sắc về nền văn hóa, lịch sử về đất nước và con người Nga với biết bao chiến công oai hùng trong lịch sử.
Tôi thích tham gia các buổi seminar, vì mọi người góp ý rất nhiều, đặt câu hỏi, nhận xét, tranh luận. Nhất là các buổi seminar có liên quan đến Học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin; hay các chủ đề có liên quan đến kinh tế kế hoạch (còn được gọi là nền kinh tế kế hoạch tập trung hoặc nền kinh tế chỉ huy) hay là kinh tế phi kế hoạch. Từ cơ sở khoa học và thực tiễn, cả thầy và trò tranh luận sôi nổi, quyết liệt.
Lưu học sinh Việt Nam thời đó được các trường đại học Liên Xô cho hưởng chế độ học bổng 90 rúp/tháng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và toàn tâm cho việc học tập.
Nhưng vào các dip hè hoặc nghỉ đông, tôi tranh thủ đi làm thêm, có khi làm cả ca hai, ca ba với thời tiết có lúc –35 độ C, để vừa thực hành hoàn hảo những kiến thức, kỹ năng đã được học ở nhà trường, vừa có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình.
Học hành và thi cử cũng lắm bận, nhiều phen, cố gắng vượt qua được những lần thi thố khó khăn, vất vã bằng tiếng người, ở xứ người, và rồi cũng cập bến bờ của sự thành công trong học tập!
Sáu năm là lưu học sinh Việt Nam được sống và học tập ở Liên Xô. Tôi đã rất tự hào về một Liên bang Xô Viết thịnh vượng, là thành trì của hòa bình thế giới…
Những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội… đã để lại làm nền tảng vững chắc cho những bước phát triển mạnh mẽ của nước Nga hiện nay và cả mai sau.
Tôi luôn cảm nhận rằng đất nước Liên Xô rất vĩ đại, đất nước Nga ngày nay cũng vậy. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, nước Nga vẫn đứng vững và phát triển.
Tôi rất khâm phục tinh thần yêu nước của nhân dân Nga, ý chí và lòng tự tôn dân tộc, kiên cường vượt mọi khó khăn, thử thách.
Bà mẹ Nga cũng giống như mẹ Việt Nam, hiền lành, đôn hậu, nhân ái, sẵn sàng sẻ chia mẩu bánh cuối cùng của mình cho bạn bè trong lúc khó khăn.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn đau đáu về nước Nga, về Bà mẹ Nga - Đó là vì ở trên đất Liên Xô khi ấy tôi đã được sống, được học, được bao bọc trong tấm lòng nhân hậu của người Nga, được nhận tình cảm nồng ấm từ bạn bè, và trong sự dạy dỗ của thầy cô.
Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn thầy cô giáo, cảm ơn đất nước Nga, Bà mẹ Nga!
Trần Thành Lập
Viết nhân 30 năm, ngày tốt nghiệp Đại học. Tạm biệt Trường Đại học Tổng Hợp Leningrat.
Cần Thơ, ngày 28 tháng 05 năm 2016
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)